Phát triển logistics quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ logistic tại một số nước châu á thái bình dương và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 29)

1.3.1. Các yếu tố cấu thành hệ thống logistics quốc gia

Mỗi hệ thống logistics quốc gia được cấu thành bởi bốn yếu tố logistics có quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là hạ tầng cở sở, khung thể chế, người sử dụng và nhà cung cấp.

Nguồn: (V. T. Vịnh và các tác giả, 2015)

Hình 1.1: Hệ thống Logistics quốc gia

❖ Hạ tầng cơ sở logistics bao gồm hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin.

Hạ tầng cơ sở vật chất logistics bao gồm toàn bộ hạ tầng cơ sở giao thông (hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không, đường ống, hệ thống biển báo, trạm giao thông, nhà ga, sân bay, bến cảng, các phương tiện vận

chuyển) và hệ thống các cảng thông quan, kho bãi, trạm trung chuyển, các trung tâm logistics. Hạ tầng công nghệ thông tin logistics bao gồm hệ thống mạng lưới điện thoại cố định, di động, vệ tinh, internet, cáp viễn thông, các trung tâm điều hành, trạm thu phát sóng đảm bảo cho quá trình truyền thông diễn ra.

❖ Khung thể chế logistics

Logistics là một chuỗi các hoạt động rất phức tạp, do đó có thể chịu tác động củac nhiều quy định, tập quán,hệ thống văn bản luật pháp của một quốc gia,đồng thời có thể chịu tác động bởi thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế và quy định, thông lệ của nước ngoài. Trong phạm vi một quốc gia, các quy định pháp lý liên quan đến các hoạt động trong chuỗi logistics, các chế tài áp dụng cùng bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện hình thành nên môi trường pháp lý nội địa hay khung thể chế logistics (N. C. Trí, 2012).

❖ Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP- Logistics Service Provider)

LSP là các công ty bán dịch vụ logistics cho khách hàng. Các LSP thu được lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ cho rất nhiều hoạt động logistics trong chuỗi cung ứng chứ không phải là một nhà cung cấp dịch vụ vận tải giao nhận đơn thuần. Bởi vậy, LSP hiện nay có thể là các hãng tham gia hoạt động vận tải (freight carrier); các công ty vận tải biển; các công ty vận tải đường sắt; các chủ kho bãi (warehouse firms); người giao nhận (freight forwarder); các công ty chuyển phát nhanh; các nhà cung cấp 3PL và 4PL, 5PL (Vân & Lệ, 2013).

❖ Người sử dụng dịch vụ logistics

Người sử dụng các dịch vụ logistics có thể là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa (manufacturers); các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu (suppliers); các nhà bán buôn (wholesalers); những người bán lẻ (retailers); người gửi hàng (consignors); người nhận hàng (consignees) - những người khi có nhu cầu đối với một hay nhiều dịch vụ logistics nào đó cho hàng hoá. Một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cũng có thể là khách hàng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác khi doanh nghiệp này không đủ khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình. Trong xu thế toàn cầu hoá và phân công lao động quốc tế hiện nay, các công

ty đa quốc gia có xu hướng giao trọn gói cho các công ty logistics thiết kế và cung cấp toàn bộ dây chuyền cung ứng nguyên vật liệu và phân phối hàng hoá cho công ty của họ (Spring M., 2007).

1.3.2. Nội dung phát triển logistics quốc gia

Phát triển logistics quốc gia là quá trình hoàn thiện về mọi mặt, gia tăng cả về mặt lượng và mặt chất của các yếu tố cấu thành hệ thống logistics quốc gia, bao gồm phát triển hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng khung thể chế thuận lợi cho phát triển logistics, phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics và phát triển cầu về dịch vụ logistics nhằm tạo dựng những điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho hoạt động logistics doanh nghiệp thực hiện hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ngành dịch vụ logistics (V. T. Q. Anh, 2014).

