Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Ocean Bank trong thời gian vừa qua là từ những phân tích và thẩm định tín dụng không cẩn trọng và thiếu chính xác dẫn đến những quyết định cho vay sai lầm. Đây là bước cực kỳ quan trọng và đảm bảo hạn chế rủi ro tín dụng với hiệu quả cao nhất, ít tổn thất nhất.
Quá trình thẩm định cần đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phân tích và thời gian ra các quyết định, đảm bảo sự cẩn trọng hợp lý trên cơ sở phân tích lợi nhuận và rủi ro cũng như đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng phục vụ khách hàng. Giải quyết các đòi hỏi này cần coi trọng việc tính các chỉ tiêu về
hiệu quả dự án như: NPV, IRR, PP, DSCR khi thẩm định tài trợ dự án đầu tư. Không chỉ dừng lại ở việc tính toán, CBTD nên so sánh những chỉ tiêu này với chỉ tiêu trung bình của ngành, của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Ngân hàng phải xây dựng một hệ thống chỉ tiêu sao cho đảm bảo được ý nghĩa kinh tế, nêu lên mối quan hệ của các chỉ tiêu, nói lên ý nghĩa tài chính của dự án. Hệ thống chỉ tiêu này được áp dụng thống nhất và có hiệu quả cho hầu hết các dự án khác nhau.
Liên quan đến vấn đề lượng hóa rủi ro tín dụng, chấm điểm tín dụng hiện nay là phương pháp đánh giá định lượng khách quan duy nhất trong xét duyệt cho vay tại Ocean Bank. Hệ thống chấm điểm tín dụng khách hàng tuy được xây dựng khá chi tiết và chính xác nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc áp dụng do nhiều nhân tố, trong đó chủ yếu là do số liệu cung cấp bởi khách hàng là không chính xác. Với hệ thống chấm điểm tín dụng như hiện nay, việc chấm điểm tín dụng chưa thể là công cụ duy nhất trong khâu xét duyệt cho vay, nó chỉ là công cụ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung cho việc ra quyết định sau khi tất cả các yếu tố khác đạt yêu cầu. Nhiệm vụ đặt ra cho Ocean Bank là cần nghiên cứu một mô hình đánh giá tổng hợp hơn, ngoài việc cho điểm những chỉ tiêu thể hiện trong sổ sách, cũng phải xét đến một hệ thống đa dạng và chi tiết hơn các chỉ tiêu bên ngoài như uy tín của doanh nghiệp, phong cách làm việc, trình độ học vấn của nhân viên, tình hình cơ sở vật chất...Đồng thời, mô hình xếp hạng khách hàng cần phải được xem xét, sửa đổi hàng năm cho phù hợp với thị trường, khách hàng tại từng thời điểm. Có như vậy mới đảm bảo được phương pháp đánh giá tổng hợp, là thước đo đúng đắn và chính xác hơn để tiến tới trở thành một mô hình độc lập mang tính quyết định trong xét duyệt cho vay.