a. Ảnh hưởng của nợ xấu đến ngân hàng thương mại
Một là, nợ xấu làm giảm uy tín của ngân hàng. Nợ xấu của ngân hàng càng cao thì sẽ làm giảm uy tín, thương hiệu, hình ảnh và sức cạnh tranh với các ngân hàng khác. Khi uy tín của ngân hàng giảm, dẫn đến việc thu hút vốn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nợ xấu cao còn hạn chế khả năng cho vay do ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Hai là, nợ xấu ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của ngân hàngdo nguồn
vốn của ngân hàng dùng để cho vay chính là nguồn vốn huy động được. Khi ngân
hàng có nợ xấu cao, tức khả năng thu hồi vốn thấp, trong khi đó các khoản tiền huy động của ngân hàng đến hạn thanh toán. Đến đây, tính thanh khoản của ngân
hàng sẽ gặp khó khăn, khả năng thanh toán của ngân hàng bị giảm sút.
Ba là, nợ xấu làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Nguồn thu chính của ngân hàng thường là các khoản thu từ lãi và thu ngoài lãi. Khi nợ xấu của ngân hàng cao và kéo dài, sẽ dẫn đến nguồn thu chính không đảm bảo và điều này sẽ dẫn đến giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Bốn là, nợ xấu có thể làm phá sản ngân hàng. Khi nợ xấu xảy ra tức là ngân hàng không thu hồi đủ vốn cho vay, trong khi chi phí dự phòng tăng làm giảm lợi nhuận ngân hàng, giảm tích lũy để đầu tư mới. Nợ xấu tăng có thể làm cho ngân hàng thua lỗ, đến một lúc nào đó, ngân hàng không thể trả cho người gửi tiền khi đến hạn, ngân hàng sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và buộc phải đi vay tại các TCTD khác hoặc chịu sự can thiệp của NHNN, hoặc có thể phá sản.
Năm là, nợ xấu làm giảm khả năng hội nhập.Khi một ngân hàng bị đánh giá là nợ xấu cao thì sẽ làm uy tín của ngân hàng giảm sút, sự hợp tác với các đối tác của ngân hàng đó giảm đi, từ đó sẽ làm giảm khả năng hội nhập của ngân hàng.
b. Ảnh hưởng của nợ xấu đến nền kinh tế
Nợ xấu cao là nỗi lo của Chính phủ, các NHTM cũng như người dân bởi nó tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm tắc nghẽn dòng vốn và đe dọa an toàn tài chính quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Ảnh hưởng của nợ xấu tới nền kinh tế được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Một là, khi nợ xấu gia tăng gây trì trệ nền kinh tế. Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, do đó lượng vốn đưa vào lưu thông bị hạn chế. Nếu nợ xấu tăng quá cao ngân hàng không được phép cho vay đồng nghĩa với dòng huyết mạch của nền kinh tế bị nghẽn lại, các thành phần khác của nền kinh tế (doanh nghiệp, hộ sản xuất,...) cũng không thể tiếp tục kinh doanh. Trường hợp Nhật Bản là một ví dụ, năm 2000 Nhật Bản đã phải chịu cả một “thập kỷ đánh mất” không tăng trưởng do nợ xấu quá cao. Điều này sẽ gây ra những tác động xã hội như thất nghiệp, an sinh xã hội.
Hai là, nợ xấu tăng đe dọa an toàn hoạt động của cả hệ thống ngân hàng. Nếu nợ xấu không được xử lý kịp thời, có thể gây ra sự đổ vỡ của một số ngân hàng yếu kém, khi đó nó có thể gây ra tác động lan truyền đến cả hệ thống ngân hàng, gây mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, của các tổ chức quốc tế. Nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính quốc gia.