6. Kết cấu khóa luận
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử
1.2.3.1. Các yếu tố thuộc về môi trường hoạt động
a) Môi trường pháp lý
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển thương mại điện tử nói chung và dịch vụ Ngân hàng điện tử nói riêng đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp lý mới ra đời. Có thể thấy, các hoạt động trên dịch vụ Ngân hàng điện tử chỉ có thể được triển khai một cách hiệu quả, an toàn, mang tính đồng nhất khi và chỉ khi chúng được công nhận về mặt pháp lý. Chính vì vậy, "Luật giao dịch điện tử" của Việt Nam đã được ban hành nhằm hỗ trợ cho sự phát triển này. Ngày 29/11/2005, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và chính thức áp dụng vào ngày 1/3/2006. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành một số các Nghị định nhằm hướng dẫn chi tiết về việc thi hành Luật giao dịch điện tử tại Việt Nam.
Việc hệ thống pháp lý về Luật giao dịch điện tử bước đầu được ban hành và triển khai như trên đã cho thấy sự ủng hộ và tạo điều kiện hết sức thuận lợi của Chính phủ trong việc phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại thực hiện, chắc chắn sẽ còn xuất hiện thêm những nảy sinh về mặt pháp lý từ phía ngân hàng cũng như người sử dụng. Vì vậy, yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử mà cụ thể là giao dịch Ngân hàng điện tử đã được đặt ra đối với các nhà xây dựng pháp chế tại Việt Nam.
b) Môi trường kinh tế, xã hội
Việc Việt Nam gia nhập WTO đã cho phép các ngân hàng nước ngoài được đầu tư mua cổ phần của các ngân hàng trong nước. Do đó, đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng thương mại trong nước tăng vốn, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ quản lý hoạt động ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao dịch tự động trong đó có kênh giao dịch Ngân hàng điện tử. Ngoài ra, việc gia nhập WTO cũng tạo cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tích cực cạnh tranh thị trường để tồn tại và phát triển, không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng hoạt động ra khu vực thế giới. Các doanh nghiệp này sẽ trở
thành các khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Ngân hàng là nhà cung cấp dịch vụ, vì vậy ngân hàng và các tổ chức tài chính tín dụng có điều kiện phát triển tốt khi khách hàng - những người sử dụng dịch vụ của họ làm ăn tốt và phát triển.
Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà duy trì tốc độ tăng trưởng tốt qua các năm, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, các chỉ số kinh tế - xã hội - con người ngày càng được hoàn thiện. Hạ tầng công nghệ viễn thông cũng không ngừng được mở rộng và nâng cao, điều này tạo nên môi trường kỹ thuật cực kỳ thuận lợi cho quá trình phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử. Không chỉ vậy, nhận thức của xã hội, của người dân về thương mại điện tử ngày càng được cải thiện; hành lang pháp lý cho thương mại điện tử, dịch vụ Ngân hàng điện tử đã được hình thành và tiếp tục hoàn thiện; định hướng phát triển không dùng tiền mặt của Chính phủ đã dần dần xây dựng văn hóa thanh toán không dùng tiền mặt trong nhân dân cũng như khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh chóng là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể tiến hành xây dựng và phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử.
1.2.3.2. Các yếu tố thuộc về ngân hàng a) Nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, yếu tố công nghệ được các ngân hàng đặt lên hàng đầu để tạo nên sự khác biệt và gia tăng cao nhất những tiện ích cho khách hàng của mình. Trên thực tế, để công nghệ thực sự là điểm mạnh vượt trội và mang đến nhiều tiện ích hiện đại cho người tiêu dùng thì không phải ngân hàng nào cũng có thể đáp ứng. Điều khó khăn ở sân chơi này chính là cần một nguồn tài chính thật lớn và duy trì liên tục để đảm bảo cho sự phát triển đó. Đối với các ngân hàng thương mại quốc tế trong khu vực và trên thế giới có tiềm lực về vốn mạnh và uy tín cao thì thông thường lợi nhuận thu được từ các hoạt động dịch vụ của các ngân hàng này chiếm khoảng 40%-50% trong tổng thu nhập. Các ngân hàng Việt Nam trong chiến lược tái cấu trúc hoạt động, tất yếu sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ để theo kịp xu hướng này.
