4.1.1. Tuổi và giới
Theo bảng 3.1, tổng số 155 người bệnh đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Người bệnh nam chiếm đa số gồm 147 người bệnh, chiếm 94,8%. Người bệnh nữ chỉ có 8 người. Tỷ lệ Nam/Nữ xấp xỉ 18,4/1. Sự chênh lệch giới tính này gần với tỷ lệ trong nghiên cứu của Nguyễn Quang Minh (2011) là 17/1[62], cao hơn tỷ lệ này trong nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (2015) là 7,7/1[14]. Sự chênh lệch giới tính này nói chung phản ánh đặc trưng về giới tính của BPTNMT tại Việt Nam. Khi so sánh kết quả này với các nghiên cứu của một số tác giả trên thế giới như P.F. Colin (2010), đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở 425 người bệnh BPTNMT điều trị ngoại trú tại Anh thì có tới 202 người bệnh là nữ[65]. Sự khác biệt này là do hầu hết phụ nữ Việt Nam không hút thuốc, còn ở Anh, tỷ lệ nữ giới hút thuốc nhiều. Theo báo cáo toàn cầu về tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010 tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở người lớn trên 15 tuổi ở nam là 47,4% và ở mức là 1,4%[66]. Các chỉ số chiều cao, cân nặng trung bình của quần thể nghiên cứu phù hợp với chỉ số của quần thể người Việt Nam.
Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 71,4±9,0 tuổi, tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Quang Minh (2011) là 71,53 ± 5,14 tuổi[62], cao hơn so với tuổi trung bình trong nghiên cứu của Nguyễn Hà Thanh và cộng sự (2017) tại Bệnh viện Phổi Hà Nội là 69,3 tuổi[60]. Sự khác biệt này có thể là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là đối tượng người bệnh mắc BPTNMT không kèm theo các bệnh phức tạp khác. Có sự khác biệt về tuổi trung bình của hai giới nam và nữ. Số người bệnh có độ tuổi ≥ 65 tuổi chiếm 74,2% nhiều hơn tỷ lệ người bệnh < 65 tuổi (25,8%) có ý nghĩa thống kê.
Tuổi thấp nhất là 50 tuổi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng gần tương tự với kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trong nước và trên thế giới[14],[62],[15],[67]. Điều này phù hợp với đặc điểm dịch tễ của BPTNMT. BPTNMT thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhất là những người từ 65 tuổi trở lên[68].
Trọng lượng cơ thể trung bình là 56,4 ± 8,92 (kg), BMI trung bình là 21,09 ± 2,75. Chỉ số này cao hơn trong nghiên cứu của Gupta và cộng sự (2010)[61] và cũng cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Hà Thanh (2017)[60]. Sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của tác giả Gupta và tác giả Nguyễn Hà Thanh là người bệnh BPTNMT phức tạp hơn đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi.
4.1.2. Đặc điểm phân bố bệnh tật
Bảng 3.2 cho thấy đa số người bệnh (151/155 người bệnh tương đương 97,4%) có tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, thuốc lào (đã từng hút thuốc hoặc đang hút thuốc), tỷ lệ người bệnh đã từng hút thuốc là cao nhất (71,6%). Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của tác giả Ngô Quý Châu và cộng sự (2006) về mối liên quan giữa hút thuốc và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cho thấy có khoảng 80-90% người bệnh BPTNMT có hút thuốc[69]. Bệnh đường hô hấp phổ biến trong nhóm người bệnh hút thuốc lá là BPTNMT 26,2%[70]. Cho đến nay thì hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khói thuốc gây ra phản ứng viêm, rối loạn chức năng lông mao và thương tổn oxy hóa.
Bảng 3.3 phản ánh tình trạng tiến triển bệnh của nhóm đối tượng nghiên cứu. Phân bố thời gian mắc bệnh của người bệnh trong nhóm nghiên cứu giao động từ 1 năm dến 26 năm, 50% đối tượng có thời gian mắc bệnh trên 8 năm. Tuy nhiên người bệnh BPTNMT họ thường có các biểu hiện ho khạc đờm kéo dài dai dẳng trước khi phát hiện bệnh. Họ chỉ thực sự được
phát hiện bệnh khi các đợt cấp tiến triển, các triệu chứng của bệnh nặng lên, hạn chế khả năng hoạt động, và các đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh thông thường không hiệu quả. Vì vậy trên thực tế có thể thời gian mắc bệnh của người bệnh dài hơn con số chúng tôi thu thập được.
Tình trạng tiến triển bệnh trong 12 tháng qua của đối tượng nghiên cứu. Số đợt cấp trong năm giao động nhiều từ 2-12 lần/năm, hay gặp nhất là 3 đợt/năm. Số đợt phải nhập viện của người bệnh cũng giao động từ 0-7 lần/năm. Có 83/155 người bệnh không phải nhập viện lần nào trong 12 tháng kể từ thời điểm được đánh giá. Điều này phản ánh gián tiếp hiệu quả đáng mừng của chương trình kiểm soát, điều trị ngoại trú cho người bệnh BMTNMT tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Theo biểu đồ 3.1, nhóm người bệnh được xếp loại GOLD3 là nhiều nhất chiếm 43,9%, rồi đến nhóm GOLD 2 (40,6%), ít nhất là GOLD 1 (3,2%), nhóm GOLD 4 chiếm 12,3%. Như vậy đối tượng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào 2 nhóm tắc nghẽn thông khí vừa và nặng. Kết quả này có nhiều điểm khác so với nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (2015) trên 217 người bệnh mắc BPTNMT giai đoạn ổn định điều trị ngoại trú tại Phòng quản lý ngoại trú BPTNMT tại Bệnh viện Bạch Mai. Nghiên cứu của Đỗ Thị Lương cho thấy Người bệnh thuộc nhóm D (nhóm tắc nghẽn thông khí rất nặng) chiếm nhiều nhất (43,3%), không có bệnh nhân nhóm A. Điều này là do Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối nên đối tượng người bệnh đến khám là nặng hơn.
Phân bố theo mức độ nặng của bệnh khi xét kết hợp cả triệu chứng bệnh và tắc nghẽn thông khí (bảng 3.4) thì đối tượng nghiên cứu tập trung nhiều ở nhóm GOLD B (37,4%) và GOLD C (36,8%). Nhóm người bệnh nặng (nhóm D) chiếm tỷ lệ thấp hơn (20%). Điều này có thể lý giải bằng số người bệnh điều trị nội trú tại Khoa Hô hấp và Khoa Hồi sức tích cực bệnh
viện Đa khoa Đức Giang là những đối tượng người bệnh nặng đã được loại khỏi nghiên cứu. Những người bệnh này không có đủ điều kiện tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, trong quá trình thu thập số liệu có một số người bệnh có đủ các tiêu chuẩn tham nghiên cứu không đồng ý thực hiện đo chức năng hô hấp. Những người bệnh này chủ yếu là người già, yếu, biểu hiện nhiều triệu chứng bệnh. Mặt khác, bệnh viện Đa Khoa Đức Giang là bệnh viện khu vực tuyến dưới, nên nhóm người bệnh nặng điều trị tại đây cũng sẽ thấp hơn các bệnh viện tuyến cuối.
Ở mức độ tắc nghẽn nhẹ GOLD 1 (3,2%), bệnh nhẹ, ít triệu chứng (GOLD A chiếm 5,8%) chiếm tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ này phản ánh một thực trạng là chỉ có một số người bệnh có ý thức đi khám và dự phòng bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh. Chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giúp người dân nhận biết và có ý thức dự phòng bệnh sớm hơn.