Từ bảng 3.5 đến bảng 3.12 cho thấy kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng của nhóm nghiên cứu theo BMI và theo SGA. Cụ thể:
Bảng 3.5 phản ánh TTDD của đối tượng nghiên cứu theo giới. Trong 155 người bệnh tham gia nghiên cứu, chúng tôi không bắt gặp trường hợp người bệnh nào phù nên toàn bộ 155 người bệnh đều đánh giá được tình trạng dinh dưỡng theo BMI.
Tỷ lệ thiếu hụt năng lượng trường diễn của nhóm nghiên cứu là 18,1% (gầy độ 1 là 11%, gầy độ 2 là 2,6%, gầy độ 3 là 4,5%). Tỷ lệ này thấp hơn so với nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (2015), BMI<18,5 là 25,6%[14],và của Nguyễn Quang Minh (2011)[62]. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Tiến (2016)[16], vì đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Tiến là người bệnh đợt cấp tại một bệnh viện
cứu của Runa Hallin và cộng sự năm 2007[71] thì tỷ lệ người bệnh có BMI< 18,5 trong nghiên cứu của chúng tôi là tương tự.
Tỷ lệ người bệnh thừa cân béo phì chiếm 8,4%. Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Quang Minh (2011): 5,52%[62], và nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (2016): 5,5%[14], cao hơn với Zapatero (2013)[72]. Có thể sự khác nhau này do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi đã loại đi những người bệnh có đồng mắc các bệnh lý phức tạp, liên quan đến các chê độ dinh dưỡng đặc biệt. Người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi lại chiếm đa số là dân cư thuộc quân Long Biên và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây là các khu vực dân cư của thành phố lớn, có đời sống kinh tế cao hơn. Chỉ có 3 người bệnh thuộc khu vực khác như Đông Anh, Hà Nội và Từ Sơn, Bắc Ninh cũng là khu vực mà điều kiện kinh tế nói chung khá giả, nên điều kiện chất lượng bữa ăn có thể là đầy đủ hơn so với đối tượng nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Lương hay của Nguyễn Quang Minh.
Khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo công cụ SGA cho kết quả: Tỷ lệ suy dinh dưỡng khi đánh giá theo SGA của nhóm đối tượng nghiên cứu là 24,5%. Trong đó có 20,6% là có nguy cơ suy dinh dưỡng mức độ nhẹ đến vừa (tương ứng với SGA B), 3,9% có nguy cơ suy dinh dưỡng nặng. Kết quả này thấp hơn kết quả trong nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (29,4%). Xét riêng tỷ lệ người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ đến vừa thì kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (20,3%)[14]. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trong nghiên cứu này cũng thấp hơn rất nhiều so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Long (86%)[15] hay của tác giả Vũ Thị Thanh (73,8%)[13], cũng như nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hà (74,4%)[60]. Có sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của các tác giả trên đều là đối tượng người bệnh nặng, tuyến cuối.
Không nhận thấy có sự khác biệt tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa 2 giới với độ tin cậy 95%. Kết quả này cũng tương tự như trong nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (2015).
Nhận thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng khi đánh giá theo công cụ SGA (24,5%) cao hơn khi đánh giá theo BMI (18,1%) là 6,4%. Tuy nhiên, khi đánh giá theo công cụ SGA không thể đánh giá được đối tượng thừa cân béo phì, còn đánh giá theo BMI không áp dụng được cho người bệnh có triệu chứng phù. Vì vậy kết hợp 2 phương pháp này để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh sẽ giảm được việc bỏ sót người bệnh có nguy cơ dinh dưỡng. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu khác trong và ngoài nước.
Quan sát số liệu tại bảng 3.6: Khi so sánh tình trạng dinh dưỡng khi đánh giá theo BMI giữa hai giới nam và nữ hay giữa hai nhóm tuổi nhỏ hơn 65 tuổi và ≥65 tuổi thì các tỷ lệ thừa cân béo phì, bình thường hay suy dinh dưỡng không có sự khác biệt. Giữa các nhóm tuổi trên 65 tuổi và dưới 65 tuổi thì sự khác nhau về tỷ lệ suy dinh dưỡng khi đánh giá theo công cụ SGA cũng không có ý nghĩa thống kê.
