- Thứ nhất, đó là sự khác biệt giữa số chi phí kế toán và chi phí cơ hội: Các dữ liệu về chi phí sản xuất thường được lấy theo số liệu trong các báo cáo kế toán, và do vậy nó thường không tương đồng với quan điểm về kinh tế trong kinh tế học (có bao gồm chi phí ẩn mà chi phí kế toán không đề cập đến).
- Thứ hai, các chi phí cần phải được phân bố chính xác theo đúng số lượng sản phẩm sản xuất tương ứng. Điều này có nghĩa là các chi phí phải được phân bố theo giai đoạn sản xuất chứ không phải thời gian chi phí phát sinh. Cụ thể là những khoản chi phí trả trước hoặc trả sau cần phải được điều chỉnh để có được sự tương ứng chính xác giữa chi phí và đầu ra.
- Thứ ba, khi ước lượng chi phí sản xuất, chúng ta giả định rằng chi phí chỉ phụ thuộc vào sản lượng, điều đó có nghĩa là giá cả của các yếu tố đầu vào phải là cố định. Vì thế, dữ liệu về chi phí sản xuất phải được tính toán theo giá trị thực tế chứ không phải là giá trị danh nghĩa để đảm bảo tác động của lạm phát được loại bỏ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các đầu vào khác nhau có thể có những mức tăng giá khác nhau. Và do vậy, để đảm bảo độ chính xác, nên sử dụng chỉ số giá cho từng loại đầu vào (nếu có thể) để thu được chính xác các giá trị thực tế của các chi phí theo từng yếu tố đầu vào.
- Thứ tư, nhà quản lý cũng cần xác định khoảng thời gian đo lường chi phí để ước lượng hàm sản xuất theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo quý hay theo năm. Khoảng thời gian này phải đủ dài để đảm bảo có sự biến động rõ ràng trong sản lượng và chi phí sản xuất nhưng không quá dài khiến cho quy mô sản xuất của doanh nghiệp
bị thay đổi (khi đó doanh nghiệp là sản xuất trong dài hạn chứ không phải trong ngắn hạn nữa).