Lý luận về bồi dưỡng giảng viên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng giảng viên trường cao đẳng kinh tế thành phố hồ chí minh (Trang 29 - 33)

1.3.1. Đặc điểm của lao động giảng viên

Từ xưa đến nay, lao động giảng viên là loại lao động đặc biệt, thể hiện vai trò của giảng viên là nhà giáo - người giảng dạy cho người học tri thức, kỹ năng một cách khoa học, có hệ thống và thực hiện hoạt động giảng dạy một cách bài bản, đúng quy định. Đây là vai trò cơ bản và thiết yếu nhất của giảng viên. Ngoài ra, GV còn luôn thực hiện ba vai trò chủ yếu trong suốt quá trình công tác:

Giảng viên = Nhà giáo + Nhà khoa học + Nhà cung ứng dịch vụ (Vũ Thế Dũng, 2013). Tuy nhiên để phù hợp về vai trò của giảng viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, vai trò nhà khoa học sẽ được phân tích với vai trò là nhà nghiên cứu.

Với vai trò là một nhà giáo, đầu tiên GV cần trang bị vững vàng về kiến thức chuyên môn và đặc biệt là tìm hiểu sâu về những môn phụ trách giảng dạy để kiến thức được cung cấp đến người học là những nội dung được chọn lọc một cách chính xác và được xử lý tinh gọn, dễ hiểu nhất. Đối với giảng viên giảng dạy ở các trường Cao đẳng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý thì các tiêu chí này được thể hiện cụ thể tại thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017. Thứ hai, để thực hiện hoạt động giảng dạy thống nhất theo các quy định trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng và hệ thống giáo dục quốc dân nói dung, bản thân người giảng viên cần có kiến thức về chương trình đào tạo để đảm bảo giảng viên có những kiến thức nhất định về sự liên quan, tương tác giữa các chuyên ngành hoặc môn học trong một chương trình, xác định được vị trí của môn học/học phần/chuyên ngành bản thân đang phụ trách giảng dạy với các môn học hoặc chuyên ngành khác, sự tổ chức, sắp xếp các môn học, học phần trong chương trình đào tạo một ngành/nghề cụ thể để GV có thể chủ động hơn trong quá trình xây dựng nội dung bài giảng, cách liên kết các kiến thức giữa các môn học. Thứ ba, để hoạt động giảng dạy đạt được hiệu quả tối ưu cần có sự hỗ trợ đắc lực của các kiến thức, kỹ năng về dạy và học. Ngoài các kiến thức, phương pháp sư phạm chung thì tùy

vào mỗi chuyên ngành có các phương pháp, cách thức tiếp cận khác nhau mà mỗi giảng viên cần hiểu và vận dụng một cách linh hoạt để tri thức đến gần được với người học. Cuối cùng, những kiến thức về mục tiêu, giá trị giáo dục, môi trường giáo dục…là khối kiến thức cơ bản nhất mà một người giảng viên cần phải hiểu và nắm vững khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình. Đây được xem là định hướng cho nghề giáo đi đúng mục tiêu và hoàn thành sứ mạng giáo dục của mình.

Tổng hòa các yêu cầu này, giảng viên thực hiện vai trò nhà giáo hướng dẫn người học chủ động tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, hình thành và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp để bước vào thị trường lao động. Đồng thời, thực hiện hoạt động giảng dạy đảm bảo thống nhất mục tiêu giáo dục và đúng theo các quy định hiện hành.

Thích ứng cùng với sự phát triển các mặt của XH, GV cũng đồng thời đảm nhận hai vai trò quan trọng là nhà nghiên cứu và nhà cung cấp dịch vụ XH.

Với vai trò là nhà nghiên cứu, ngoài công tác giảng dạy, giảng viên còn tham gia nghiên cứu các lĩnh vực khoa học tự nhiên, XH gắn liền với đời sống con người dựa trên tri thức khoa học là nền tảng. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 trên toàn cầu càng đặt ra cho giảng viên yêu cầu cao khi thực hiện vai trò là một nhà nghiên cứu để có thể cho ra đời sản phẩm trí tuệ phục vụ cuộc sống trong thời đại công nghệ dần thay thế cho sức người. Các kết quả nghiên cứu được thẩm định, công bố và có giá trị thực tiễn khi mang tính ứng dụng cao vào đời sống. Giảng viên – nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu, đề tài nghiên cứu, sách, tài liệu được phát hành, thẩm định bởi các cơ quan, tổ chức có uy tín.

Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ cho XH, giảng viên thực hiện nhiều hoạt động để đáp ứng nhu cầu của khách hàng là sinh viên, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục,…Cụ thể, giảng viên tham gia cố vấn về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc tập huấn cho người lao động của doanh nghiệp; tham gia viết báo về các chủ đề đời sống, XH có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của giảng viên; giảng dạy theo đơn đặt hàng; liên hệ doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên; là nhà phản biện đồng thời cung cấp, cập nhật thông tin trong các hội thảo khoa học…

Việc thực hiện đồng thời cả ba vai trò trên trong quá trình công tác là một yêu cầu mang tính thử thách đối với giảng viên đòi hỏi họ phải luôn nỗ lực, cố gắng để thực hiện. Tuy được tách biệt thành ba vai trò riêng nhưng chúng đều có mỗi quan hệ chặt chẽ, bổ trợ qua lại lẫn nhau, khi thực hiện vai trò này cũng đồng thời là quá trình bổ sung các điều kiện để thể hiện tốt hơn những vai trò khác. Với vai trò là nhà giáo, giảng viên luôn phải cập nhật, bổ sung kiến thức cho quá trình giảng dạy đồng thời bổ sung vào cơ sở lý luận khoa học, vốn tri thức cho vai trò nhà nghiên cứu. Với vai trò nhà nghiên cứu, giảng viên tích lũy được thêm nhiều vốn tri thức quý báu có giá trị thiết thực, mang tính mới gắn liền với đời sống, XH. Điều này tác động trở lại, hỗ trợ vai trò nhà giáo của giảng viên, giúp bổ sung thêm những kiến thức mới, thực tế vào bài giảng, giúp tri thức truyền đạt có giá trị hơn nữa. Dù thể hiện ở vai trò nào đi nữa, giảng viên đều cần tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật tri thức, kỹ năng một cách thường xuyên và liên tục để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của đời sống XH, quá trình hội nhập quốc tế.

Một số nhiệm vụ chủ yếu của giảng viên được quy định tại Điều 55, Luật giáo dục nghề nghiệp (Quốc hội, 2014):

-Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình đào tạo.

-Định kỳ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.

-Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. -Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của

người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng củangười học.

-Nhà giáo phải dành thời gian và được cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí thời gian thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành, tiếp cận công nghệ mới theo quy định.

Từ những quy định trên có thể thấy rằng, việc tham gia hoạt động bồi dưỡng của giảng viên không còn tùy thuộc vào nhận thức của cá nhân hình thành nên hành động, không chỉ là quyền của giảng viên mà đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc giảng viên phải thực hiện khi giữ chức danh nghề nghiệp này. Điểm đặc biệt đối với giảng viên giảng dạy trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp là việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn còn được thực hiện ở một hình thức rất thiết thực, giúp giảng viên bổ sung thêm nhiều kiến thức hữu ích gắn liền với thực tế, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học là hình thức thực tập tại doanh nghiệp. Hoạt động thực tế này đối với giảng viên là cơ sở để rèn luyện kỹ năng thực hành, tiếp cận công nghệ mới, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn nghề nghiệp.

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, sẵn sàng thích ứng khi bước vào thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của XH.

Mỗi giảng viên phải nhận thức đầy đủ về mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp, luôn hướng đến mục tiêu này trong từng lĩnh vực công tác cụ thể của bản thân. Để đạt được mục tiêu, đòi hỏi bản thân người giảng viên phải là một người thầy, một người thợ vững vàng về kiến chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế về kỹ năng nghề nghiệp mới đủ tiêu chuẩn trở thành lực lượng đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tốt nghiệp đại học trở lên cùng với những kiến thức, kỹ năng bổ trợ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy. Tuy nhiên để xây dựng một đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường lao động thì việc nâng cao yêu cầu về trình độ chuyên môn tối thiểu là thạc sĩ đối với giảng viên là một đòi hỏi chính đáng. Với việc nâng cao yêu cầu này giúp xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức khoa học nền tảng,

kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về hoạt động nghề nghiệp hiệu quả đáp ứng yêu cầu đào tạo theo mục tiêu giáo dục nghề nghiệp.

Sản phẩm của lao động giảng viên được tạo nên sau quá trình hoạt động tích cực của giảng viên với các vai trò khác nhau. Với vai trò là nhà giáo, sản phẩm của lao động giảng viên là năng lực và phẩm chất được đúc kết nơi người học, những kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp người học được tiếp thu cùng những kỹ năng nghề nghiệp được hình thành trong quá trình học tập giúp người học chuẩn bị hành trang bước vào thị trường lao động. Với vai trò là nhà nghiên cứu, sản phẩm của lao động giảng viên là các sản phẩm có giá trị học thuật như sách, giáo trình, bài báo khoa học, bằng sáng chế…bổ sung vào vốn tri thức chuyên ngành những nội dung mới về lý luận và thực tiễn qua quá trình nghiên cứu của giảng viên. Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ XH, sản phẩm của lao động giảng viên là các khóa tập huấn, bồi dưỡng hoặc những sản phẩm cụ thể thực hiện theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chuyên môn của giảng viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng giảng viên trường cao đẳng kinh tế thành phố hồ chí minh (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)