Khái niệm và sự cần thiết phát triển cho vay tiêu dùng

Một phần của tài liệu 0980 phát triển cho vay tiêu dùng tại NHTM CP ngoại thương việt nam chi nhánh hà nội luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 27 - 30)

1.3.1.1. Khái niệm

Theo Triết học Mác - Lê Nin, “Phát triển” là một phạm trù của triết học, là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần

dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất.

Tăng trưởng: Là khái niệm thể hiện sự gia tăng về quy mô và tốc độ của một đối tượng nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kì. Bản chất của tăng trưởng là phản ánh sự thay đổi về lượng của đối tượng nghiện cứu.

Phát triển: Là một khái niệm bao quát và toàn diện hơn tăng trưởng, phát triển có được là nhờ sự biến đổi về lượng và chất. Lượng đó chính là tăng trưởng, chất chính là việc xem xét xem sự tăng trưởng có đảm bảo về chất lượng và sự bền vững hay không, và mang lại lợi ích thực tế gì cho các chủ thể có liên quan của đối tượng cần nghiên cứu.

Như vậy, nói đến phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng thì không chỉ là sự tăng về quy mô mà còn được hiểu là nâng cao chất lượng của hoạt động.

Phát triển vừa hướng đến mục tiêu về lượng như: Quy mô cho vay mở rộng, số lượng khách hàng ngày càng gia tăng, đa dạng hóa đối tượng cho vay, đa dạng hóa phương thức cho vay, mở rộng phạm vi cho vay (tăng doanh số cho vay, tăng số lượng khách hàng...). Nhưng cũng vừa hướng đến mục tiêu chất lượng và hiệu quả tăng (lợi nhuận cho ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu giảm, lợi nhuận gia tăng, mức độ hài lòng của khách hàng tăng), tăng trưởng an toàn và bền vững.

1.3.1.2. Sự cần thiết phát triển cho vay tiêu dùng

a. Đối với khách hàng

Nhu cầu tiêu dùng là sự cần thiết đối với mọi đối tượng trong xã hội. Song việc thu nhập được trả định kỳ hàng tháng lại là rào cản khiến người dân không thể có ngay một khoản tiền lớn để mua sắm theo nhu cầu. Việc có thể vay ngay một khoản tiền từ ngân hàng để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng giúp cho khách hàng không mất nhiều thời gian tiết kiệm, mà có thể mua trước rồi trả dần gốc lãi hàng tháng khi nhận lương. Từ đó con người sẽ có động lực để làm việc, nâng cao năng suất lao động.

Để người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách dễ dàng hơn thì việc mở rộng hình thức cho vay tiêu dùng về nhiều địa phương là điều vô cùng cần thiết. Từ đó hình thức có vay nặng lãi sẽ được hạn chế, người dân sẽ không tốn số tiền lớn để trả lãi cao, đời sống được nâng cao.

b. Đối với nhà sản xuất

Khi nhận thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên, các nhà sản xuất sẽ dựa vào biến động thị trường để đưa ra quyết định có gia tăng quy mô sản xuất hay không? Các đại lý bán được nhiều sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh được quá trình luân chuyển hàng hóa, từ đó làm tăng thu nhập và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, cho vay tiêu dùng phát triển đồng nghĩa với việc cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng cũng trở nên gay gắt hơn, các nhà sản xuất sẽ phải liên tục cải tiến các sản phẩm của mình để đáp ứng thị hiếu của người dân, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển hơn.

c. Đối với Ngân hàng thương mại

Theo kết quả thống kê gần nhất Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê vào thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 04 năm 2019, quy mô dân số Việt Nam đã đạt hơn 96,2 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin). Cùng với đó, đời sống người dân cũng được cải thiện nhiều so với trước đây. Các chuyên gia kinh tế đã đánh giá Việt Nam đang là thị trường tiềm năng để các Ngân hàng khai thác cho vay tiêu dùng, từ đó gia tăng thu nhập. Cho vay tiêu dùng giúp ngân hàng phân tán rủi ro từ các loại hình tín dụng khác như cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ đầu tư tài sản cố định, tài trợ các dự án trung dài hạn...giúp Ngân hàng xây dựng mạng lưới khách hàng đa dạng, trải dài khắp các tỉnh thành, địa phương làm nền tảng để phát triển các dịch vụ ngân hàng khác.

d. Đối với nền kinh tế

CVTD là yếu tố đòn bẩy để phát triển nền kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng nguồn thu nhập cho người lao động. CVTD phát triển tạo sự cạnh tranh trong sản xuất, buộc các nhà sản xuất phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người vay.

Bên cạnh đó, phát triển CVTD cũng làm giảm nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, từ đó, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Mặt khác, CVTD khiến nhu cầu tiêu dùng mua sắm hàng hóa của nguời dân tăng lên, đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế khởi sắc.

Một phần của tài liệu 0980 phát triển cho vay tiêu dùng tại NHTM CP ngoại thương việt nam chi nhánh hà nội luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(119 trang)
w