Khi so sánh tình trạng dinh dưỡng giữa các nhóm người bệnh được phân độ tắc nghẽn thông khí khác nhau (bảng 3.7) hay theo mức độ nặng của bệnh (bảng 3.9) thì chúng tôi nhận thấy có mối tương quan có ý nghĩa giữa tình trạng dinh dưỡng với các mức độ nặng của tắc nghẽn thông khí cũng như của bệnh. Ở bảng 3.7, người bệnh gầy chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhóm người bệnh tắc nghẽn thông khí nặng là 26,3%, thấp nhất ở nhóm người bệnh tắc nghẽn thông khí nhẹ (0%). Ngược lại, tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất ở nhóm người bệnh tắc nghẽn nhẹ (80%), thấp nhất ở nhóm tắc nghẽn đường thở nặng. Khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Khảo sát mối tương quan giữa 2 biến định lượng BMI và FEV1 của đối tượng (biểu đồ 3.2) thì thấy giữa chỉ số BMI và FEV1 có tương quan đồng biến chặt chẽ, độ tin cậy 99%. Tức
là khi chỉ số FEV1 càng cao thì BMI của người bệnh càng cao, khi mức độ tắc nghẽn đường thở càng nặng (FEV1 càng thấp) thì BMI càng giảm. Kết quả này phù hợp với kết quả trong nghiên cứu của Nguyễn Quang Minh và Đỗ Thị Lương[14],[62]. Tuy nhiên với thiết kế nghiên cứu cắt ngang thì chúng tôi không kết luận được đâu là yếu tố nguyên nhân, đâu là hậu quả.
Quan sát tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các nhóm có mức độ rối loạn thông khí tắc nghẽn khác nhau (bảng 3.8), nhận thấy có sự khác biệt giữa các tỷ lệ suy dinh dưỡng (SGA B&C) trong nhóm nặng và rất nặng (GOLD 3&4) là 32,2% cao hơn so với nhóm tắc nghẽn nhẹ và vừa (14,7%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Kết quả này phù hợp với kết quả của tác giả Đỗ Thị Lương (2015), nhóm người bệnh có mức độ tắc nghẽn đường thở nặng và rất nặng có nguy cơ suy dinh dưỡng cao gấp 3 lần nhóm người bệnh có mức độ tắc nghẽn đường thở nhẹ và trung bình[14]. Kết quả trong nghiên cứu của Nguyễn Hà Thanh (2017) cũng tương tự (những người suy dinh dưỡng nặng cho thấy chức nặng thông khí phổi tồi tệ hơn)[60].
Ở bảng 3.9 cho thấy tỷ lệ người bệnh gầy ở nhóm người bệnh nặng (nhóm D) là cao nhất (64,5%), thấp nhất ở nhóm người bệnh nhẹ (nhóm A). Ngược lại, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nhóm người bệnh nhẹ là cao nhất (44,4%), thấp nhất ở nhóm người bệnh nặng là 0%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Khi bệnh nặng lên, các triệu chứng tăng lên khiến người bệnh hạn chế nhiều hoạt động, lượng thuốc phải điều trị cũng tăng lên, người bệnh tốn nhiều năng lượng cho việc vận dụng các cơ hô hấp phụ để người bệnh dễ thở hơn, chuyển hóa cơ bản tăng lên. Điều này làm tiêu hao năng lượng của người bệnh tăng lên, đòi hỏi một chế độ dinh dưỡng bổ sung so với bệnh giai đoạn nhẹ…
Kết quả khi đánh giá theo SGA cũng tương tự. Tỷ lệ suy dinh dưỡng khi đánh giá theo SGA ở nhóm người bệnh nặng (nhóm D) là cao nhất
(80,6%; SGA B là 64,5%; SGA C là 16,1%). Sau đó là người bệnh nhóm B (17%; SGA B là 15,3%; SGA C là 1,7%). Ở hai nhóm còn lại là nhóm A và C thỉ thỉ lệ suy dinh dưỡng thấp hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể liên quan đến mức độ biểu hiện triệu chứng của bệnh. Cụ thể hơn là ở nhóm B và nhóm D theo tiêu chuẩn đánh giá bệnh là hai nhóm có biểu hiện nhiều triệu chứng lâm sàng của BPTNMT. Còn hai nhóm A và C là hai nhóm biểu hiện ít triệu chứng lâm sàng. Có thể thấy rằng nguy cơ suy dinh dưỡng sẽ tăng lên khi người bệnh biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhiều hơn. Đặc biệt ở nhóm người bệnh được chẩn đoán mức độ A, tỷ lệ suy dinh dưỡng là 0% khi đánh giá theo SGA. Có thể hiểu là không có nguy cơ suy dinh dưỡng ở nhóm này. Tuy nhiên, ở nghiên cứu này chỉ có 9 đối tượng được chẩn đoán mức độ nặng của bệnh là mức A. Có thể kết quả sẽ khác đi khi chúng ta tiến hành nghiên cứu với sô đối tượng lớn hơn.
