Với chiến lược phát triển chung của Vietcombank là trở thành Tập đoàn tài chính ngân hàng hiện đại, hiệu quả hàng đầu trong nước và quốc tế, hoạt động đa năng, cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo chuẩn mực quốc tế, nhằm nâng giá trị cuộc sống. Chi nhánh Vietcombank Vinh cũng đặt mục tiêu hoạt động ổn định, phát triển về quy mô và chất lượng, dựa trên sự phát triển hợp lý về số lượng phòng giao dịch, cơ cấu tổ chức, nhân sự hợp lý, tăng cường công tác đào tạo, tuyển dụng đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao. Hoạt động của chi nhánh Vietcombank Vinh luôn tuân theo nguyên tắc tuân thủ đúng quy định của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, đúng pháp luật đồng thời tiếp cận với những quy định chung về hoạt động của các tổ chức tín dụng quốc tế, từng bước đưa ngân hàng hội nhập với thế giới với phương châm lấy an toàn, chất lượng và hiệu quả bền vững làm mục tiêu hàng đầu trong tất cả hoạt động kinh doanh. Từ đó chi nhánh đưa ra phương hướng để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ với những nội dung sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống KSNB nhằm mục đích, kiểm soát, phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của ngân hàng. Vì mọi rủi ro có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và mục tiêu hoạt động của ngân hàng do đó đều phải được nhận dạng, đo lường,
đánh giá một cách thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và có biện pháp quản lý rủi ro thích hợp. Mỗi khi có sự thay đổi về các mục tiêu kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động kinh doanh mới, tổ chức tín dụng phải rà soát, nhận dạng các rủi ro liên quan để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, quy trình, quy định kiểm tra, kiểm soát nội bộ phù hợp.
Thứ hai: Hoàn thiện hệ thống KSNB phải mang tính đồng bộ. Thực tế cho thấy, hoạt động kiểm soát nội bộ là một phần không tách rời của các hoạt động hàng ngày của ngân hàng. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ được thiết kế, cài đặt, tổ chức thực hiện ngay trong mọi quy trình nghiệp vụ, tại tất cả các chi nhánh, bộ phận của ngân hàng dưới nhiều hình thức như:
- Cơ chế phân cấp ủy quyền rõ ràng, minh bạch, đảm bảo tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân, các bộ phận trong ngân hàng.
- Cơ chế kiểm tra chéo giữa các cá nhân, các bộ phận cùng tham gia một quy trình nghiệp vụ.
- Quy định về hạn mức rủi ro cụ thể đối với từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện các giao dịch.
- Quy trình và cơ chế thẩm định, kiểm tra, chấp thuận và duyệt cho phép thực hiện các giao dịch; đảm bảo một quy trình nghiệp vụ phải có ít nhất 2 cán bộ tham gia, không có cá nhân nào có thể một mình tiến hành thực hiện và quyết định một quy trình nghiệp vụ, một giao dịch cụ thể, ngoại trừ những giao dịch trong hạn mức được tổ chức tín dụng cho phép phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ ba: Hoàn thiện hệ thống KSNB phải gắn với nhân tố con người, vì nhân tố con người đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện thành công các mục tiêu đề ra của ngân hàng đồng thời nó cũng là nhân tố trực tiếp tham gia vào qui trình kiểm soát nội bộ. Do đó, ngân hàng cần có cơ chế đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ công nhân viên chi nhánh nói chung và
cán bộ kiểm tra kiểm soát nói riêng đồng thời ngân hàng cũng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nhân viên của mình, tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác.
Thứ tư: Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ phải đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng ổn định và hiệu quả. Vì hoạt động Vietcombank không vì mục tiêu lợi nhuận, mà còn phải hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế do Chính phủ giao.
Cuối cùng, hoàn thiện hệ thống KSNB phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo chấp hành chế độ hạch toán, kế toán theo quy định: hệ thống các chính sách, tài khoản kế toán áp dụng chung trong phạm vi toàn hệ thống, quy trình chu ẩn cho hoạt động ghi chép, lập và sử dụng báo cáo tài chính, xây dựng hệ thống báo cáo kế toán bộ phận và báo cáo kế toán hợp nhất cho toàn ngân hàng, nhằm phục vụ cho công tác quản trị, điều hành có hiệu quả.
- Cơ chế phân cấp ủy quyền phải được thiết lập, thực hiện một cách hợp lý, cụ thể, rõ ràng, tránh các xung đột lợi ích; đảm bảo một cán bộ không đảm nhiệm cùng một lúc những cương vị, nhiệm vụ có mục đích, quyền lợi mâu thuẫn hoặc chồng chéo với nhau; đảm bảo mọi cán bộ trong ngân hàng không có điều kiện để thao túng hoạt động, bưng bít thông tin phục vụ các mục đích cá nhân hoặc che dấu các hành vi vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ.
- Hệ thống thông tin, tin học của ngân hàng phải được giám sát, bảo vệ một cách hợp lý, an toàn và phải có cơ chế quản lý dự phòng độc lập (back- up) nhằm xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ như thiên tai, cháy, nổ... để đảm bảo hoạt động kinh doanh thường xuyên, liên tục trong ngân hàng.
- Đảm bảo mọi cán bộ, nhân viên đều phải quán triệt được tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát nội bộ, vai trò của từng cá nhân trong quá trình
kiểm tra, kiểm soát nội bộ có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của bản thân họ và phải tham gia thực hiện một cách đầy đủ và có hiệu quả các quy định, quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ liên quan.
- Người điều hành các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ, các cá nhân có liên quan phải thường xuyên xem xét, đánh giá về tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; mọi khiếm khuyết của hệ thống này phải được báo cáo kịp thời với cấp quản lý trực tiếp; những khiếm khuyết lớn có thể gây tổn thất hoặc nguy cơ rủi ro phải được báo cáo ngay cho Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.
- Tất cả các cá nhân, các bộ phận ở mọi cấp của ngân hàng phải thường xuyên, liên tục kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình nội bộ có liên quan và phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện hoạt động nghiệp vụ của mình trước tổ chức tín dụng và pháp luật.