Tác động tích cực

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu tác ĐỘNG của HIỆP ĐỊNH THƯƠNG mại tự DO VIỆT NAM – EU đến đầu tư TRỰC TIẾP nước NGOÀI tại VIỆT NAM và một số hàm ý CHÍNH SÁCH (Trang 28 - 30)

Thứ nhất, tham gia FTA giúp các quốc gia thu hút được nhiều lượng FDI hơn.

FTA mở ra một quy mô thị trường rộng lớn hơn và giảm các chi phí sản xuất thông qua các cam kết xóa bỏ thuế quan và tạo thuận lợi hóa thương mại. Các hàng rào thương mại được xóa bỏ tạo nên một thị trường rộng lớn hơn so với thị trường nội địa trước đó. Quy mô thị trường có thể được cải thiện do FTA tác động tích cực đến GDP, gia tăng thu nhập cho các nước thành viên, từ đó tăng sức mua dẫn đến mở rộng dung lượng thị trường. Đây sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường từ đó có tác động làm tăng FDI theo chiều ngang.

Các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại sẽ làm giảm chi phí trao đổi các nguyên nhiên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm. Điều này sẽ làm gia tăng FDI theo chiều dọc giữa các nước thành viên và cả những nước bên ngoài FTA nếu thị trường của họ hướng đến các nước tham gia.

Các cam kết về đầu tư cụ thể là các cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư đặt ra yêu cầu với các quốc gia về cải thiện môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó tạo dựng được niềm tin cho các nhà đầu tư và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

FTA làm giảm các chi phí cho doanh nghiệp hoạt động tại thị trường nước sở tại như chi phí dịch vụ, chi phí giao dịch nhờ vào các cam kết về dịch vụ thúc đẩy thị trường dịch vụ phát triển và giảm rủi ro nhờ các cam kết rộng hơn trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như về sở hữu trí tuệ, lao động, phát triển bền vững,... Các cam kết này có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi trong khu vực, nhờ đó thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, các cam kết trong FTA nới lỏng các quy định về tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư trong liên doanh với doanh nghiệp nội địa ở một số ngành. Điều này có thể thúc đẩy hình thức liên doanh phát triển, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, FTA có tác động giúp cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Các FTA thế hệ mới hiện nay thường sẽ có các quy định về quy tắc xuất xứ. Để được hưởng các ưu đãi thuế quan, hàng hóa xuất khẩu buộc phải tuân theo các quy định này. Các quy tắc xuất xứ chặt chẽ, minh bạch sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI.

Trong các Hiệp định Thương mại tự do có riêng một chương về sở hữu trí tuệ. Những cam kết cụ thể mức độ bảo hộ trong FTAs cùng với nguyên tắc tối huệ quốc nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp các bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho nhau. Điều này chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai bên và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ làm cho các yếu tố đầu vào được nâng cao và có hiệu quả hơn, quy mô sản xuất và tiêu dùng ngày càng được mở rộng, tạo ra thị trường mới, hướng về xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khu vực. Như vậy, ngoài tiềm lực về công nghệ thì FTA có thể coi là chất xúc tác giúp phát huy tối đa những lợi thế mà công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài đem lại. Các FTA thế hệ mới cũng có các quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế bớt những công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Những xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp của quốc gia nhận đầu tư.

Thứ ba, FTA giúp những quốc gia thành viên chuyển hướng và đa dạng hóa đối tác đầu tư.

Tham gia FTA không chỉ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ nước thành viên mà còn thu hút FDI từ các nước bên ngoài FTA. Việc tham gia nhiều FTA sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới và chia sẻ bớt sự phụ thuộc vào một số đối tác lớn. Mặc dù việc “không phụ thuộc vào bất cứ đối tác đầu tư nào” trong thời đại toàn cầu hóa này là điều không thể và các quốc gia buộc chấp nhận các mối liên kết kinh tế như một thực tiễn khách quan nhưng để không phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhất định thì việc tham gia FTA có thể là một giải pháp hữu hiệu khi mà việc ký các FTA với các khu vực thị trường trọng điểm giúp tạo động lực chuyển hướng đầu tư và đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác đầu tư.

Thứ tư, FTA giúp chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực đầu tư.

FTA có cam kết mở cửa trong một số lĩnh vực về công nghiệp và dịch vụ có thế giúp thu hút đầu tư FDI vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực này. Các nước phát triển có sự hạn chế của các nhân tố phát triển như: vốn, lao động, khoa học công nghệ, kỹ thuật, thị trường,... sẽ ký những cam kết tạo ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, những lĩnh vực có tác dụng như “đầu tàu” lôi kéo toàn bộ nền kinh tế cùng phát triển. Các lĩnh vực phải được chọn lọc để tập trung nguồn lực đang còn khan hiếm của quốc gia cho việc sử dụng vốn có hiệu quả. Trong hiện tại và tương lai các ngành này có tác động thúc đẩy các ngành khác tạo đà cho sự tăng trưởng chung, sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực.

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu tác ĐỘNG của HIỆP ĐỊNH THƯƠNG mại tự DO VIỆT NAM – EU đến đầu tư TRỰC TIẾP nước NGOÀI tại VIỆT NAM và một số hàm ý CHÍNH SÁCH (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(97 trang)
w