XX
Một hiện tượng văn học xuất hiện thường luôn chịu sự tác động từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Văn học quốc ngữ Nam Bộ cũng không nằm ngoài trường hợp đó. Đặc biệt, Nam Bộ còn được xem là vùng đất tiên phong trong sự phát triển văn học chữ quốc ngữ. Vai trò tiên phong đó được tạo thành bởi nhiều yếu tố.
Sau khi chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tiến hành một chính sách cai trị hà khắc cả về kinh tế lẫn văn hóa, xã hội. Việc khai thác thuộc địa cũng được chúng đẩy mạnh, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhất là ở những khu vực trung tâm như Sài Gòn, Chợ Lớn kéo dài xuống Mỹ Tho, Cần Thơ. Trong hoàn cảnh đó, người dân vùng đất mới có nhiều điều kiện để tiếp xúc sớm và tiếp xúc nhanh với văn hóa phương Tây. Có thể nói, “sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi
thế kỷ” (Hoài Thanh, 1988). Bên cạnh đó, việc sử dụng chữ quốc ngữ khá sớm
cũng là tiền đề quan trọng giúp vùng đất Nam Bộ có được một lực lượng sáng tác lẫn công chúng văn học đông đảo. Sự xuất hiện của các nhà in, nhà xuất bản, đặc biệt là sự ra đời của báo chí quốc ngữ tác động lớn đến sự phát triển của văn học chữ quốc ngữ. “Báo chí đã trở thành nơi bồi dưỡng, đào tạo và thử thách tay nghề các nhà văn, nơi thử nghiệm và phát triển các thể loại và hình thức văn học mới mẻ, nơi học hỏi và rèn luyện cách miêu tả cuộc sống, nơi giúp cho ngôn ngữ văn học dần được hoàn thiện, nơi định hình quan niệm
về văn học và là diễn đàn, nơi giới thiệu, phê bình các tác phẩm mới.” (Võ
Văn Nhơn, 2007).
Với những tiền đề thuận lợi đó, từ một vùng mới phôi thai, văn học Nam Bộ đã nhanh chóng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quyển tiểu thuyết đầu tiên, Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản ra đời
từ năm 1887 – trước Trung Quốc và Hàn Quốc hơn 30 năm. Tiếp theo đó là hàng loạt những cây bút tiểu thuyết với nhiều tác phẩm nổi bật xuất hiện: Phan
Yên ngoại sử của Trương Duy Toản, Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiện
Trung, Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu, và hàng loạt tác phẩm phóng tác và sáng tác của Hồ Biểu Chánh như Ai làm được, Cay đắng mùi đời,
Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy…
Không chỉ có tiểu thuyết, ký sự và báo chí ở Nam Bộ lúc bấy giờ cũng phát triển vượt bậc, đặc biệt là báo chí. Gia Định báo là tờ báo đầu tiên của chính quyền thuộc địa với mục đích hoạt động ban đầu là đăng những công văn, nghị định của chính quyền và các tin tức trong nước, thế nhưng sau đó, khi Trương Vĩnh Ký trở thành giám đốc của tờ báo và chủ bút là Huỳnh Tịnh Của thì bên cạnh những chức năng của công báo, tờ báo bắt đầu cổ động và khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ bằng cách cách sưu tầm, biên soạn, dịch thuật rất nhiều tác phẩm văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài ra chữ quốc ngữ. Thừa thắng xông lên, nhiều tờ báo do các trí thức Việt Nam sáng lập lần lượt xuất hiện làm phong phú thêm hoạt động báo chí ở phương Nam: Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nữ giới chung, Thế giới tân văn,
Sống…