Mục tiêu của phát triển logistics quốc gia là tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Việc phát triển logistics quốc gia sẽ tạo dựng những điều kiện cho hoạt động logistics doanh nghiệp thực hiện hiệu quả, là điều kiện trực tiếp đem lại tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp (V. T. Vịnh và các tác giả, 2015). Nếu hoạt động logistics doanh nghiệp hiệu quả, đạt mục tiêu có được yếu tố cần thiết vào đúng thời điểm, đúng vị trí với chi phí thấp nhất sẽ làm giảm giá thành sản phẩm và thỏa mãn tối đa nhu cầu người tiêu dùng, vì thế sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường và gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.

❖ Phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin Hạ tầng cơ sở vật chất tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên chở cũng như bảo quản hàng hóa và trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí logistics của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nói, hạ tầng cơ sở logistics có vai trò quan trọng đối với sự phát triển logistics của một quốc gia. Sự phát triển và trình độ của hạ tầng cơ sở có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động logistics khác nhau của cả nền kinh tế, các vùng/khu vực kinh tế, các ngành và các doanh nghiệp. Nếu hạ tầng cơ sở vật chất không phát triển, hệ thống logistics của cả doanh nghiệp lẫn các vùng, ngành khác nhau rất khó phát huy hiệu quả, từ đó hạn chế sự giao thương trong nội bộ nền kinh tế cũng như với nước

ngoài, đồng thời chi phí vận chuyển cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa. Ngược lại, hạ tầng cơ sở vật chất phát triển sẽ khiến các hoạt động logistics có hiệu quả hơn, giảm chi phí và tăng chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu của tác giả V. T. Q. Anh (2014) đã chỉ ra rằng phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất logistics bao gồm các nội dung chủ yếu:

- Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông: đường bộ (các loại đường, tuyến đường, các loại cầu, các phương tiện vận chuyển, các bãi đỗ, hệ thống biển báo, thu phí), đường sắt (hệ thống đường ray, cầu, đường hầm, nhà ga, các loại tàu, hệ thống tín hiệu), đường thủy (cảng biển, cảng sông, hệ thống luồng, lạch, đội tàu và các yếu tố phụ trợ), đường hàng không (sân bay, đường bay, máy bay và các hệ thống phụ trợ) và đường ống (hệ thống ống dẫn, kho chứa). Các tuyến đường được phát triển và mở rộng giúp cho việc lưu thông hàng hóa dễ dàng, vận chuyển nhanh chóng.

- Phát triển hệ thống kho chứa, bến bãi, cảng thông quan nội địa. Các kho chứa, bến bãi, cảng thông quan là những điểm dừng trong quá trình vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng với mục đích chứa, lưu trữ hoặc tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. Hệ thống kho chứa, bến bãi không đủ, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không được bố trí hợp lý sẽ cản trở quá trình lưu thông hàng hóa, làm tăng chi phí, tăng giá thành và có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Hệ thống các cảng thông quan ICD được xây dựng nằm sâu trong nội địa với chức năng thông quan hàng hóa và lưu trữ hàng trong thời gian chờ thông quan sẽ giảm sự quá tải cho các cảng biển và giúp hoạt động xuất nhập khẩu sẽ trở nên thuận lợi hơn.

- Xây dựng các trung tâm logistics (còn gọi là Công viên logistics - Logistics Park). Các trung tâm logistics là nơi tập trung các doanh nghiệp logistics, có thể được xây dựng trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Việc phát triển các khu logistics tập trung sẽ có lợi cho việc qui mô hóa và chuyên nghiệp hóa, phát huy được ưu thế của toàn hệ thống doanh nghiệp logistics và hỗ trợ lẫn nhau khi thực hiện các hoạt động logistics vượt qua biên giới hoặc hình thành sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics cùng xây dựng liên minh chiến lược nhằm mở rộng thị trường logistics quốc tế để chiếm được thị phần lớn hơn và tăng tốc phát triển các dịch vụ tích hợp giữa các doanh nghiệp logistics.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, để thúc đẩy logistics quốc gia phát triển còn cần thiết phải phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Với bản chất là các hoạt động kết nối giữa các khâu, các giai đoạn của quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa - dịch vụ, hoạt động logistics của doanh nghiệp nói riêng và ngành dịch vụ logistics của một quốc gia không thể có hiệu quả và không thể phát triển được nếu không có hạ tầng cơ sở thông tin phát triển đảm bảo thực hiện quản lý dữ liệu và thực hiện kết nối giữa các chủ thể, các giai đoạn nhanh, chính xác và tin cậy. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm phát triển mạng lưới điện thoại cố định, di động, vệ tinh, internet, cáp viễn thông đảm bảo quá trình truyền thông và lưu trữ được dảm bảo nhanh chóng, chính xác và an toàn.

