lớp 4, 5 theo định hướng phát triển năng lực
2.1.1. Bám sát bản chất của dạy học theo định hướng phát triển năng lực
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS TH đòi hỏi phải lựa chọn nội dung, vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức, rồi từ đó tác động lên HS và tiến hành việc đánh giá một cách thích hợp nhằm hình thành những năng lực cần thiết cho HS. Cụ thể như sau:
- Nội dung làm văn tả cảnh gắn liền với điều kiện thực tiễn, cuộc sống hằng ngày của HS, phù hợp với cá nhân HS:
- Phương pháp dạy học hướng đến tự học, phát triển tư duy của HS, các phương pháp vận dụng chủ yếu là mang tính thực hành.
- Hình thức tổ chức dạy học được vận dụng đa dạng, trong đó, HS được trải nhiệm qua thực tiễn cuộc sống hằng ngày của mình.
- Kiểm tra, đánh giá chú trọng năng lực của HS, được tiến hành một cách thường xuyên, coi trọng vai trò tự đánh giá của HS, đề cao đánh giá bằng nhận xét, đánh giá quá trình, đánh giá vì sự học...
Như vậy, để hình thành được năng lực cho HS, GV cần bảo đảm cả bốn yếu tố trên đều được định hướng và phục vụ cho mục tiêu năng lực.
Ví dụ: Dựa theo dàn ý mà em đã lập trong tuần trước, hãy viết một đoạn văn miêu tả cảnh sông nước. (tuần 7, SGK TV 5, tập 1, tr.74).
Do đặc trưng về địa hình, Việt Nam là một quốc gia có hệ thống sông ngòi rất phong phú. Chính vì vậy việc hoàn thành yêu cầu của đề bài này không
khó đối với HS, do HS phần lớn đã từng bắt gặp hoặc quan sát cảnh về sông nước trong thực tế thậm chí rất nhiều lần. GV chỉ cần nhắc nhở, định hướng phạm vi đề tài là nói về “cảnh sông nước” để HS lưu ý, tránh trường hợp lạc đề.
2.1.2. Chú trọng đặc trưng phân môn, kiểu bài
Để HS tiến hành làm bài thuận lợi và có chất lượng tốt hơn, GV cũng cần hỗ trợ HS thông qua các hoạt động phù hợp như xây dựng hướng dẫn HS tiến hành các hoạt động quan sát ghi chép, lập dàn ý và những lưu ý khi dựa theo dàn ý đã xây dựng ở tuần trước để viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh như:
- Xác định được đối tượng miêu tả của đoạn văn (miêu tả đặc điểm nào hoặc bộ phận nào của cảnh,...).
- Xác định được trình tự miêu tả trong đoạn:
+ Theo trình tự thời gian: sáng, trưa, chiều, tối; xuân, hạ, thu, đông,... + Theo trình tự không gian: từ xa đến gần, từ cao xuống thấp,... + Theo càm nhận của từng giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác,... - Tìm những chi tiết nổi bật, những liên tưởng thú vị sẽ trình bày trong
đoạn.
- Tìm cách thể hiện tình cảm, cảm xúc.
- Xác định nội dung câu mở đoạn và câu kết đoạn:
+ Câu mở đầu có thể nêu ý của toàn đoạn: giới thiệu cảnh vật hoặc đặc điểm sẽ tả.
+ Câu kết đoạn có thể nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của mình về cảnh. GV cần hỗ trợ, khuyến khích kịp thời các hoàn thành tốt nhiệm vụ của tiết học. Tiêu chí đánh giá tiết học thành công là tất cả các HS đều viết được đoạn văn “tả cảnh sông nước” bằng sự hứng thú và say mê.
Bên cạnh đó, HS còn thể hiện được tình cảm, lòng yêu quê nước đất nước và hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ dòng sông quê hương thêm trong sạch.
2.1.3. Quan tâm đến đặc điểm tâm - sinh lí, nhận thức, ngôn ngữ của người học
HS TH dễ thích nghi, tiếp nhận cái mới và luôn hướng tới tương lai nhưng cũng thiếu sự tập trung cao độ, khả năng ghi nhớ và chú ý có chủ định chưa được phát triển mạnh, tính hiếu động, dễ xúc động còn bộc lộ rõ nét. Ở giai đoạn cuối tuổi TH tri giác bắt đầu mang tính xúc cảm, tư duy trực quan hành động chiếm ưu thế. Vì vậy, GV phải biến các kiến thức "khô khan" thành những hình ảnh có cảm xúc, đặt ra cho HS những câu hỏi mang tính gợi mở, thu hút HS vào các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để HS có cơ hội phát triển quá trình nhận thức lý tính của mình một cách toàn diện.
