Các sản phẩm tín dụng ngân hàng

Một phần của tài liệu 1151 phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại NHTM CP ngoại thương việt nam chi nhánh nam định luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 26 - 27)

Có nhiều cách phân loại tín dụng ngân hàng dựa vào các căn cứ khác nhau. Sau đây là một số phân loại sản phẩm tín dụng ngân hàng:

❖Theo thời gian sử dụng vốn vay, tín dụng được phân thành 3 loại sau:

+ Tín dụng ngắn hạn: là loại tín dụng có thời hạn dưới một năm, thường được sử dụng vào nghiệp vụ thanh toán, cho vay bổ sung thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động của các doanh nghiệp hay cho vay phục vụ nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của khách hàng bán lẻ.

+ Tín dụng trung hạn: có thời hạn từ 1 đến 5 năm, được dùng để cho vay vốn phục vụ nhu cầu mua sắm tài sản cố định, cải tiến đổi mới kỹ thuật, mở rộng và xây dựng các công trình nhỏ có thời hạn thu hồi vốn nhanh.

+ Tín dụng dài hạn: là loại tín dụng có thời hạn trên 5 năm, được sử dụng để cung cấp vốn cho xây dựng cơ bản, cải tiến và mở rộng sản xuất có quy mô lớn.

Thường thì tín dụng trung và dài hạn được đầu tư để hình thành vốn cố định và một phần vốn tối thiểu cho hoạt động sản xuất.

❖ Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, tín dụng ngân hàng chia thành 2 loại:

+ Tín dụng sản xuất và lưu thông hàng hoá: là loại tín dụng được cung cấp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để họ tiến hành SXKD.

+ Tín dụng tiêu dùng: là loại tín dụng được cấp phát cho cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Loại tín dụng này thường được dùng để mua sắm nhà cửa, xe cộ, các thiết bị gia đình... Tín dụng tiêu dùng ngày càng có xu hướng tăng lên.

❖ Căn cứ vào tính chất đảm bảo của các khoản cho vay, có các loại tín dụng sau:

+ Tín dụng có bảo đảm: là loại hình tín dụng mà các khoản cho vay phát ra đều có tài sản tương đương thế chấp, có các hình thức như: cầm cố, thế chấp, chiết khấu và bảo lãnh.

+ Tín dụng không có bảo đảm: là loại hình tín dụng mà các khoản cho vay phát ra không cần tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào tín chấp. Loại hình này thường được áp dụng với khách hàng truyền thống, có quan hệ lâu dài và sòng phẳng với ngân hàng, khách hàng này phải có tình hình tài chính lành mạnh và có uy tín đối với ngân hàng như trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc lẫn lãi, có dự án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng hoàn trả nợ...

Trong nền kinh tế thị trường việc phân loại tín dụng ngân hàng theo các tiêu thức trên chỉ có ý nghĩa tương đối. Khi các hình thức tín dụng càng đa dạng thì cách phân loại càng chi tiết. Phân loại tín dụng giúp cho việc nghiên cứu sự vận động của vốn tín dụng trong từng loại hình cho vay và là cơ sở để so sánh, đánh giá hiệu quả kinh tế của chúng.

Một phần của tài liệu 1151 phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại NHTM CP ngoại thương việt nam chi nhánh nam định luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 26 - 27)