Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ logistic tại một số nước châu á thái bình dương và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 93 - 95)

Theo Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), Việt Nam có khoảng 1200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, qui mô các doanh nghiệp logistics Việt Nam phần lớn là rất nhỏ (qui mô trung bình chỉ 1,5 tỷ đồng) và ra đời muộn so với các công ty nước ngoài.

Thứ hai, phạm vi hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam chủ yếu trong nội địa và ở một vài quốc gia khu vực. Trong khi các công ty nước ngoài hoạt động trên phạm vi rộng lớn (chẳng hạn APL hoạt động ở 100 quốc gia, Maersk hoạt động ở 60 quốc gia... )

Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ làm thuê một vài công đoạn trong cả chuỗi dịch vụ mà các doanh nghiệp nước ngoài giành được ngay trên thị trường Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ tập trung vào khai thác những mảng nhỏ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Thứ tư, nguồn nhân lực ngành dịch vụ logistics Việt Nam vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Việt Nam chưa có trường chuyên đào tạo về logistics. Kiến thức mà nhân viên có được là học từ nước ngoài, một số là từ các trường đại học chuyên ngành trong nước với kiến thức ít ỏi và thiếu cập nhật.

Thứ năm, hạ tầng công nghệ thông tin logistics còn yếu kém. Mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh nhưng vẫn còn kém xa so với các công ty nước ngoài.

Thứ sáu, các doanh nghiệp trong ngành logistics hầu hết hoạt động rời rạc, thiếu hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh với nhau.

Thực tế, việc quản lý logistics là một tập hợp các hoạt động của nhiều ngành, nhiều công đoạn trong một quy trình hoàn chỉnh, doanh nghiệp nào được ủy thác thực hiện toàn bộ các công việc liên quan đến cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, làm thủ tục phân phối… mới được công nhận là một LSP. Xét theo tiêu chí này, Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ khả năng để tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ logistics trong lĩnh vực vận tải biển chỉ đóng vai trò như những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, nghĩa là chỉ đảm nhận một phần trong chuỗi hoạt động logistics. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics phần lớn chỉ là các đại lý giao nhận truyền thống, một số rất ít là các đại lý giao nhận đóng vai trò người gom hàng và cấp vận đơn nhà (House Bill of Lading). Hiện nay đã có 25 công ty cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam

dưới nhiều hình thức khác nhau. Thông qua những dịch vụ liên kết với họ Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ họ để phát triển dịch vụ logistics chuyên nghiệp và hệ thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ logistic tại một số nước châu á thái bình dương và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 93 - 95)