Các biểu đồ 3.3; 3.4 và 3.5 mô tả mối tương quan giữa chỉ số BMI với tình trạng tiến triển bệnh trong năm của đối tượng nghiên cứu. Nhận thấy chỉ số khối cơ thể có mối tương quan nghịch biến với số đợt cấp trong năm. Hệ số tương quan r = -0,372, có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Như vậy người bệnh càng xuất hiện nhiều đợt cấp trong năm thì chỉ số khối cơ thể của họ càng giảm. Chúng tôi cũng nhận thấy mối tương quan nghịch biến giữa chỉ số BMI với số lần nhập viện vì điều trị đợt cấp và số ngày năm viện của đối tượng. Mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Điều này cho thấy khi BMI càng cao thì số đợt nhập viện hay số ngày nằm viện điều trị đợt cấp càng thấp và ngược lại. Kết quả này phù hợp với kết quả trong nghiên cứu của Gupta (2010)[61]. Mối liên quan này quan hệ hai chiều. Viêm hệ thống là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và suy kiệt ở BPTNMT. Nồng độ các cytokine tiền viêm là yếu tố liên quan chặt chẽ đến việc giảm cân không
mong muốn ở người bệnh BPTNMT. Sự giải phóng các chất trung gian gây viêm cũng làm tăng chuyển hóa cơ bản, tăng mức tiêu thụ năng lượng. Nếu như cơ thể không đáp ứng bù đủ lượng nhu cầu tăng lên này sẽ dẫn đến sự thay đổi dinh dưỡng ở người bệnh. Vì vậy khi người bệnh càng có nhiều đợt cấp, số ngày điều trị đợt cấp càng nhiều thì nguy cơ suy dinh dưỡng càng cao. Ngược lại, ở người bệnh suy dinh dưỡng, suy kiệt, sức đề kháng của người bệnh thấp hơn, sụt giảm khối lượng cơ hô hấp khiến người bệnh dễ nhiễm khuẩn hơn và khi nhiễm khuẩn cơ thể có sức chịu đựng kém hơn dẫn đến nguy cơ tiến triển bệnh nặng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý.
Quan sát bảng 3.10: Khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo chỉ số khối cơ thể (BMI) hay theo công cụ SGA đều cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các nhóm đối tượng khi chia theo tình trạng hút thuốc trong nghiên cứu này. Quan sát tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn trong các đối tượng có tình trạng hút thuốc khác nhau, chúng tôi nhận thấy ở nhóm người bệnh đang hút thuốc tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất là 31,0%, thấp nhất ở nhóm không hút thuốc. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này phù hợp với kết quả trong nghiên cứu của Đỗ Thị Lương[14]. Kết quả này có thể do trong số 155 người bệnh tham gia nghiên cứu của chúng tôi, có 111 người bệnh (71,6%) đã từng hút thuốc bao gồm cả những người đã bỏ thuốc nhiều năm và cả những người bệnh mới bỏ thuốc và chỉ có 29 người bệnh (18,7%) hiện đang còn hút. So sánh tỷ lệ này ở nhóm người bệnh phân theo tình trạng hút thuốc cũng cho kết quả tương tự như nghiên cứu của Đỗ Thị Lương (không có sự khác biệt với độ tin cậy 95%)[14].
Bảng 3.11 mô tả tình trạng dinh dưỡng của đối tượng nghiên cứu theo tính chất nghề nghiệp. Chúng tôi nhận thấy sự khác nhau về tỷ lệ người bệnh gầy, bình thường, thừa cân béo phì giữa 2 nhóm nghề nghiệp có và không tiếp xúc khói bụi là không có ý nghĩa thống kê. Tương tự như vậy khi đánh giá
tình trạng dinh dưỡng theo công cụ SGA thì tỷ lệ người bệnh có nguy cơ dinh dưỡng và không có nguy cơ dinh dưỡng ở 2 nhóm nghề nghiệp này cũng không có sự khác biệt. Tuy nhiên với cách phân loại nghề nghiệp trong nghiên cứu này chưa bao gồm được yếu tố môi trường sống. Trên thực tế đối tượng nghiên cứu của chúng tôi 100% sống tại các khu đô thị lớn (thành phố Hà Nội). Đây là khu vực có mức độ ô nhiễm môi trường cao do mật độ dân cư, phương tiện đi lại… Vì vậy cách phân loại này chưa phân định được rõ ràng nhóm người bệnh có hay không tiếp xúc với khói bụi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng chưa đặt ra các câu hỏi về thời gian làm nghề của đối tượng nên kết quả này cũng chưa phản ánh được mức độ ảnh hưởng của khói bụi liên quan đến nghề nghiệp của người bệnh.
Bảng 3.12 cho thấy tỷ lệ người bệnh giảm cân so với 2 tuần trước và 6 tháng trước khá cao (so với 2 tuần trước là 37,4%, 6 tháng trước là 58,1%) tương tự như kết quả nghiên cứu của Gupta (2010)[61]. Người bệnh có xu hướng ngày càng giảm cân, biểu hiện ở thời gian càng dài thì tỷ lệ giảm cân càng cao. Tỷ lệ giảm cân ở hai thời điểm so với 2 tuần và so với 6 tháng trước là có ý nghĩa thống kê.