6. Kết cấu khóa luận
1.1.4. Vai trò của dịch vụ Ngân hàng điện tử
Trong thời đại công nghê 4.0, dịch vụ Ngân hàng điện tử đã và đang thể hiện được những vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt cần thiết trong việc duy trì sự phát triển lành mạnh cho nền kinh tế của quốc gia.
Trước hết, việc phát triển các dịch vụ Ngân hàng điện tử tiên tiến sẽ giúp cho quá trình luân chuyển vốn giữa các chủ thể trong nền kinh tế diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, thích nghi tốt hơn với những thay đổi trong nhu cầu thanh toán của nền kinh tế đất nước. Cụ thể, chính nhờ khả năng gia tăng tốc độ chu chuyển vốn mà các luồng tiền từ mọi phía của nền kinh tế sẽ tập trung chảy vào Ngân hàng, được điều hòa với hệ số hữu ích cao, từ đó làm thay đổi cơ cấu tiền lưu thông, góp phần thực hiện mục tiêu được đặt ra trong những năm gần dây, đó là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, từ nền kinh tế sử dụng tiền mặt trở thành nền kinh tế không lưu thông tiền mặt, nền kinh tế chuyển khoản.
Thứ hai, thông qua hệ thống Ngân hàng điện tử, các ngân hàng có thể kiểm soát hiệu quả các dòng tiền trong nền kinh tế, từ đó giảm thiểu các vụ bê bối liên quan đến rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp hay tham nhũng. Mạng thông tin giúp cho các hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng được thực hiện một cách chặt chẽ, kịp thời xử lý những vi phạm, qua đó giữ vững an toàn cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, các công việc như quản lý hệ thống kho quỹ, in ấn tiền, tổ chức quản lý văn phòng, quản lý hồ sơ của cán bộ, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên, tổ chức những hội nghị trong và ngoài nước ... đều có thể thực hiện trực tuyến, vừa giảm đáng kể chi phí di chuyển, chi phí tổ chức, lại tiết kiệm được thời gian.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cao hơn được vai trò của mình, phát huy được hết các chức năng của mình nếu như việc ứng dụng dịch vụ NHĐT ngày càng được đẩy mạnh trong hệ thống ngân hàng. Khi các ngân hàng thương mại áp dụng hệ thống NHĐT, Ngân hàng Trung ương hoàn toàn có thể truy cập các nguồn dữ liệu của các ngân hàng một cách kịp thời, chính xác thông qua hệ thống mạng thông tin. Dựa vào các thông tin thu thập được, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện phân tích đánh giá, lựa chọn các giải pháp, sử dụng các công cụ điều tiết hiệu quả nhằm kiểm soát cung ứng tiền tệ tối ưu, từ đó điều hòa, ổn định tiền tệ đối nội và
đối ngoại một cách chủ động. Sau cùng, Ngân hàng Trung ương sẽ có đủ điều kiện để đánh giá tình hình cán cân thương mại, cán cân thanh toán, và diễn biến tốc độ phát triển kinh tế.
Cuối cùng, Ngân hàng điện tử đang thể hiện vai trò vô cùng to lớn của mình trong việc khuyến khích các ngân hàng riêng lẻ thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, hình thành nên các ngân hàng lớn hơn, đủ nguồn lức tài chính để có thể đảm bảo trang bị được cho mình các công nghệ thông tin mới nhất, hiện đại nhất nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và tự tạo cho bản thân những lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các ngân hàng khác. Dịch vụ NHĐT cũng đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa các ngân hàng ngày càng chặt chẽ. Các ngân hàng có thể cùng nhau xây dựng những đề án phát triển nghiệp vụ kinh doanh sản phẩm, các dịch vụ mới, sử dụng mạng lưới thanh toán điện tử, thông tin rủi ro, tư vấn pháp luật, kiểm toán phòng ngừa, lập quỹ bảo toàn tiền gửi, xây dựng các chương trình đồng tài trợ, lập chương trình phối hợp đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ nhân viên, kể cả các hình thức hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ và văn hóa xã hội....