Một dấu son đáng trân trọng trong tiến trình phát triển của văn học chữ quốc ngữ ở Nam Bộ là sự ra đời và thắng thế của Thơ mới. Nhắc đến trào lưu này, công chúng thường hay nhớ đến những tên tuổi đã quá quen thuộc mà Hoài Thanh – Hoài Chân cũng ghi nhận trong Thi nhân Việt Nam: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Anh Thơ…. Rất ít người biết rằng, Thơ mới chính là đứa con tinh thần của miền đất phương Nam phóng khoáng, hào sảng. Khi đăng trên Phụ nữ tân văn số ra ngày 10/3/1932 bài báo Một lối
thơ mới trình chánh giữa làng thơ, trong đó có bài thơ Tình già, Phan Khôi đã
đã có một “cuộc chiến” không tránh khỏi giữa thơ cũ và thơ mới thông qua những bài bút chiến, những cuộc diễn thuyết để rồi cuối cùng, thắng lợi hoàn toàn thuộc về Thơ mới. Trong những ngày tháng này, Nguyễn Thị Kiêm là cái tên được đông đảo công chúng cả nước chú ý. Nguyễn Thị Kiêm, bút danh Manh Manh nữ sĩ , đã đăng đàn ở hội Khuyến học Sài Gòn để trình bày quan điểm về Thơ mới. Đây quả thực là sự kiện hi hữu khi lần đầu tiên có một phụ nữ đăng đàn diễn thuyết về thơ, đó lại là một bài diễn thuyết không hề được biên soạn trước và được trình bày trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau cuộc đăng đàn này, rất nhiều tranh luận khen chê, bài xích, ủng hộ đã liên tục diễn ra trên các mặt báo cũng như trong các buổi diễn thuyết liên tục được tổ chức trên khắp cả nước. Kết quả, Thơ mới đã toàn thắng khi càng lúc càng ghi nhận nhiều sự đóng góp của độc đáo của các thi sĩ. Trong không khí đó, những cây bút Nam Bộ đã nỗ lực hết mình, hăng say sáng tạo nghệ thuật qua những thi phẩm cụ thể, góp phần đáng kể vào quá trình hiện đại hóa nền thơ ca dân tộc trên nhiều bình diện: Khổng Dương, Hồ Văn Hảo, Huỳnh Văn Nghệ, Yến Lan, Đông Hồ, Mộng Tuyết…
Trong dòng chảy đầy sôi động như vậy của văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của Lư Khê cũng có những đóng góp nhất định.
Ở cương vị của người làm báo, Lư Khê viết rất nhiều cho báo Sống, Phụ
nữ tân văn, Nữ lưu tuần báo, Tự do… Người em út của Hà Tiên tứ tuyệt không
tự đóng khung cho mình trong một thể loại báo chí cụ thể mà trái lại, ông cộng tác ở nhiều trang mục, nhiều thể loại: phóng sự, phỏng vấn, khảo cứu, phê bình, tạp văn… và ở thể loại nào cũng có những bài viết vô cùng sắc sảo, nghiêm túc. Năm 1936, ông viết khảo cứu Văn chương nước Nhật đăng nhiều kỳ trên báo Tự do, đây có thể được xem là công trình nghiên cứu văn học Nhật Bản đầu tiên ở Nam Bộ thời đó. Với thể loại phóng sự, hẳn những người làm
nghề báo thời bấy giờ không thể không quan tâm đến loạt bài phóng sự Trên
vịnh Xiêm La mà Lư Khê đăng trên Thế giới tân văn trong 8 số báo. Không chỉ
viết báo, Lư Khê còn là chủ bút của báo Sự thật và sau đó là Ánh sáng.
Vừa là nhà báo, là chủ bút, đồng thời Lư Khê cũng là một “chiến sĩ” trên thi đàn Thơ mới. Tuy gia tài thơ không dày dặn như nhiều nhà thơ cùng thời nhưng Lư Khê đã góp một tiếng thơ đầy say mê, nồng nàn, mới mẻ vào thi đàn Thơ mới Nam Bộ, góp phần làm phong phú đời sống văn chương miền Nam. Chàng thi sĩ trẻ trung của xóm Hà Tiên đến với Thơ mới bằng bao khao khát yêu và sống mãnh liệt:
Hỡi khách tình ơi, hãy tỉnh ra Còn mơ chi nữa cảnh đường xa Đây bao cảnh thú: Tình, vui, sống Thi sĩ ta đây đã sẵn quà!!!
(Vô tình, 1937)
Như vậy, nếu nói văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX là một dòng sông cuồn cuộn phù sa bồi đắp văn hóa cho vùng đất phương Nam trù phú thì những đóng góp của Lư Khê như một dòng suối trong trẻo, ngọt lành hòa nhịp vào bạt ngàn sóng nước mênh mông ấy.
