Quy trình tín dụng chính là bộ khung xương mà dựa vào đó cán bộ tín dụng thực hiện những khoản cấp tín dụng. Nguyên nhân của những nợ xấu xuất phát chính từ việc không tuân thủ theo quy trình tín dụng. Sau khi thu thập thông tin khách hàng, các khâu phân tích, đánh giá, thẩm định giám sát các khoản vay phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Đây là công việc bắt buộc đối với mỗi cán bộ tín dụng tại Agribank Tam Dương, ban lãnh đạo cần chấn chỉnh các cán bộ về việc tuân thủ kiểm tra giám sát sau khi thực hiện cho vay.
Mục tiêu của biện pháp là nhằm sớm phát hiện ra các rủi ro để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, giảm thiểu tổn thất cho ngân hàng. Những nội dung mà cán bộ Agribank Tam Dương cần thực hiện cụ thể:
- Ngoài các báo cáo tài chính, các cán bộ tín dụng cần chủ động xuống tận cơ sở để kiểm tra, việc kiểm tra phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh, nên tiến hành mỗi quý một lần. Theo dõi tình hình thị trường, ngành hàng sản xuất kinh doanh của khách hàng có ảnh đến vốn vay của ngân hàng.
- Đánh giá lại tài sản thế chấp theo giá hiện hành, nếu giảm so với giá thế chấp cần phải bổ sung tài sản thế chấp khác hoặc dư nợ giảm tương ứng. Đối với các khoản vay lớn cần có một bộ phận chuyên trách đánh giá.
- Chi nhánh cần quy định việc cán bộ tín dụng xuống cơ sở khách hàng để thu nợ khi tới kỳ hạn. Quy định này thể hiện sự quan tâm theo dõi sát sao của ngân hàng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nâng cao ý thức trách nhiệm với khoản vay.
- Báo cáo về tình hình hoạt động của khách hàng sau khi giải ngân kịp thời theo đúng yêu cầu là một sự hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm soát, quản trị rủi ro. Định kỳ, nội dung báo cáo nên được áp dụng như sau: Báo cáo cho HĐQT và Tổng Giám Đốc tập hợp theo tuần tháng hoặc quý, tập trung vào
phần đánh giá chung, chiến lược quản trị và các biện pháp khắc phục. Còn báo cáo cho các cán bộ lãnh đạo chuyên trách nghiệp vụ nên định kỳ hằng ngày, và đi sâu, chi tiết vào từng loại rủi ro.
Như đã trình bày ở phần thực trạng, các khoản cho vay của chi nhánh chủ yếu là các khoản vay nhỏ lẻ mà số lượng các khoản vay rất lớn nên cán bộ tín dụng khó có thể bao quát từ khâu tiếp thị, cho vay và quản lý tất cả các khoản vay. Do vậy, thành lập một bộ phận chuyên trách quản lý các khoản vay sau khi đã giải ngân sẽ giúp đảm bảo cho chi nhánh có được những khoản tín dụng an toàn.