II. Một số giải pháp đột phá ôn thi THPT Quốc gia ở trường THPT Trần Phú
3. Tổ chức ôn luyện
3.1. Ôn luyện theo từng vấn đề 1 Ôn luyện đọc hiểu
3.1.1. Ôn luyện đọc hiểu
Như trên đã phân tích cấu trúc, tính chất, cách hỏi của đề thi THPT Quốc gia, giáo viên cần chia nhỏ nội dung để ôn luyện. Ôn đâu chắc đấy, không chồng chéo, ôm đồm học sinh tưởng cái gì cũng biết nhưng thực ra không biết chắc vấn đề gì, thậm chí nhiều em thấy hoang mang, không biết phải bắt đầu từ đâu. Đặc biệt, với học sinh học ban Khoa học tự nhiên, kết quả môn Văn dùng để xét tốt nghiệp, nên giáo viên càng phải “chắt chiu” điểm cho các em. Tuyệt đối không được để mất điểm ở những câu hỏi ở mức độ nhận biết. Điều này lí giải vì sao trong kì thi THPT Quốc gia năm 2018-2019 có hơn 1200 thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ văn, cao gấp 2,5 lần so với năm 2017 và cao gấp 1,6 lần so với năm 2018. Mặc dù có những câu vô cùng đơn giản, học sinh cấp THCS hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa. Nếu giáo viên lựa chọn đúng nội dung,
27
phương pháp, học sinh sẽ không phải chịu hậu quả đáng buồn ấy. Dưới đây là một số phương pháp tôi đã áp dụng trong ôn luyện:
* Với những câu hỏi ở mức độ nhận biết, giáo viên cần luyện kĩ các phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, thể thơ, các phép liên kết, các thành phần biệt lập, … bằng cách đưa ra hệ thống bài tập dành riêng cho từng nội dung.
* Với phương thức biểu đạt, cần luyện chắc cách nhận diện từng phương thức: miêu tả có đặc điểm gì, tự sự có đặc điểm gì?...
* Với thao tác lập luận hay phong cách ngôn ngữ, cần hệ thống lại nội dung, cho học sinh nhớ chắc từng thao tác, từng phong cách, phân tích ví dụ giúp học sinh nhận diện đặc điểm rồi đưa hệ thống dẫn chứng cho học sinh thực hành. Khi học sinh nhận diện sai, cần định hướng cho học sinh cách nhận diện đúng bằng cách lí giải, vì sao sai? Giả sử cách lựa chọn của em là đúng thì sự lựa chọn ấy có đúng với đặc điểm của thao tác, phong cách ngôn ngữ hay không? Tuyệt đối không đưa ra nhận xét: Em làm sai mà không giúp học sinh biết cách làm đúng.
* Việc nhận diện các thể thơ cũng tương đối dễ. Ngoài các thể thơ truyền thống, còn có các thể thơ hiện đại. Giáo viên cần dạy học sinh nhớ tên các thể thơ, dạy cách quan sát, đếm số lượng câu, chữ. Từ đó, gọi tên đúng thể thơ.
* Với những câu hỏi tìm từ ngữ, hình ảnh như đề thi năm 2018: “Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?” hoặc đề thi năm 2015: “Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?”, giáo viên cần dạy cho học sinh cách đọc kĩ câu hỏi, xác định trọng tâm câu hỏi và tìm từ ngữ, hình ảnh từ trên xuống dưới, rà soát từng câu, ghi lại đầy đủ, không bỏ sót để đạt điểm tối đa.
* Với những câu hỏi thông hiểu như nêu tác dụng của biện pháp tu từ đã xác định, cần dạy cho học sinh thao tác tư duy. Câu hỏi này cần thực hiện 2 thao tác:
1) Chỉ ra biện pháp tu từ: Ví dụ: biện pháp điệp, cần chỉ ra điệp từ, điệp ngữ hay điệp cú pháp. Từ nào, câu nào được lặp lại, học sinh cần ghi lại chính xác các dấu hiệu đó. Nếu so sánh thì so sánh cái gì với cái gì? Nếu là ẩn dụ thì từ nào ẩn dụ, ẩn dụ cho cái gì? … những câu hỏi đó cần thường xuyên được sử dụng trong ôn luyện để học sinh nhớ kĩ năng.
2) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ: Biện pháp tu từ bao giờ cũng có tác dụng trên 2 phương diện nội dung và nghệ thuật. Cho nên học sinh cần đọc kĩ văn bản để phân tích cụ thể tác dụng của biện pháp tu từ, tránh trả lời chung chung
28
như: Làm rõ điều tác giả muốn nói, làm cho câu văn hay hơn, sinh động hơn, gợi cảm hơn, dễ hình dung hơn. Cách trả lời này có thể đúng với tất cả mọi trường hợp, xong lại không có ý nghĩa gì. Vì vậy, học sinh không có điểm.
Ví dụ: Khi đề yêu cầu: Nêu tác dụng của nghệ thuật so sánh trong câu văn sau: “Người tích cực tựa như ánh Mặt trời, chiếu đâu là sáng đó. Người tiêu cực
tựa như ánh Mặt trăng, độ sáng mỗi ngày mỗi khác”. Học sinh cần trả lời:
Hai câu văn trên đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh giữa các hình ảnh: “người tích cực” với “mặt trời” và “người tiêu cực” với hình ảnh “mặt trăng”. Biện pháp so sánh đã giúp người đọc hình dung cụ thể về hai loại người: người tích cực là người mang đến nguồn năng lượng sống dồi dào và sẽ tỏa sáng ở bất kì nơi đâu. Sống bên người tích cực, ta sẽ lạc quan, tin tưởng, được tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Còn người tiêu cực chỉ là những ánh sáng le lói, nó bị bao trùm bởi màn đêm u tối. Ở bên họ, ta sẽ trở nên bi quan, mất đi niềm tin, sức mạnh, ý chí, trở thành yếu đuối, hèn nhát. Từ đó ta có thể rút ra được bài học cho chính bản thân, hãy có một lối sống tích cực để mang lại cảm hứng sống cho chính mình và những người xung quanh ta. Bằng việc sử dụng biện pháp so sánh, câu văn trở nên sinh động, giàu hình ảnh, có giá trị thẩm mĩ, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người đọc, người nghe.
Với câu hỏi hiểu như thế nào về quan niệm, hay câu nói, cần dạy học sinh cách viết câu trả lời đúng trọng tâm. Câu nói trên có thể hiểu? Qua đó ta thấy được điều gì?
Ví dụ: Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định: Bạn ở chung với người như
thế nào, thì bạn sẽ như thế đó. Học sinh cần trả lời:
- Câu văn có thể hiểu: Môi trường sống ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng và sự phát triển tính cách mỗi người. Bạn sống trong môi trường như thế nào, bạn sẽ chịu ảnh hưởng như thế đó. Sống với người tốt, bạn sẽ tiếp thu cái tốt và ngược lại.
- Qua đó, câu văn đề cao vai trò của môi trường sống, nhắc nhở mỗi người phải biết chọn bạn mà chơi.
Với câu hỏi vận dụng đồng tình hay không đồng tình? Học sinh cần bày tỏ rõ quan điểm của mình: đồng tình – không đồng tình hoặc đồng tình nhưng…. không đồng tình…tuy nhiên… Câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải đưa ra những lí lẽ thuyết phục để bảo vệ quan điểm, tránh việc diễn giải câu nói, mở rộng liên hệ dài dòng, thậm chí học sinh còn đưa dẫn chứng, phê phán, rút ra bài học. Như vậy, có nghĩa là các em đã xác định chưa đúng vấn đề trọng tâm, bài văn đã đi quá xa so với yêu cầu. Hơn nữa, với những câu hỏi được đánh giá bởi tính thuyết phục của lí lẽ, nhiều học sinh trả lời quá sơ sài sẽ không được điểm tối đa; trả lời quá dài sẽ
29
không đúng tính chất đọc hiểu, dễ sa đà, lan man. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh về dung lượng (khoảng 7 đến 10 dòng) để tránh lãng phí thời gian.