Ví dụ: Đối với đề bài: “Tả cảnh sân trường em vào giờ ra chơi” thì mặc dù HS đã từng ra chơi rất nhiều lần, nhưng những lần đó HS đều không có sự tập trung cao khi quan sát quang cảnh sân trường, mà chỉ mải mê với những sở thích và hoạt động cá nhân của mình. Chính vì lẽ đó, lúc làm bài HS sẽ gặp phải khó khăn khi phải hồi tưởng và xây dựng lại một cách có hệ thống về cảnh vật cũng như các hoạt động trong giờ ra chơi từ bao quát đến cụ thể. Hiểu được điều này, GV cần có sự hỗ trợ, nhắc nhở HS là để làm tốt đề văn nêu trên trong tiết học tuần sau, thì từ bây giờ vào giờ ra chơi, HS nên quan sát, ghi chép như thế nào cho hợp lý nhằm thu thập những thông tin cần thiết.
Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính của HS, nhờ có ngôn ngữ mà cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng của HS phát triển. Vì vậy, GV phải trau dồi vốn ngôn ngữ cho HS trong giai đoạn này bằng cách hướng hứng thú của HS vào các cuộc thi kể truyện, đọc thơ, viết báo, viết truyện, dạy HS cách viết nhật kí,… Tất cả đều có thể giúp HS có được một vốn ngôn ngữ phong phú và đa dạng. Việc ghi nhớ có chủ định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức hấp dẫn của nội dung tài liệu, yếu tố tâm lý tình cảm hay hứng thú của HS... Nắm được điều này, GV phải giúp HS biết cách khái quát hóa và đơn giản mọi vấn đề, giúp HS xác định đâu là nội dung quan
trọng cần ghi nhớ, đặc biệt phải hình thành ở HS tâm lý hứng thú và vui vẻ khi ghi nhớ kiến thức.
2.1.4. Đề cao tính tích hợp, phân hóa trong dạy học
Một trong những giải pháp sư phạm nhằm giúp HS hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn, lâu dài về mọi mặt và tạo mọi cơ hội để phát triển năng lực tiềm tàng bản thân là dạy học tích hợp và dạy học phân hóa.
2.1.4.1. Tính tích hợp trong dạy học
Thực tiễn ở nhiều nước đã chứng tỏ rằng, việc thực hiện quan điểm tích hợp trong dạy học sẽ giúp phát triển năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp và làm cho việc học tập trở nên ý nghĩa hơn đối với HS so với việc các môn học được thực hiện riêng rẽ.
Tích hợp là một trong những quan điểm dạy học nhằm nâng cao năng lực của người học, giúp đào tạo những người có đầy đủ phẩm chất và năng lực để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển GD 2011 - 2020 hướng tới mục tiêu phát triển năng lực không chỉ dựa vào tính hệ thống, logic của khoa học tương ứng khi xác định nội dung học tập mà còn gắn với các tình huống thực tiễn, chú ý đến khả năng học tập và nhu cầu, phong cách học của mỗi cá nhân HS. Các yêu cầu này đòi hỏi chương trình cần được phát triển theo định hướng tích hợp nhằm tạo điều kiện cho người học liên tục huy động kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực môn học và hoạt động GD khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ học tập. Qua đó, các năng lực chung cơ bản cũng như năng lực chuyên biệt của người học được phát triển.
Một kế hoạch dạy học mang tính tích hợp cần đáp ứng các yêu cầu sau: + Trang bị cho HS hiểu biết những kiến thức cần thiết, cơ bản về những nội dung vào các tình huống có ý nghĩa cần được tích hợp để từ đó GD HS có những cử chỉ, việc làm, hành vi đúng đắn. Nội dung tích hợp phải phù hợp với từng đối tượng HS ở khối lớp thông qua các môn học và hoạt động GD khác nhau. Không đặt ưu tiên truyền đạt kiến thức, thông tin đơn lẻ, mà phải hình thành ở
HS năng lực tìm kiếm, quản lí, tổ chức sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong tình huống có ý nghĩa. Biểu hiện của năng lực là biết sử dụng các nội dung và các kĩ năng trong một tình huống có ý nghĩa, chứ không ở tiếp thụ lượng tri thức rời rạc.