Tiểu kết chương 1
Hà Tiên là miền đất mới, là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh quan tuyệt vời. Những người con của mảnh đất ấy cũng sớm đóng góp một vai trò không nhỏ trong sự phát triển của văn học quốc ngữ Nam Bộ, trong đó có Lư Khê – người em út của Hà Tiên tứ tuyệt. Ông là một thầy giáo giảng dạy nhiều năm ở ngôi trường Huỳnh Khương Ninh, trường Đồng Nai; là một nhà báo với ngòi bút khỏe khoắn, sâu sắc; là ông chủ bút tha thiết với văn chương nước nhà; là một thi sĩ Thơ mới với giọng thơ sôi nổi, mới mẻ…. Với tất cả những đóng góp ấy, Lư Khê xứng đáng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, do công tác lưu trữ trước đây không được chú ý nên rất đáng tiếc khi nhiều tác phẩm của Lư Khê đã không có cơ hội đến được với độc giả hôm nay.
Chương 2
THƠ LƯ KHÊ TRÊN THI ĐÀN THƠ MỚI NAM BỘ 2.1. Cảm hứng chính trong thơ Lư Khê
“…từ bao giờ đến bây giờ, từ Homère đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày
tận thế.” (Hoài Thanh, 1988)
Thơ ca là cây đàn muôn điệu ngân vang những cung bậc cảm xúc xuất phát từ sâu thẳm lòng người. Bởi thế, khi thời đại thay đổi, khi con người không thể nghĩ, không thể cảm như cũ nữa thì văn chương nói chung, thơ ca nói riêng cũng vì thế mà không thể không đổi mới. Trong dòng chảy đó, Thơ mới Nam Bộ ra đời đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong quan niệm nghệ thuật về thế giới, về con người.
Sau hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng có những biến đổi vô cùng sâu sắc. Khi những giá trị văn hóa truyền thống đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng thì trận gió văn hóa từ phương Tây ồ ạt thổi tới, đặc biệt là chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống lẫn văn chương.
Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Pháp không chỉ ảnh hưởng riêng lẻ đến một thể loại nào mà trái lại, ghi dấu sự ảnh hưởng của mình trên cả nền văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Với Tự lực văn đoàn, những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam…đã chịu sự chi phối sâu sắc của chủ nghĩa lãng mạn: đề cao cái tôi cá nhân, ngợi ca quyền tự do của con người, chống lại những trói buộc nặng nề của lễ giáo phong kiến. Ở phương nam, chủ nghĩa lãng mạn Pháp hiện diện đậm đặc trong những tác phẩm phóng tác của cây bút tiểu thuyết Nam Bộ độc đáo Hồ Biểu Chánh. Trong khi đó, để đưa Thơ
mới “lên ngôi”, cuộc cách mạng trong thi ca đã triệt để chống lại lối thơ cũ sáo mòn giữa muôn trùng vòng vây của niêm luật, nhịp điệu cằn cỗi, vô hồn mà đón nhận lấy tinh thần mới mẻ, phóng khoáng, tôn sùng cái tôi cá nhân của văn chương lãng mạn Pháp. Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn những ảnh hưởng tích cực từ thơ Đường và nhất là từ cái hồn dân tộc trong ca dao dân ca Việt Nam. Có thể khẳng định, bên cạnh hai yếu tố vừa nêu trên thì thơ ca lãng mạn phương Tây, đặc biệt là thơ Pháp đã cùng nhau chi phối, ảnh hưởng lên đời thơ của các thi sĩ trong vườn Thơ mới. Có lẽ vì vậy mà khi viết Một
thời đại trong thi ca, Hoài Thanh nhận định:
Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đều chịu ảnh hưởng của Baudelaire, và qua Baudelaire chịu ảnh hưởng của nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, còn Hàn Mặc Tử đi từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa
cho gặp Thánh kinh của đạo Thiên Chúa. (Hoài Thanh và Hoài
Chân, 1988).