❖ Thiết lập khung thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho logistics phát triển

Để tạo điều kiện thuận lợi cho logistics phát triển, trước hết cần thiết lập môi trường chính trị- kinh tế - xã hội vĩ mô ổn định (Quỳnh & Chương, 2010). Ngoài việc tạo dựng môi trường kinh tế - xã hội vĩ mô, để thúc đẩy logistics phát triển, cần tạo dựng các khung khổ liên quan đến thể chế, chính sách, cơ chế quản lý, thực hiện tất cả các khâu trong chuỗi hoạt động logistics của doanh nghiệp. Trong khung thể chế tác động đến phát triển logistics, các chính sách về hải quan, thông quan thường được quan tâm hơn cả. Các chính sách này tác động trực tiếp đến hiệu quả, chi phí và tốc độ hoạt động logistics trong xu thế mở cửa và hội nhập nền kinh tế toàn cầu hiện nay (Đ. T. T. Hương, 2010).

Các chính sách về hải quan, thông quan, kiểm hóa cần phải giảm thiểu số công đoạn, số thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho logistics doanh nghiệp, tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Việc tạo dựng khung khổ thể chế thúc đẩy sự phát triển logistics quốc gia còn liên quan đến việc ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển ngành logistics như: ưu đãi thuế, ưu đãi lãi suất vay vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực logistics (N. T. T. Hà, 2014).

Phát triển nguồn cung dịch vụ logistics (phát triển các LSP) bao gồm sự gia tăng về số lượng, quy mô, năng lực các nhà cung cấp, sự mở rộng các dịch vụ logistics cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo độ tin cậy cao, sự gia tăng mở rộng thị trường, gia tăng khả năng kết nối giữa các khu vực và gia tăng chất lượng nguồn nhân lực logistics.

❖ Phát triển cầu dịch vụ logistics

Phát triển nguồn cầu dịch vụ logistics liên quan đến việc gia tăng số lượng người sử dụng dịch vụ logistics đến từ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, các nhà bán buôn, những người bán lẻ, người gửi hàng, người nhận hàng và gia tăng số lượng dịch vụ mà họ muốn được cung ứng (thuê ngoài). Trong 4 yếu tố cấu thành hệ thống logistics quốc gia, yếu tố cầu về dịch vụ logistics là yếu tố ít chịu tác động bởi những chính sách của nhà nước hơn cả, bởi lẽ, nhu cầu thuê ngoài các dịch vụ logistics của các doanh nghiệp phụ thuộc vào quy mô, trình độ phát triển chuyên môn hóa, tâm lý, thói quen của doanh nghiệp và phụ thuộc vào chính khả năng, chất lượng dịch vụ, độ tin cậy của nhà cung cấp dịch vụ LSP (V. T. Q. Anh, 2014).

1.3.3. Các tiêu chí đánh giá sự phát triển logistics quốc gia

Theo quan điểm của WB, hiệu quả logistics được đánh giá dựa trên chỉ số LPI - là viết tắt của từ tiếng Anh “Logistics performance index”, có nghĩa là chỉ số năng lực quốc gia về Logistics, do WB tiến hành điều tra, nghiên cứu và công bố trong báo cáo mang tên “Kết nối để cạnh tranh - ngành logistics trong nền kinh tế toàn cầu”. Cuộc khảo sát LPI tiến hành theo chu kì 2 hoặc 3 năm 1 lần, đến nay đã có 5 báo cáo về LPI phát hành bởi WB vào các năm 2007, 2010 và 2012, 2014, 2016.

