Kiến nghị về chính sách của Nhà nước

Một phần của tài liệu 0139 giải pháp mở rộng hoạt động thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp hàn quốc tại NH SHINHANVINA chi nhánh hà nội luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 108 - 112)

“Việt Nam vân là một nước có quá nhiều giao dịch bằng giấy tờ... đặc biệt đối với những giao dịch kinh tế thông thường”. Ông Ashok Sud (Phó chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam) đã thốt lên như vậy khi trao đổi với báo giới và các doanh nghiệp trong hội nghị “Hợp tác vì môi trường kinh doanh tốt hơn” do VCCI tổ chức. Câu nói đó của ông cũng đủ để giải thích cho lý do tại sao một số doanh nghiệp nước ngoài thờ ơ hay thậm chí cảm thấy “khó chịu” với thị trường Việt Nam. Ông Ashok Sud đưa ra trường hợp của Unilever để minh họa. Mỗi tháng Unilever nhận được khoảng 20 nghìn đơn đặt hàng. Việc giao dịch chủ yếu bằng giấy tờ đã khiến cho hiệu quả công việc giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, luật giao dịch điện tử ở nước ta đã được ban hành từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi một cách hiệu quả. “Chúng tôi mong đợi sự hướng dẫn rõ ràng về điều luật này nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như cơ sở hạ tầng giao dịch điện tử của Việt Nam”, ông Ashok Sud nói.

Như vậy, vấn đề thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu từ lâu đã trở thành rào cản khó gỡ trong các hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, muốn giữ chân doanh nghiệp và thu hút đầu tư, kinh tế gia lừng danh Paul Krungman trong buổi tọa đàm về ảnh hưởng của khủng hoảng đến kinh tế tại Việt Nam cho rằng, cần phải sửa đổi những yếu kém từ nội tại. Vị chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2008 cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam nên tập trung vào chấn chỉnh hệ thống giáo dục, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và cảnh giác trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tiếp theo bằng nhiều biện pháp như cải tiến hệ thống tài chính, tiền tệ... Theo giáo sư Paul Krungman thì mức độ chịu tác động khủng hoảng ở mỗi nước sẽ tùy thuộc vào chính những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước đó. Việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ khó khăn và càng khó khăn nếu chúng ta không sửa đổi những yếu kém nội tại. Ý kiến của giáo sư Paul Krungman và ông Ashok Sud cũng là một kiến nghị được đưa ra đối với các cơ quan quản lý vĩ mô của Nhà nước nhằm thu hút FDI vào Việt Nam, tạo điều kiện để Thanh toán quốc tế của các ngân hàng phát triển nói chung, cho Shinhanvina Hà Nội nói riêng.

Mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới có một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thanh toán quốc tế. Chỉ có mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác kinh tế, cải cách hành chính mới có thể mở rộng hoạt động thanh toán quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác triệt để lợi thế so sánh, đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ bù đắp các khoản chi ngoại tệ trong nước. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, tạo việc làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, thu hút được dòng ngoại tệ chảy vào Việt Nam, góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán quốc tế phát triển.

Quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc được đánh giá như là một quan hệ hợp tác song phương đầy triển vọng. Năm tới, 2012, hai bên sẽ tổng kết mối quan hệ hợp tác trong vòng 20 năm qua. Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng trưởng mạnh và bền vững. Cụ thể, kim ngạch thương mại năm 2010 tăng gấp 86 lần so với năm 1990 và cao hơn nhiều so với 10 tỷ đô la mà hai quốc gia dự kiến trong năm 2010. Đặc biệt, để tháo gỡ thâm hụt thương mại, thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng các sản phẩm để xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn sang Hàn Quốc.

Ngoài ra, để có thể mở rộng quan hệ ngoại giao thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phải tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, một hành lang pháp lý cho đầu tư, đủ sức thu hút khách nước ngoài. Chính trị ổn định kèm theo những văn bản pháp lý chặt chẽ bảo vệ cho việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao kinh tế với nước ngoài. Bên cạnh việc ban hành luật pháp, chúng ta phải chú trọng tới việc thi hành pháp luật tránh xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế trong thời gian qua, mặc dù hoạt động thương mại đã được mở rộng, tình hình xuất khẩu đã được đẩy mạnh, nhưng Việt Nam vẫn là một nước nhập siêu. Cán cân thanh toán quốc tế luôn ở tình trạng thâm hụt, tình trạng thiếu ngoại tệ là không thể không xảy ra. Bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Nhà nước cần có biện pháp quản lý hoạt động nhập khẩu, tránh tình trạng nhập những hàng hoá mà trong nước có khả năng sản xuất.

Cần khai thác có hiệu quả tiềm năng về tài nguyên, sức lao động để cải tiến cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu cho phù hợp với nhu cầu thế giới và tình hình trong nước. Phải tiến hành điều tra nghiên cứu thị trường nước ngoài, xác

định nhu cầu thị trường nước ngoài một cách chính xác giúp hoạt động xuất nhập khẩu có hiệu quả hơn.

Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giải pháp lớn nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại chính là sự bắt tay, nỗ lực liên kết giữa doanh nghiệp hai phía trong đó có sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ hai nước.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến nay đã có 2.810 dự án với tổng vốn đầu tư gần 23 tỷ USD vào Việt Nam. Hàn Quốc trở thành nước đầu tư lớn thứ hai về vốn và là quốc gia có nhiều dự án FDI vào Việt Nam nhất. Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng cho sự hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần cho hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu phát triển qua Shinhanvina Hà Nội.

Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh hoạt động TTQT và kinh doanh tiền tệ đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Ban hành các chính sách và cơ chế thích hợp, vừa phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết của WTO trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, vừa bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ngân hàng trong nước trước sự tham gia ngày càng rộng lớn của các tập đoàn tài chính lớn nước ngoài. Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng trong việc đầu tư nhằm hiện đại hóa ngân hàng. Công tác xúc tiến thương mại cần được củng cố và duy trì thường xuyên, thông qua các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, giới thiệu các ngân hàng trong nước với nước ngoài, đồng thời cung cấp các thông tin về các ngân hàng nước ngoài cho các ngân hàng trong nước.

Tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu nói riêng, là nền tảng và cơ sở cho sự tăng trưởng hoạt động thanh toán quốc tế.

Vì vậy, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy xuất nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho giao dịch thanh toán quốc tế nói chung và thanh toán tín dụng chứng từ nói riêng phát triển. Hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng phát triển mạnh. Việt Nam đã gia nhập WTO, Chính phủ càng cần xúc tiến và có chính sách mở rộng quan hệ hợp tác theo tinh thần đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá quan hệ kinh tế và có sự điều chỉnh hợp lý các chính sách về quan hệ kinh tế đối ngoại, biểu thuế xuất nhập khẩu.

Ngành Hải quan cần cải cách hệ thống ban hành thủ tục giấy tờ liên quan đến giao nhận hàng hóa ngoại thương để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, phổ biến rộng rãi về chế độ thủ tục giấy tờ để cán bộ ngoại thương và cán bộ ngân hàng có thể hoàn thành công việc của mình với chất lượng cao nhất.

Một phần của tài liệu 0139 giải pháp mở rộng hoạt động thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp hàn quốc tại NH SHINHANVINA chi nhánh hà nội luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(121 trang)
w