Theo số liệu của Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), giai đoạn từ 2007-2013, thống kê 15/29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có 5.079 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền là 215,3 tỉ đồng (35,6 tỉ đồng/năm), số vụ tăng từ 723 vụ/năm 2007 lên 1.070 vụ/năm 2012 (Cổng thông tin Bảo hiểm Việt Nam, 2018).
Theo thống kê của Hiệp hội BH Việt Nam, từ năm 2007 đến năm 2014, tổng số vụ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm được các doanh nghiệp phát hiện và từ chối bồi thường lên tới 64 nghìn vụ, với tổng giá trị khoảng 850 tỷ đồng, tăng trung bình hơn 30%/năm. Tình trạng trục lợi xảy ra ở hầu hết các công đoạn trong chu trình bảo hiểm, từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường. Việc phát hiện những hành vi làm giả chứng cứ để trục lợi bảo hiểm là điều rất khó khăn, vì nhiều vụ việc có sự tiếp tay của chính quyền địa phương. Một báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính năm 2015 cho thấy, hành vi trục lợi bảo hiểm hiện nay không còn rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp. Có nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định,
bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sửa chữa xe,... (Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, 2015).
Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo có xảy ra trục lợi bảo hiểm, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm xảy ra nhiều vụ trục lợi nhất, trong giai đoạn 2007-2011 tổng số vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 3.440 vụ với tổng số tiền trục lợi bảo hiểm là 18,688 tỷ đồng. Đứng vị trí thứ hai là Tổng công ty Bảo hiểm PVI với 227 vụ trục lợi với tổng số tiền là 4,917 tỷ đồng. Công ty cổ phần Bảo hiểm PJICO là doanh nghiệp bảo hiểm có số vụ trục lợi bảo hiểm đứng thứ ba (184 vụ) tuy nhiên số tiền trục lợi bảo hiểm lại rất lớn 103,78 tỷ đồng. Công ty có số vụ trục lợi ít trong tổng số các doanh nghiệp báo cáo là Công ty TNHH bảo hiểm phi nhân thọ Cathay và Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông đều chỉ có duy nhất 1 vụ với số tiền trục lợi tương ứng là 37 triệu và 122 triệu.
Như vậy, xét tổng hợp cả 2 khía cạnh doanh nghiệp và nghiệp vụ, có thể thấy rằng, trục lợi bảo hiểm xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước hoặc cổ phần.