Hoạt động quan sát, ghi chép

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng hoạt động dạy học văn tả cảnh cho học sinh lớp 4, 5 (tại mỹ tho, tiền giang) theo định hướng phát triển năng lực​ (Trang 58 - 59)

Một yêu cầu cơ bản để viết tốt bài văn tả cảnh đó là HS phải có kĩ năng quan sát. Chính vì vậy, HS phải biết cách quan sát và chọn lọc các chi tiết quan sát được để đưa vào bài làm của mình. Nếu HS có khả năng quan sát tốt, thấu đáo thì bài viết sẽ đặc sắc và hấp dẫn hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu HS quan sát hời hợt, phiến diện thì bài viết sẽ khô khan, không thể hiện sinh động được cảnh muốn tả hoặc không gây ấn tượng, hấp dẫn người đọc.

Kĩ năng quan sát có mục đích nói chung và để làm cơ sở cho bài văn tả cảnh nói riêng chủ yếu được hình thành trên cơ sở luyện tập. Thông thường trong cuộc sống HS đã sử dụng kĩ năng này rất nhiều lần, ngay từ khi chào đời nhưng thường không mang tính tự giác hoặc còn sơ lược, đơn giản. Điều quan trọng là qua tiết dạy làm văn tả cảnh GV cần giúp HS biết cách tự giác, chủ động, có định hướng và xác định được mục đích rõ ràng khi quan sát. HS cần trả lời được những câu hỏi: “Quan sát để làm gì?”,“Quan sát như thế nào là hợp lý?” và “Ghi chép như thế nào cho hiệu quả?”.

Muốn được như vậy, GV cần hướng dẫn cho HS cách lựa chọn trình tự quan sát. Tốt nhất là mỗi em tự tìm một trình tự quan sát mà bản thân HS cho là thích hợp. Đối với những trường hợp HS yếu gặp khó khăn thì lúc này GV có thể gợi ý trình tự quan sát và cách ghi chép cho HS.

Thông thường có một số trình tự quan sát cảnh vật tương ứng với trình tự miêu tả cụ thể như sau:

Theo trình tự không gian: Từ quan sát toàn bộ đến quan sát từng bộ phận hoặc ngược lại, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới , từ ngoài vào trong...

Theo trình tự thời gian: Quan sát cảnh sẽ tả theo diễn biến thời gian từ bắt đầu đến kết thúc, từ mùa này sang mùa khác, tháng này sang tháng khác, tuần này sang tuần khác…

Tuy nhiên dù quan sát theo trình tự nào thì HS cũng phải biết dừng lại ở những nét trọng tâm, chính yếu của cảnh để quan sát kĩ lưỡng. GV cần hướng dẫn HS sử dụng các giác quan để quan sát, cảm nhận về khung cảnh trước mắt. Đây là thao tác quan trọng nhất và có tính chất quyết định. Bởi vì thông thường HS chỉ dùng mắt để quan sát mà chưa ý thức được việc dùng cảm giác của những cơ quan cảm thụ khác trên cơ thể như: dùng mũi để ngửi hương thơm của hoa lá, cảm nhận mùi ngây ngấy của hơi đất khi vừa đổ mưa. Dùng tai để nghe âm thanh của sự vật xung quanh như: tiếng dế khe khẽ trong bụi cỏ, tiếng xào xạc bên khóm tre mỗi khi có trận gió ùa về. Dùng làn da để cảm nhận cảm nhận làn gió hây hẩy,cái mát lạnh không khí ven sông...Khi quan sát, HS cần phải ghi nhận điểm đặc sắc, độc đáo của cảnh vật do từng giác quan mang lại một cách vắn tắt vào sổ tay của mình.

Việc ghi chép chính là một hoạt động hiệu quả để lưu giữ lại những cảm xúc, ấn tượng của bản thân về cảnh sẽ tả. Chính những ghi chép đó sẽ giúp HS dễ dàng liên tưởng, hồi tưởng và so sánh các đặc điểm của cảnh vật mà mình đã quan sát và tìm các từ ngữ thích hợp để diễn đạt lại các điều đã ghi nhận đó vào bài làm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng hoạt động dạy học văn tả cảnh cho học sinh lớp 4, 5 (tại mỹ tho, tiền giang) theo định hướng phát triển năng lực​ (Trang 58 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)