+ Phát triển các kỹ năng thực hành, kỹ năng thực hiện và ứng xử tích cực trong học tập cũng như trong thực tiễn cuộc sống làm cho HS hòa nhập vào thế giới cuộc sống; làm cho quá trình học tập mang tính mục đích rõ rệt.
+ Giúp HS hứng thú học tập, từ đó khắc sâu được kiến thức đã học. Khắc phục được thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kỹ năng rời rạc làm cho con người trở nên"mù chữ chức năng", nghĩa là có thể được nhồi nhét nhiều thông tin, nhưng không dùng được. Giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử dụng, để có điều kiện tăng tải kiến thức có ích. Tránh áp đặt, giúp HS phát triển năng lực.
Ví dụ: Phân môn TLV được dạy tích hợp với phân môn Tập đọc ở mỗi chủ điểm. Nội dung của các văn bản Tập đọc chính là những gợi ý, cách sắp xếp bố cục cho tiết TLV nói chung và văn tả cảnh nói riêng. Ngoài ra văn tả cảnh còn có thể tích hợp với những kiến thức của môn Mỹ thuật như: bố cục, các mảng, hình khối…
2.1.4.2. Tính phân hoá trong dạy học
Dạy học phân hoá là một quan điểm dạy học tập trung vào việc thiết kế giảng dạy xuất phát từ tình hình thực tế của HS, dựa vào đặc điểm cá nhân, tâm lí, sinh lí, nhu cầu, động cơ, hứng thú, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh... của HS mà tìm cách dạy cho phù hợp, giúp cho mọi HS đều có cơ hội phát triển toàn diện năng lực tiềm tàng của bản thân.
Đặc thù của dạy học phân hóa là dạy sao cho vừa sức với đối tượng: HS ở mức độ khá, giỏi thì dạy sao cho HS hứng thú, đam mê với việc học. Đối với HS trung bình thì tạo động lực để HS vươn lên. Với HS yếu, kém thì phải bù đắp
được chỗ hỏng về kiến thức để lĩnh hội được kiến thức cơ bản. Như vậy, dạy học phân hóa xuyên suốt và chi phối mọi phương pháp dạy học.
Chẳng hạn, khi GV tiến hành hoạt động ngoại khoá như: trò chơi học tập, tham quan trong tiết dạy văn tả cảnh, thì GV cần dành nhiều thời gian hơn để theo sát, có những câu hỏi gợi ý, định hướng kịp thời về cảnh vật hiện tại đối với HS HS yếu, nhằm hỗ trợ HS xác định đâu là những nét chính cần lưu ý và ghi chép lại vào sổ tay của mình.
Các yếu tố về dạy học phân hóa bao gồm:
+ Phân hóa về nội dung: Trong cùng một nội dung kiến thức bài học, có em đã biết, biết ở mức độ, hoàn toàn chưa biết, có em chỉ có khả năng phát hiện vấn đề, mỗi em hiểu và vận dụng kiến thức ở các mức độ khác nhau. GV cần lựa chọn dạy cái gì để đạt hiệu quả cho từng em.
+ Phân hóa quy trình: GV cần tìm một quy trình thỏa mãn cho nhiều đối tượng, làm sao để những HS trung bình, yếu không, cảm thấy chán nản với một nội dung quá khó, HS khá, giỏi không cảm thấy buồn tẻ, chán nản trước một nội dung quá dễ.
+ Phân hóa sản phẩm: Sản phẩm là kết quả cuối cùng của bài học. Mức độ hiểu biết, mức độ hoàn thiện, mức độ thể hiện của mỗi HS rất đa dạng. Vậy cần phải có phương pháp đánh giá phù hợp.
+ Phân hóa trong công cụ đánh giá: Do sản phẩm có sự phân hóa nên công cụ đánh giá không được rập khuôn, máy móc mà phải hết sức linh hoạt.
Tích hợp và phân hóa là hai yêu cầu luôn cần được quán triệt đồng thời, thống nhất. Nó được chú ý ở cả mục tiêu, nội dung và phương pháp GD.
