Do các nghiệp vụ ngân hàng đối ngoại liên quan đến thông lệ, tập quán quốc tế và luật pháp quốc gia, do đó, những cán bộ kinh doanh ngân hàng đối ngoại, trước hết phải thạo ngôn ngữ nghiệp vụ, tinh thông nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm thực tế, đủ năng lực và có tính chuyên nghiệp cao. Ngoài ra, để một ngân hàng thương mại có thể tham gia tài trợ xuất nhập khẩu đảm bảo được an toàn và đạt được hiệu quả, ngân hàng cần có thêm một số điều kiện khác.
Do hoạt động ngân hàng đối ngoại gắn chặt với hoạt động ngoại thương, hơn nữa, một thương vụ thường trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, làm phát sinh những loại hình nghiệp vụ ngân hàng quốc tế tương ứng. Do dó, ngân hàng thương mại phải xây dựng được một chu trình kinh doanh các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế khép kín. Tuy nhiên, sẽ là không hiệu quả (thậm chí không khả thi) nếu như các công đoạn của một thương vụ lại được tách riêng ra để các ngân hàng khác nhau tham gia xử lý. Điều này sẽ khó chấp nhận xét từ góc độ ngân hàng và cả từ khách hàng. Ví dụ:
- Thứ nhất, nếu một ngân hàng tài trợ cho một nhà xuất khẩu, nhưng bộ chứng từ thanh toán lại được xuất trình thanh toán ở ngân hàng khác, do đó, ngân hàng tài trợ sẽ gặp rủi ro là không thu hồi được khoản cho vay. Điều này hàm ý, để hoạt động tài trợ xuất khẩu mang lại hiệu quả thì ngân hàng tài trợ phải tham gia hoạt động thanh toán quốc tế với vai trò là ngân hàng thông báo và ngân hàng chiết khấu bộ chứng từ.
- Thứ hai, khi nhà xuất khẩu thu về bằng ngoại tệ, nhưng vì không hoạt động kinh doanh ngoại hối, buộc nhà xuất khẩu phải bán ngoại tệ tại một ngân hàng khác, làm cho ngân hàng tài trợ cho thương vụ này trở nên bị rủi ro...
Hoạt động dịch vụ ngân hàng khép kín sẽ tăng được phí dịch vụ và hoa hồng cho ngân hàng, nâng cao khả năng phòng chống rủi ro và thu hút được nhiều khách hàng truyền thống. Đây đang là xu hướng hoạt động tích cực của các ngân hàng hiện đại.
Các ngân hàng thương mại phải có hệ thống các ngân hàng đại lý rộng khắp, quan hệ chặt chẽ và không ngừng được củng cố. Để làm được điều này thì quy mô kinh doanh của ngân hàng phải đủ lớn để tạo uy tín trên thương trường, trên cơ sở đó hình thành các mối quan hệ ngân hàng đại lý trong các dịch vụ ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng đại lý ở các nước không chỉ là đối tác kinh doanh quan trọng, mà còn là tai mắt và nguồn cung cấp thông tin và tư vấn đáng tin cậy về khách hàng ở nước ngoài trong các thương vụ và các giao dịch khác có liên quan.
Bảo đảm mối quan hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với các cơ quan cung ứng dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như các tổ chức bảo hiểm và bảo lãnh, cục xúc tiến thương mại (nếu có).. .cũng là một điều kiện quan trọng.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, hệ thống kỹ thuật và công nghệ hiện đại đáp ứng được các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, bảo đảm thông suốt với hệ thống ngân hàng thế giới và đảm bảo được an toàn trong kinh doanh của ngân hàng. Hệ thống kỹ thuật này bao gồm: mạng SWIFT, hệ thống vi tính (đặc biệt là máy chủ), nối mạng Reuter, máy fax.
Các loại tài trợ xuất khẩu ngắn hạn:
- Tài trợ vốn lưu động và tài trợ ngoại thương
- Tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng: tài trợ cho từng thương vụ độc lập và tín dụng hạn mức trước khi giao hàng.
- Tài trợ sau khi giao hàng: bao gồm các công cụ phát sinh sau khi hàng hoá đã được gửi cho nhà nhập khẩu nước ngoài như: bộ chứng từ hàng xuất, hối phiếu đã chấp nhận còn thời hạn.
1.5.Kinh nghiệm của một số ngân hàng nước ngoài trong việc mở rộng khách hàng và phát triển TTQT
Có thể thấy một số ưu điểm nổi bật cũng là tạo ra lợi thế để thu hút khách hàng và đẩy mạnh hoạt động TTQT trong hoạt động của các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như ANZ, HSBC... như sau:
- Có nhiều tiềm lực về vốn ngoại tệ, có trình độ quản lý chuyên môn cao, công nghệ hiện đại.
- Có hệ thống các ngân hàng đại lý rộng lớn với mối quan hệ chặt chẽ trên khắp thế giới. Là các ngân hàng có uy tín trên thế giới nên mối quan hệ này mang đến cho họ nhiều các giao dịch thanh toán hàng xuất khẩu như: thông báo L/C, đại lý nhận tiền..
- Công tác Marketing của các ngân hàng này rất tốt: họ luôn chủ động tìm đến với khách hàng, tìm hiểu những nhu cầu lợi ích mà khách hàng trông đợi, từ đó đưa ra những dịch vụ thoả mãn tối đa nhu cầu khách hàng. Ví dụ: Citibank khi đến Việt Nam đã cung cấp cho các khách hàng dịch vụ thanh toán thuận tiện với các phương thức khác nhau bao gồm: ứng trước, tài khoản mở, ký thác, nhờ thu và thư tín dụng. Bên cạnh đó, họ còn phát triển một số dịch vụ hỗ trợ như: tư vấn thương mại, dịch vụ quản lý rủi ro và tài trợ mậu dịch (tài trợ trước và sau khi chuyển hàng, tín dụng xuất khẩu), cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử.
- Giao L/C đến tận tay người xuất khẩu.
- Thu hút khách hàng mới bằng việc hạ thấp phí dịch vụ, lãi suất cho vay chiết khấu và mức ký quỹ, sau một thời gian mới nâng dần lên một cách hợp lý.
- Phối hợp tín dụng thanh toán trong một chu trình khép kín. Cấp hạn mức xuất nhập khẩu cho từng khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của khách hàng, nhất là khách hàng thường xuyên giao dịch.
- Đơn giản hoá các thủ tục, cố gắng để khách hàng chỉ phải giao dịch tại một phòng, thậm chí một nhân viên. Ví dụ: Maybank, ANZ, nhân viên được phân công phụ trách cả việc cho vay lẫn thanh toán. Do vậy, khách hàng và ngân hàng hiểu và thông cảm việc của nhau hơn, đồng thời ngân hàng có điều kiện theo dõi chặt chẽ việc sử dụng vốn của khách hàng, vừa giảm được rủi ro vừa có chính sách thích hợp để giữ vững mối quan hệ với khách hàng.
Tóm lại, Chương I đã đưa ra những lý luận chung về TTQT, cũng như kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong hoạt động TTQT. Từ đó, ta có những hiểu biết đầy đủ, cụ thể hơn về hoạt động này và có cái nhìn một cách tổng quát, nhận ra được những ưu điểm nổi bật trong hoạt động TTQT ở những ngân hàng có cùng tính chất sở hữu; để có thể đóng góp ý kiến làm cho hoạt động TTQT trở nên tốt hơn ở ngân hàng mình đang làm việc.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA CÁC
DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC TẠI NGÂN HÀNG SHINHANVINA CHI NHÁNH HÀ NỘI
TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010