Ví dụ: Khi đề hỏi: “Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: Làm bạn với cao nhân,
bạn có thể leo đến nơi cao nhất không? Vì sao? Học sinh cần trả lời:
Em đồng tình với ý kiến: “Làm bạn với cao nhân, bạn có thể leo đến nơi cao nhất”. “Cao nhân” là người có học vấn uyên thâm, đạo đức cao thượng, vượt hơn hẳn người thường. Họ luôn đứng ở “nơi cao nhất” – đó là đỉnh của trí tuệ, của đạo đức, thành công mà con người khát khao đạt được. “Làm bạn với cao nhân” ta có thể học hỏi được rất nhiều tri thức, những kỹ năng trong cuộc sống, giúp ta hoàn thiện những thiếu sót của bản thân. “Làm bạn với cao nhân” cũng giống như ta được sống ở môi trường tốt, được giáo dục và dạy bảo một cách đúng đắn thì nhất định cũng sẽ trở thành một người có nhân cách, đạo đức tốt. Đồng thời ta cũng có thể học hỏi ở “cao nhân” ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách bởi con đường đi đến nơi cao nhất không phải lúc nào cũng dễ dàng như ta mong đợi. (Bài làm của học sinh).
* Với những câu hỏi rút ra thông điệp, điều tâm đắc nhất cần hướng dẫn học sinh thực hiện hai thao tác cơ bản về tư duy:
- Nêu được thông điệp, hoặc điều tâm đắc nhất. Đó có thể là thông điệp trong văn bản đọc hiểu hoặc tự người đọc rút ra. Nhưng cần nêu rõ ràng, ngay ở câu chủ đề.
- Lí giải vì sao đó là điều tâm đắc hoặc thông điệp có ý nghĩa. Từ thực tế ôn luyện, tôi thấy rất nhiều học sinh chép lại nguyên xi một số câu văn để giải thích cho sự lựa chọn của mình. Cách làm này sẽ khó đạt điểm cao vì đó không phải là lí lẽ của học trò, cho thấy các em lười tư duy, suy nghĩ. Trong khi đó, câu này mang tính vận dụng, liên hệ thực tế với người viết nên quan điểm riêng của người viết sẽ mang lại giá trị hiệu quả nhất.
- Một số lưu ý:
+ Về dung lượng, câu vận thường được 1,0 điểm. Vì vậy, nếu trả lời quá sơ sài cũng sẽ khó thuyết phục người đọc. Học sinh có thể trả lời từ 7 đến 10 dòng mới đảm bảo sự logic, mạch lạc về ý, chặt chẽ về lập luận.
+ Không nên chọn thông điệp hoặc điều tâm đắc trùng với vấn đề viết đoạn văn trong phần Làm văn, vì khi viết đoạn nghị luận xã hội sẽ bị lặp lại ý.
Ví dụ:
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được nhiều tiếng động xung quanh đang diễn ra, dù đó có là tiếng dài não ruột của một người đang ở nơi xa, hay ngay cả "tiếng vô thanh" của
30
dòng sông và ngọn đồi. Cuộc sống luôn luôn hối hả vội vàng, nên dễ khiến người ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi người kia đã nói rất rõ ràng mà ta còn chưa chịu hiểu, huống hồ họ chỉ nói nửa câu hay im lặng để ta tự suy ngẫm. Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim... Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác.
(Trích Hiểu về trái tim, Minh Niệm, NXB trẻ, 2013)
Câu 4. Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích.
Khi làm câu hỏi này, có học sinh đã rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất là trong cuộc sống cần biết lắng nghe. Nhưng khi lí giải, học sinh chép lại đoạn trích để lí giải: “ Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim... Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác”. Như vậy, trả lời được thông điệp chỉ được 0,25 điểm và phần lí giải chỉ có thể được 0,25 điểm. Vì vậy, học sinh cần đưa ra lí lẽ của cá nhân theo gợi ý sau:
Theo tôi, thông điệp có ý nghĩa sâu sắc nhất trong đoạn trích là trong cuộc sống chúng ta cần biết lắng nghe. Vì lắng nghe giúp ta học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý bá; rèn luyện tính kiên nhẫn, biết cách kiểm soát cảm xúc, kiềm chế bản thân, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra. Biết lắng nghe cũng là cách bày tỏ thái độ khiêm tốn, trân trọng mọi người, được mọi người yêu quý, … Quả thực, “im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan, Người không biết im lặng là người không biết nói”.