Các hệ thống thanh toán điện tử hiện đại đòi hỏi một lực lượng lớn lao động được đào tạo tốt về công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng và cung cấp các ứng dụng cần thiết cho ngân hàng, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ và chuyển giao các
tri thức kỹ thuật của ngành. Do vậy, thiếu các kỹ năng làm việc trên internet, trên máy móc hiện đại và ngoại ngữ là những trở ngại cho việc phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử trong hệ thống ngân hàng.
b) Hoạt động Marketing
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của các ngân hàng trong nước và quốc tế, hoạt động kinh doanh tiền tệ - ngân hàng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ tạo ra sức hấp dẫn và sự sôi động trên thị trường Tài chính - Ngân hàng. Tuy nhiên, cuộc chiến giành thị phần diễn ra ngày càng khốc liệt buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc, điều chỉnh cách thức hoạt động và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của mình. Để làm được những điều này, các ngân hàng không thể không nghĩ đến việc áp dụng hiệu quả phương thức marketing. Marketing ngân hàng không coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu và duy nhất, mà cho rằng lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng và là thước đo trình độ, hiệu quả marketing của mỗi ngân hàng.
c) Hoạt động quản trị và phòng ngừa rủi ro
Cũng như các phương thức giao dịch ngân hàng khác, dịch vụ Ngân hàng điện tử chứa đựng trong nó nhiều rủi ro, trong đó, rủi ro đặc trưng nhất là rủi ro giao dịch. Vấn đề an toàn và bảo mật lại chính là yếu tố hàng đầu để khách hàng chọn lựa có sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử của một ngân hàng bất kỳ hay không. Vì vậy, một chiến lược đúng đắn được xây dựng để quản trị và phòng ngừa rủi ro là hết sức quan trọng trong lộ trình phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử hiện nay.
1.2.3.3. Các yếu tố thuộc về khách hàng
a) Sự hiểu biết và chấp nhận các dịch vụ Ngân hàng điện tử
Thói quen và sự yêu thích dùng tiền mặt, tính “ì” của khách hàng trước các dịch vụ mới có thể là những trở ngại chính cho việc phát triển các dịch vụ Ngân hàng điện tử. Sự phổ biến của các dịch vụ Ngân hàng điện tử liên quan chặt chẽ tới sự chấp nhận của khách hàng hơn là những gì mà phía mời chào cung ứng dịch vụ đưa ra. Sẽ chẳng có lý do nào cho các ngân hàng cung cấp các dịch vụ Ngân hàng điện tử mà không được sự chấp nhận của khách hàng. Sự hiểu biết của đông đảo khách hàng về các dịch vụ Ngân hàng điện tử và ích lợi của các dịch vụ này là hết sức cần
thiết. Rõ ràng, các dịch vụ Ngân hàng điện tử là các dịch vụ hiện đại và tốt. Tuy vậy, chúng ta không thể cho rằng có các dịch vụ tốt là đủ. Để xúc tiến các dịch vụ Ngân hàng điện tử các ngân hàng cung cấp các dịch vụ này cần phải làm cho khách hàng biết rằng có những dịch vụ như vậy và hướng dẫn họ sử dụng các dịch vụ đó.
b) Trình độ và mức thu nhập của khách hàng
Các nghiên cứu về Ngân hàng điện tử cho rằng trình độ và mức sống của khách hàng là một nhân tố quan trọng để phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử. Khi người dân có trình độ, họ sẽ hiểu được những tiện ích mà các dịch vụ Ngân hàng điện tử mang lại cho bản thân họ cũng như giá trị đóng góp cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Tương tự, khi người dân có thu nhập thấp, nhu cầu tiêu dùng sẽ trở nên đơn giản, các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt sẽ được ưu tiên. Do vậy, phát triển kinh tế và cải thiện trình độ, mức sống luôn luôn là những yếu tố tiên quyết cho việc phát triển các dịch vụ Ngân hàng điện tử.