Việc kiểm soát khoản vay vốn của khách hàng cần được thực hiện ở cả 3 bước: trước, trong và sau khi cấp tín dụng. Kiểm tra, quản lý và giám sát nợ vay sẽ giúp ngân hàng phát hiện và ngăn ngừa sớm các rủi ro phát sinh. Để nâng cao hiệu quả giám sát, cán bộ tín dụng cần thực hiện tuân thủ:
- Định kỳ cuối mỗi quý, yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính mới nhất, phân tích, đánh giá lại tình hình tài chính của khách hàng, so sánh với kỳ hoạt động trước. Trong trường hợp phát sinh các yếu tố ảnh hưởng xấu tới điều kiện tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng, thì cán bộ tín dụng cần tìm hiểu và đưa ra các biện pháp thích hợp nhằm giúp đỡ khách hàng giải quyết khó khăn hoặc có những biện pháp để hạn chế rủi ro, bảo đảm nguồn trả nợ trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ.
- Kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay thường xuyên, chậm nhất là 1 tuần sau khi phát sinh khoản vay và định kỳ 3 tháng một lần với các khoản vay ngắn hạn và 6 tháng 1 lần với các khoản vay trung dài hạn. Kết quả kiểm tra phải xác định khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích như đã thoả thuận tại Hợp đồng tín dụng; giá trị tài sản hình thành bằng vốn vay, giá trị đầu tư hàng hóa thực tế có cân đối với giá trị vốn vay đã phát; khách hàng có vi phạm các cam kết tại Hợp đồng tín dụng, có báo cáo ngân hàng trung thực; các dấu hiệu bất thường khác liên quan đến tình hình tài chính và phi tài chính của khách hàng.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra sử dụng vốn vay giúp cán bộ tín dụng chủ động trong việc thực hiện kiểm tra khách hàng vay, lãnh đạo
102
phòng hoặc Ban giám đốc có cơ sở để đôn đốc và giám sát việc thực hiện của cán bộ tín dụng, thống nhất về nội dung và phương thức kiểm tra sử dụng vốn vay trong toàn chi nhánh. Nội dung chủ yếu của kế hoạch kiểm tra sử dụng vốn vay bao gồm lịch kiểm tra sử dụng vốn vay và đề xuất phương thức kiểm tra sử dụng vốn vay thích hợp. Cùng với việc lập kế hoạch kiểm tra cho các khoản vay, cán bộ tín dụng cần chủ động thực hiện theo kế hoạch kiểm tra sử dụng vốn vay đã lập. Tuỳ đặc điểm của từng khoản vay mà lựa chọn cách thức kiểm tra khác nhau. Ví dụ như với hàng hóa trong kho: cán bộ tín dụng kiểm tra danh mục hàng hóa có trùng khớp về chủng loại, xuất xứ, số lượng như phương án xin vay không? Tính toán xem khối lượng hàng hóa trong kho có cân đối với giá trị tiền vay theo hợp đồng tín dụng không? Trường hợp hàng hóa trong kho hình thành từ nguồn vốn vay của nhiều ngân hàng, cán bộ tín dụng cần yêu cầu khách hàng báo cáo rõ hàng trong kho hình thành từ các nguồn vay nào, trong đó của Sở giao dịch VIB Hà Nội là bao nhiêu đồng thời kiểm tra sự khớp đúng giữa thực tế với nội dung báo cáo.
- Tăng cường kiểm tra định kỳ tài sản bảo đảm khoản vay. Chi nhánh cần thực hiện việc đánh giá lại định kỳ tài sản bảo đảm của khách hàng nhằm thực hiện tốt việc áp dụng chính sách bảo đảm tiền vay với khách hàng, và bảo đảm an toàn cho ngân hàng trong tình huống rủi ro xảy ra. Nếu tài sản đảm bảo có dấu hiệu giảm giá trị, ngân hàng cần yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản bảo đảm để đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với chính sách bảo đảm chung của toàn hệ thống VIB.