> Đối với nền kinh tế
• Bảo lãnh ngân hàng góp phần tăng thu nhập cho xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với chức năng tài trợ, hoạt động bảo lãnh ngân hàng tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện vay vốn trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ cho đầu tư, phát triển. Bảo lãnh ngân hàng đảm bảo cho việc hoàn trả vốn vay và như thế bên có nhu cầu vay sẽ có cơ hội có được nguồn vốn phù hợp với nhu cầu của
mình. Đồng thời, bảo lãnh ngân hàng do các Ngân hàng có uy tín phát hành, đóng vai trò là phương tiện bảo đảm cho món vay có hiệu quả hơn so với cầm cố thế chấp. Bản thân bảo lãnh là công cụ trợ giúp cho các giao dịch kinh tế, là cơ sở đảm bảo cho sự tin tưởng lẫn nhau giữa người được bảo lãnh và người nhận bảo lãnh. Sự tin tưởng giữa các bên là một yếu tố quan trọng để hình thành các mối quan hệ lâu dài, chính nó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Sự xuất hiện của hoạt động bảo lãnh trong nền kinh tế làm giảm bớt tính rủi ro trong các mối quan hệ kinh tế. Đây là hình thức tín dụng nhằm san sẻ rủi ro cho các đối tượng tham gia đồng thời đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
• Bảo lãnh ngân hàng giúp định hướng phát triển kinh tế.
Thông qua chính sách bảo lãnh, điều kiện bảo lãnh, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ có thể hạn chế một bộ phận đối tượng khách hàng này, đồng thời cũng có thể mở rộng cho đối tượng khách hàng khác. Qua đó, nó có tác dụng định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn hay làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế đi đúng hướng.
• Bảo lãnh góp phần làm hạn chế lượng tiền mặt đưa vào lưu thông.
Bảo lãnh là một công cụ tiện ích được sử dụng rộng rãi để tài trợ cho các giao dịch kinh tế. Trong giao dịch kinh tế, nếu không tin tưởng thì sẽ yêu cầu ký quỹ và lượng tiền mặt đưa vào lưu thông sẽ rất lớn.
> Đối với Ngân hàng
• Bảo lãnh làm tăng thu nhập cho Ngân hàng:
So với hoạt động cho vay, hình thức bảo lãnh có chi phí rẻ hơn nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho ngân hàng. Bảo lãnh ngân hàng là một nghiệp vụ Ngân hàng hiện đại, ngày càng phát triển và đem lại một khoản thu lớn cho Ngân hàng từ phí. Ngân hàng được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ % trên doanh số bảo lãnh.
Đồng thời, muốn được bảo lãnh Ngân hàng thường yêu cầu khách hàng ký quỹ tại Ngân hàng trong thời gian bảo lãnh. Khoản tiền ký quỹ này khá lớn, ổn định, Ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn đầu vào này để cho vay, thu lãi.
• Bảo lãnh góp phần tăng cường uy tín, nâng cao vị thế, mở rộng quan hệ với khách hàng.
Trên cơ sở các mối quan hệ bảo lãnh, Ngân hàng sẽ ngày càng tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng truyền thống, đồng thời có cơ hội có thể tăng cường thêm các mối quan hệ khác đối với khách hàng từ đó tìm kiếm những khách hàng tiềm năng và các khách hàng mới, nâng cao uy tín và vị thế trong nước cũng như thị trường quốc tế.
• Bảo lãnh góp phần làm đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, giảm thiểu rủi ro cho Ngân hàng.
Thông qua việc cung cấp nghiệp vụ bảo lãnh cho khách hàng Ngân hàng sẽ có điều kiện cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ Ngân hàng đồng bộ phù hợp (chi vay vốn lưu động để thực hiện hợp đồng, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế...). Sự ra đời của dịch vụ bảo lãnh làm đa dạng thêm các sản phẩm của ngân hàng từ đó góp phần hoàn thiện sự đồng bộ trong gói sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tạo ra tiện ích lớn nhất cho khách hàng.
Bảo lãnh ngày càng phát triển sẽ làm tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động cho vay, qua đó hạn chế rủi ro cho Ngân hàng. Đây cũng là xu hướng phát triển của các Ngân hàng trong tương lai.
> Đối với các doanh nghiệp
• Bên được bảo lãnh.
Nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng giúp cho khách hàng giải quyết được sự không tin tưởng nhau trong việc thực hiện các điều kiện đã cam kết trong hợp đồng cơ sở. Người được bảo lãnh dựa vào uy tín của ngân hàng để giành được sự tin tưởng của đối tác để thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra nghiệp vụ bảo lãnh còn giải quyết những khó khăn về vốn cho bên thực hiện hợp đồng lớn mà họ khó có thể có đủ khả năng tài chính để thực hiện trong thời gian dài. Bên cạnh đó, bảo lãnh tạo được sự tin tưởng nhất định của người thụ hưởng với vai trò như một công cụ đôn đốc hoàn thành hợp đồng kinh doanh có hiệu quả hơn từ người xin bảo lãnh. Trong quan hệ tín dụng (hàng hay
tiền), người vay thiếu vốn trong kinh doanh hoặc muốn tranh thủ vốn của đối tác hay vì một lý do nào khác thì thông qua hoạt động bảo lãnh họ có thể nhận được một khoản vốn nhất định giúp cho họ giải quyết được sự căng thẳng về vốn lưu động hay vốn cố định để đầu tư chiều sâu mở rộng sản xuất kinh doanh. Thay cho việc vay vốn của ngân hàng, khách hàng chỉ phải trả một khoản phí bảo lãnh tương đối thấp và hưởng các ưu đãi từ bên cấp tín dụng. Nhờ có bảo lãnh ngân hàng sẽ giúp cho bên được bảo lãnh nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn rẻ, hiệu quả, thúc đẩy, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
• Bên nhận bảo lãnh.
Bảo lãnh Ngân hàng sẽ giúp cho doanh nghiệp hạn chế được rủi ro, đảm bảo lợi ích kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do sự vi phạm hợp đồng của đối tác.
Bảo lãnh giúp cho bên nhận bảo lãnh tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc tìm kiếm đối tác.