Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học tích hợp liên môn chương điện từ học và công nghệ cho học sinh lớp 9 (Trang 48 - 51)

1.4.3.1. Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề

Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là PPDH trong đó GV tạo ra những tình huống có vấn đề, điều khiển HS phát hiện vấn đề, hoạt động tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề và thông qua đó chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng và đạt được những mục đích học tập khác. Phương pháp này góp phần tích cực vào việc rèn luyện tư duy phê phán, tư duy sáng tạo cho HS. Trên cơ sở sử dụng vốn kiến thức và kinh nghiệm đã có HS sẽ xem xét, đánh giá, thấy được vấn đề cần giải quyết.

Đây là phương pháp phát triển được khả năng tìm tòi, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong khi phát hiện và giải quyết vấn đề, HS sẽ huy động được tri thức và khả năng cá nhân, khả năng hợp tác, trao đổi, thảo luận với bạn bè để tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Bên cạnh đó thông qua việc giải quyết vấn đề, HS được lĩnh hội tri thức, kĩ năng và phương pháp nhận thức.

Đặc trưng cơ bản của dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là "tình huống gợi vấn đề" vì "Tư duy chỉ bắt đầu khi xuất hiện tình huống có vấn đề" (Rubinstein). Tình huống có vấn đề là một tình huống gợi ra cho HS những khó khăn về lí luận hay thực hành mà họ thấy cần có khả năng vượt qua, nhưng không phải ngay tức khắc bằng một thuật giải, mà phải trải qua quá trình tích cực suy nghĩ, hoạt động để biến đổi đối tượng hoạt động hoặc điều chỉnh kiến thức sẵn có để giải quyết, cụ thể: HS phải phát hiện được vấn đề, phân tích vấn đề, từ đó mới suy nghĩ tìm giải pháp, định hướng giải quyết. Trước khi thực hiện/trình bày giải pháp, HS phải kiểm tra tính đúng đắn của nó. Cuối cùng là trình bày giải pháp và đi vào đánh giá kết quả, giải pháp này đã hoàn chỉnh, liệu còn giải pháp nào tối ưu hơn hay lấy đó làm nền tảng để đề xuất những vấn đề mới có liên quan.

Tuy nhiên, không nên yêu cầu HS tự khám phá tất cả các tri thức quy định trong chương trình. GV có thể cho HS phát hiện và giải quyết vấn đề đối với một bộ phận nội dung học tập và có sự giúp đỡ của GV với mức độ nhiều ít khác nhau vì HS được học không chỉ ở kết quả mà điều quan trọng hơn là cả quá trình phát hiện và giải quyết vấn đề. Lecne khẳng định rằng: "Số tri thức và kĩ năng được HS thu lượm trong quá trình dạy học nêu vấn đề sẽ giúp hình thành những cấu trúc đặc biệt của tư duy. Nhờ những tri thức đó, tất cả những tri thức khác mà HS đã lĩnh hội không phải trực tiếp bằng những PPDH nêu vấn đề, sẽ được chủ thể chỉnh đốn lại, cấu trúc lại". (https://tusach.thuvienkhoahoc.com)

1.4.3.2. Dạy học dự án

Dạy học dự án là một mô hình dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Kiểu dạy học này phát triển kiến thức và kỹ năng của học sinh thông quan quá trình học sinh giải quyết một bài tập tình huống gắn với thực tiễn được gọi là dự án. Dự án đặt học sinh vào vai trò tích cực là người giải quyết vấn đề, người ra quyết định, điều tra viên hay người viết báo cáo và cuối cùng phải tạo ra được những sản phẩm thực tế. Thường thì học sinh sẽ làm việc theo nhóm và hợp tác với các chuyên gia bên ngoài và cộng đồng để trả lời các câu hỏi và hiểu sâu hơn nội dung, ý nghĩa của bài học. Học theo dự án đòi hỏi học sinh phải nghiên cứu và thể hiện kết quả học tập của mình thông qua cả sản phẩm lẫn phương thức thực hiện.