Việc sử dụng chỉ số LPI cho phép chúng ta dễ dàng đánh giá năng lực, hiệu quả logistics qua thời gian và thực hiện so sánh, đối chiếu giữa các quốc gia khác nhau (Marti L. et al, 2014). LPI cũng là nguồn thông tin quan trọng đối với những nhà làm chính sách, thương nhân, các nhà nghiên cứu về vai trò của logistics trong tăng trưởng kinh tế. Qua đó các quốc gia có thể cải thiện hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh

tranh qua việc cải thiện các vấn đề, khu vực còn yếu kém trong phát triển hoạt động logistics.

Tại Việt Nam, tác giả H. T. T. Hòa (2014) đề xuất một mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ logistics bao gồm nguồn lực (resources), kết quả thực hiện (performance), hình ảnh trước công chúng (public image), quản lý (management), quy trình (process). Tác giả khẳng định áp dụng mô hình này cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ giúp cho công tác đánh giá chất lượng dịch vụ logistics chính xác hơn khi căn cứ vào các tiêu chí tổng hợp đánh giá chất lượng cụ thể kết hợp giữa loại ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội.

Nguồn: (H. T. T. Hòa, 2014)

Hình 1.2: Mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ logistics

Theo quan điểm của Ngân hàng phát triển châu Á (Asia Development Bank, 2011) và V. T. Vịnh và các tác giả (2015), năng lực của hệ thống logistics quốc gia được đánh giá dựa trên 4 yếu tố: hạ tầng cơ sở logistics, khung thể chế logistics, người sử dụng dịch vụ logistics và nhà cung cấp dịch vụ logistics. Đây cũng là các tiêu chí chính được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu ở các phần tiếp theo của bài luận văn:

Sự phát triển hạ tầng cơ sở logistics: (1) Năng lực và hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải; (2) Tỷ trọng của vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải trong GDP; (3) Năng lực và sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin.

Sự phát triển của khung khổ thể chế, luật pháp liên quan đến logistics: (1) Độ mở của nền kinh tế, tính bằng tỷ trọng của xuất nhập khẩu trong GDP; (2) Các chính sách ưu đãi đối với kinh doanh logistics, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút doanh nghiệp logistics nước ngoài; (3) Sự phối hợp và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về logistics; (4) Chính sách hải quan, quy định thông quan: thời gian bình quân để làm các thủ tục hành chính, số lượng chứng từ bình quân mỗi giao dịch (xuất khẩu/nhập khẩu), số chữ ký bình quân mỗi giao dịch, tỷ lệ % số container bị thanh tra, kiểm tra.

Năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics: (1) Số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; (2) Quy mô, năng lực các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; (3) Số lượng các dịch vụ logistics được cung cấp; (4) Chất lượng cung ứng dịch vụ logistics của các nhà cung cấp; độ tin cậy của nhà cung cấp; khả năng truy xuất tình trạng hàng hóa sau khi gửi; sự chính xác của chứng từ, hóa đơn, giấy tờ; (5) Mức độ kết nối thị trường logistics khu vực và thế giới; (6) Chất lượng nguồn nhân lực logistics.

Năng lực của của người sử dụng dịch vụ logistics: (1) Quy mô doanh nghiệp, tập quán kinh doanh, trình độ phát triển của dịch vụ logistics, các hệ thống logistics được thiết kế cho những hàng hóa chủ yếu ảnh hưởng đến mức độ sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài của doanh nghiệp; (2) Số lượng các dịch vụ logistics thường được thuê ngoài; (3) Khả năng tiếp cận với các dịch vụ logistics.

1.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển logistics quốc gia

Hệ thống logistics quốc gia với 4 yếu tố cấu thành: hạ tầng cơ sở logistics, khung thể chế logistics, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ logistics liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau cả về tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển logistics quốc gia cũng rất đa dạng. Tác giả Anh V. T. Q. (2014) chia các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển logistics quốc gia thành 4 nhóm chính: (1) điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; (2) môi trường chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô; (3) trình độ phát triển của lực lượng sản xuất: chuyên môn hóa sản xuất, tham gia vào phân công lao động quốc tế và thị trường thế giới; (4) chiến lược, chính sách, vai trò của chính phủ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ logistic tại một số nước châu á thái bình dương và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)