Là một bộ phận của văn học Việt Nam nên văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, dĩ nhiên, cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn học Pháp. Lúc này, thơ ca trữ tình Nam Bộ đã tiếp thu tinh hoa từ thơ Pháp, đồng thời vẫn kế thừa những giá trị bền vững của thơ ca dân tộc được gầy dựng từ bao đời. Bên cạnh đó, sự ý thức về cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ cũng bừng dậy, dẫn đến nhu cầu đổi mới thơ ca. Bài thơ Tình già của Phan Khôi được xem như là phát súng lệnh của phong trào Thơ mới. Kể từ đó, Thơ mới nói chung và Thơ mới Nam Bộ nói riêng có đã có những bước đi thật dài, thật chắc. Đặc biệt, có thể xem Thơ mới Nam Bộ là sản phẩm tinh thần độc đáo được sinh ra từ một giai đoạn lịch sử đầy thử thách của vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh.
Dẫu chưa phải là nhà Thơ mới tiêu biểu nhất của mảnh đất Nam Bộ nhưng Lư Khê là một trong những người cầm bút rất hăng hái trước sự ra đời và phát triển của Thơ mới. Bắt đầu bước vào con đường sáng tác từ khi mới 19 tuổi, những đứa con tinh thần đầu tiên của Lư Khê chính là các bài thơ được đăng trên nhiều tờ báo thời bấy giờ như Sống, Phụ nữ tân văn, Nữ lưu tuần
báo, Văn nghệ…Tuy chưa phải là mảng sáng tác nổi bật nhất trong sự nghiệp
văn học của Lư Khê nhưng người em út của xóm Hà Tiên cũng đã đạt được những thành công nhất định cả về mặt thi hứng lẫn những đổi mới về nghệ thuật.
2.1.1. Cảm hứng về tình yêu
Làm sao sống được mà không yêu Không nhớ không thương một kẻ nào
(Bài thơ tuổi nhỏ - Xuân Diệu)
Tình yêu là câu chuyện muôn thuở của con người. Dù ở thời đại nào, quốc gia nào thì tình yêu vẫn luôn hiện hữu, vẫn luôn là nỗi niềm của muôn vạn con tim. Những nỗi niềm đó đã được các thi sĩ gởi gắm không ít qua thơ ca. Thế nhưng ở mỗi giai đoạn, những tình cảm ấy được bộc lộ theo những cách khác nhau. Với văn học dân gian, các cung bậc yêu thương được thổ lộ đầy e ấp, kín đáo:
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một người Người vừa mười tám đôi mươi Vừa xinh vừa đẹp vừa tươi như mình.
Trong xã hội trung đại, con người chịu sự chi phối chặt chẽ của tư tưởng Nho – Phật – Lão, điều này đã trở thành một gọng kiềm siết chặt không cho con người có cơ hội bộc bạch cảm xúc một cách trực tiếp, có muốn nói đi chăng nữa cũng phải mượn chuyện mây trời gió nước để gởi gắm tâm tư. Vậy
nên rất dễ hiểu vì sao đề tài tình yêu đôi lứa là đề tài hiếm hoi trong thơ ca trung đại. Phải đến thế kỷ XVIII, trên lập trường chủ nghĩa nhân văn tiến bộ, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để tìm đến với tình yêu. Nhưng đó là trường hợp hết sức hiếm hoi của văn học trung đại. Sang thế kỷ XIX, khi xã hội phong kiến dần mục ruỗng thì Trần Tế Xương cũng chỉ dám tha thiết đến thế này là cùng:
Ta nhớ người xa cách núi sông Người xa, xa lắm nhớ ta không?
(Nhớ bạn phương trời – Trần Tế Xương)
Khi “cuộc xâm lăng văn hóa” của phương Tây ồ ạt diễn ra thì những trạng thái cảm xúc muôn hình vạn trạng của tình yêu mới có cơ hội được trực tiếp giãi bày. Đây cũng chính là đề tài được cách tân rõ ràng nhất về phương diện cảm hứng trong Thơ mới nói chung và Thơ mới Nam Bộ nói riêng.
Mảnh đất phương Nam được thiên nhiên ưu đãi gió thuận mưa hòa, đất đai ruộng vườn bao la trù phú, những yếu tố ấy cũng ảnh hưởng đến tính cách con người Nam Bộ. Mang tâm thế đi khai hoang lập nghiệp, người Nam Bộ cởi mở, dễ thích nghi với cái mới, hào sảng, chân chất. Vậy nên các thi sĩ phương Nam đã say mê sáng tạo để mảnh vườn Thơ mới Nam Bộ thêm rực rỡ sắc màu và ngào ngạt hương thơm. Tình yêu trở thành đề tài thu hút hầu hết