Mục tiêu của dạy học theo dự án mang tính định hướng rõ ràng. Dạy học theo dự án hướng tới phát triển kĩ năng tư duy bậc cao, không chỉ đảm bảo nội dung môn học về cả kiến thức và kĩ năng có thể vượt qua giới hạn của môn học. Học sinh được rèn luyện trong một môi trường hoàn toàn mới, có thể hoặc không bị bó hẹp bởi một thời gian cố định. Song điều quan trọng và mới mẻ nhất là học sinh sẽ luôn luôn được tham gia giải quyết những nhiệm vụ mang ý nghĩa thực tiễn và tránh được sự nhàm chán. Các dự án hoàn toàn phải có định hướng thực tiễn vì trong quá trình thực hiện dự án học sinh phải sử dụng lí thuyết đã học để xử lý các tình huống của thực tiễn xã hội. Ngoài ra dạy học theo dự án còn hướng tới phát triển kĩ năng sống cho học sinh như: kĩ năng trong công việc, kĩ năng thu thập và xử lý thông tin, kĩ năng trình bày, giữ vững lập trường... (https://tusach.thuvienkhoahoc.com)

1.4.3.3. Dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ

Năng lực hợp tác được xem là một trong những năng lực quan trọng của con người trong xã hội hiện nay, chính vì vậy, phát triển năng lực hợp tác từ trong trường học đã trở thành một xu thế giáo dục trên thế giới. Dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ chính là sự phản ánh thực tiễn của xu thế đó.

Dạy học nhóm còn được gọi bằng những tên khác nhau như: Dạy học hợp tác, dạy học theo nhóm nhỏ, trong đó HS của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ, trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Phương pháp thảo luận nhóm được sử dụng nhằm giúp cho mọi HS tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập, tạo cơ hội cho các em có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến để giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung bài học, các em được nêu quan điểm của mình, được nghe quan điểm của bạn khác trong nhóm, trong lớp; được trao đổi, bàn luận về các ý kiến khác nhau và đưa ra lời giải tối ưu cho nhiệm vụ được giao cho nhóm. Qua cách học đó, kiến thức của hs sẽ bớt phần chủ quan, phiến diện, làm tăng tính khách quan khoa học, tư duy phê phán của HS được rèn luyện và phát triển. Ngoài ra, còn tạo cơ hội cho các thành viên được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng nhận thức, thái độ mới và học hỏi lẫn nhau. Kiến thức trở nên sâu sắc, bền vững, dễ nhớ và nhớ nhanh hơn do được giao lưu, học hỏi giữa các thành viên trong nhóm, được tham gia trao đổi, trình bày vấn đề nêu ra. HS sẽ cảm thấy hào hứng khi có sự đóng góp của mình vào thành công chung của cả lớp, cũng như tạo điều kiện để các nhóm tự đánh giá lẫn nhau hoặc cả lớp cùng đánh giá.

Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học hoặc cũng có thể tìm hiểu một chủ đề mới. Dạy học nhóm nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm; phát triển năng lực cộng tác làm việc và năng lực giao tiếp của HS. (https://tusach.thuvienkhoahoc.com).

1.4.3.4. Dạy học theo phương pháp trực quan

Dạy học trực quan (hay còn gọi là trình bày trực quan) là PPDH sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật dạy học trước, trong và sau khi nắm tài

liệu mới, khi ôn tập, khi củng cố, hệ thống hóa và kiểm tra tri thức, kĩ năng, kĩ xảo. PPDH trực quan được thể hiện dưới hình thức là minh họa và trình bày: Minh họa thường trưng bày những đồ dùng trực quan có tính chất minh họa như bản mẫu, bản đồ, bức tranh, tranh chân dung, hình vẽ trên bảng,... Trình bày thường gắn liền với việc trình bày thí nghiệm, những thiết bị kĩ thuật, chiếu phim đèn chiếu, phim điện ảnh, băng video. Trình bày thí nghiệm là trình bày mô hình đại diện cho hiện thực khách quan được lựa chọn cẩn thận về mặt sư phạm. Nó là cơ sở, là điểm xuất phát cho quá trình nhận thức - học tập của HS, là cầu nối giữa lí thuyết và thực tiễn. Thông qua sự trình bày của giáo viên mà học sinh không chỉ lĩnh hội dễ dàng tri thức mà còn giúp họ học tập được những thao tác mẫu của GV từ đó hình thành kĩ năng, kĩ xảo,... (https://tusach.thuvienkhoahoc.com).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học tích hợp liên môn chương điện từ học và công nghệ cho học sinh lớp 9 (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)