Việc triển khai áp dụng Basel tại BIDV đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Điều này thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, BIDV đã chú trọng nhiều hơn trong việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ nhằm hạn chế các khoản nợ xấu, BIDV cũng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định. Theo số liệu thống kê, dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng năm 2017 tăng 32% so với năm 2016, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng (17,5%).
Thứ hai, hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng cũng được BIDV chú trọng. BIDV đã thiết lập được mô hình ba vòng kiểm soát, phân chia trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong QLRR.
Nhận thức về vai trò của các Phòng/Ban kiểm tra nội bộ đã thay đổi: Trước đây cán bộ ngân hàng thường coi Phòng/Bộ phận thanh tra giám sát như là bộ phận luôn "bới bèo ra bọ" gây cản trở hoạt động ngân hàng. Ngày nay, quan niệm này đã thay đổi, cán bộ ngân hàng đã hiểu rằng việc làm của bộ phận thanh tra, giám sát không những giúp ngăn chặn kịp thời các rủi ro/tổn thất cho ngân hàng, đảm bảo lợi ích kinh doanh của toàn bộ ngân hàng trong đó có bản thân mình mà còn giúp cho chính mình tránh được các rủi ro trước pháp luật. Do nhận thức được như vậy nên nhìn chung sự phối hợp, hợp tác giữa bộ phận thanh tra, giám sát với bộ phận kinh doanh tác nghiệp trong ngân hàng luôn diễn ra chặt chẽ, tạo điều kiện tốt cho nhau làm việc, góp phần quyết định đến kết quả và chất lượng thanh tra giám sát.
Hoạt động thanh tra, giám sát tại BIDV không chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động tín dụng như trước đây mà còn mở rộng sang các mảng hoạt động khác như ngân quỹ, tin học, tài trợ thương mại, kinh doanh ngoại tệ,...
Phương pháp thanh tra giám sát hoạt động ngân hàng được thực hiện sâu hơn, thực tiễn hơn thông qua việc kiểm tra thực tế thường xuyên hơn, không chỉ
kiểm tra sau khi sự việc đã xảy ra mà kiểm tra ngay trong quá trình thực hiện cung ứng sản phẩm đến khách hàng.
Trình độ và năng lực làm việc của cán bộ kiểm tra nội bộ không ngừng được nâng cao thông qua việc các ngân hàng đã chú trọng tuyển chọn cán bộ có năng lực và có kinh nghiệm làm việc từ các bộ phận trong ngân hàng về làm công tác kiểm tra nội bộ. Mặt khác, công tác đào tạo lại các cán bộ kiểm tra nội bộ cũng được chú trọng hơn, tạo điều kiện để cán bộ được tiếp xúc và cập nhật thường xuyên các nghiệp vụ/sản phẩm mới trong ngân hàng.
Thứ ba, công tác công bố thông tin theo nguyên tắc thị trường đã được thực hiện đều đặn và minh bạch hơn. Trong mấy năm gần đây, trước yêu cầu của NHNN về việc phải đảm bảo số liệu báo cáo đầy đủ hơn, chính xác hơn và kịp thời hơn, hơn nữa do yêu cầu của chính BIDV về việc phải có thông tin đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng nhằm phục vụ tốt công tác quản lý điều hành, công tác báo cáo thống kê tại BIDV đã được thực hiện một cách bài bản hơn. BIDV có bộ phận chuyên trách tổng hợp báo cáo thống kê theo cả ngành dọc và ngành ngang. Ngoài ra BIDV còn thể hiện sự quan tâm hơn đến công tác báo cáo thống kê thông qua việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác báo cáo thống kê, tăng chi phí đầu tư máy móc công nghệ, không ngừng cải tiến hệ thống mẫu biểu báo cáo nhằm đảm bảo đủ chỉ tiêu báo cáo theo yêu cầu, thay đổi quy trình nghiệp vụ nhằm quản lý tốt nhất chất lượng thông tin trên hệ thống (tách độc lập bộ phận tác nghiệp số liệu trên hệ thống)...
Bên cạnh việc chú trọng quản lý số liệu báo cáo thống kê, BIDV trong thời gian qua đều tập trung đầu tư công nghệ mới, tận dụng tối đa khả năng khai thác số liệu từ hệ thống, tăng tỷ trọng tổng hợp số liệu báo cáo thống kê một cách tự động, giảm khối lượng công việc làm bằng tay. Vì vậy, số liệu báo cáo thống kê phản ánh chính xác hơn tình hình thực tế, hỗ trợ công tác quản lý điều hành một cách có hiệu quả hơn.
Ngoài ra, BIDV cũng đã và đang thực hiện hiện đại hóa ngân hàng, mua phần mềm hiện đại của nước ngoài, qua đó:
(i) Tổ chức hệ thống kế toán từng bước theo hướng tập trung, xử lý giao dịch trực tuyến trong toàn hệ thống, trên cơ sở đó phát triển các sản phẩm tiện ích;
(ii) Thông tin kế toán - thống kê đầy đủ, kịp thời, chính xác hơn đã giúp cho việc quản trị tài sản có, tài sản nợ, quản trị rủi ro tài chính hiệu quả hơn. Thực hiện quản lý trạng thái rủi ro tiền tệ, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản trong toàn hệ thống ngân hàng;
(iii) BIDV còn tiếp cận hệ thống kế toán quản trị đang được sử dụng trong các ngân hàng hiện đại.