Ví dụ: Quan sát trường em. Từ những điều đã quan sát được, lập dàn ý cho bài văn miêu tả ngôi trường. Chọn viết một đoạn theo dàn ý trên. (SGK, TV 5, tập 1, tr.43, tuần 4).
Bài này nằm trong chủ đề Cánh chim hoà bình, nên GV sẽ tích hợp nhận thức về giá trị của hoà bình, những ngày tháng bình yên được cắp sách đến trường cùng thầy cô, bè bạn.
2.2. Hệ thống hoạt động dạy học văn tả cảnh cho học sinh lớp 4, 5 theo định hướng phát triển năng lực
2.2.1. Hoạt động quan sát, ghi chép
Một yêu cầu cơ bản để viết tốt bài văn tả cảnh đó là HS phải có kĩ năng quan sát. Chính vì vậy, HS phải biết cách quan sát và chọn lọc các chi tiết quan sát được để đưa vào bài làm của mình. Nếu HS có khả năng quan sát tốt, thấu đáo thì bài viết sẽ đặc sắc và hấp dẫn hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu HS quan sát hời hợt, phiến diện thì bài viết sẽ khô khan, không thể hiện sinh động được cảnh muốn tả hoặc không gây ấn tượng, hấp dẫn người đọc.
Kĩ năng quan sát có mục đích nói chung và để làm cơ sở cho bài văn tả cảnh nói riêng chủ yếu được hình thành trên cơ sở luyện tập. Thông thường trong cuộc sống HS đã sử dụng kĩ năng này rất nhiều lần, ngay từ khi chào đời nhưng thường không mang tính tự giác hoặc còn sơ lược, đơn giản. Điều quan trọng là qua tiết dạy làm văn tả cảnh GV cần giúp HS biết cách tự giác, chủ động, có định hướng và xác định được mục đích rõ ràng khi quan sát. HS cần trả lời được những câu hỏi: “Quan sát để làm gì?”,“Quan sát như thế nào là hợp lý?” và “Ghi chép như thế nào cho hiệu quả?”.
Muốn được như vậy, GV cần hướng dẫn cho HS cách lựa chọn trình tự quan sát. Tốt nhất là mỗi em tự tìm một trình tự quan sát mà bản thân HS cho là thích hợp. Đối với những trường hợp HS yếu gặp khó khăn thì lúc này GV có thể gợi ý trình tự quan sát và cách ghi chép cho HS.
Thông thường có một số trình tự quan sát cảnh vật tương ứng với trình tự miêu tả cụ thể như sau:
Theo trình tự không gian: Từ quan sát toàn bộ đến quan sát từng bộ phận hoặc ngược lại, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới , từ ngoài vào trong...
Theo trình tự thời gian: Quan sát cảnh sẽ tả theo diễn biến thời gian từ bắt đầu đến kết thúc, từ mùa này sang mùa khác, tháng này sang tháng khác, tuần này sang tuần khác…
Tuy nhiên dù quan sát theo trình tự nào thì HS cũng phải biết dừng lại ở những nét trọng tâm, chính yếu của cảnh để quan sát kĩ lưỡng. GV cần hướng dẫn HS sử dụng các giác quan để quan sát, cảm nhận về khung cảnh trước mắt. Đây là thao tác quan trọng nhất và có tính chất quyết định. Bởi vì thông thường HS chỉ dùng mắt để quan sát mà chưa ý thức được việc dùng cảm giác của những cơ quan cảm thụ khác trên cơ thể như: dùng mũi để ngửi hương thơm của hoa lá, cảm nhận mùi ngây ngấy của hơi đất khi vừa đổ mưa. Dùng tai để nghe âm thanh của sự vật xung quanh như: tiếng dế khe khẽ trong bụi cỏ, tiếng xào xạc bên khóm tre mỗi khi có trận gió ùa về. Dùng làn da để cảm nhận cảm nhận làn gió hây hẩy,cái mát lạnh không khí ven sông...Khi quan sát, HS cần phải ghi nhận điểm đặc sắc, độc đáo của cảnh vật do từng giác quan mang lại một cách vắn tắt vào sổ tay của mình.
Việc ghi chép chính là một hoạt động hiệu quả để lưu giữ lại những cảm xúc,