Nhóm các quy định chung về phòng, chống trục lợi bảo hiểm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật việt nam về phòng, chống trục lợi bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm tài sản (Trang 52 - 78)

2.2.1.1. Về khái niệm trục lợi bảo hiểm

Đã có quy định trong Bộ luật hình sự 2015 về trục lợi bảo hiểm, xem thêm điều 213

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 không định nghĩa thế nào là trục lợi bảo hiểm. Thuật ngữ “hành vi trục lợi khi tham gia bảo hiểm” được sử dụng lần đầu tiên bởi Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (gọi tắt là Nghị định 118). Cụ thể, Điều 15 về “Hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, giải quyết khiếu nại bảo hiểm” quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi để nhận tiền bồi thường, tiền bảo hiểm”. Tuy nhiên, Nghị định này cũng không định nghĩa thế nào là hành vi trục lợi bảo hiểm. Phải đợi đến năm 2004 thì khái niệm “Hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm” mới được định nghĩa bởi Thông tư 31/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (gọi tắt là Thông tư 31). Cụ thể, theo Điều 4 mục V, hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm là “hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm” (Điều 4, Mục V). Ngoài ra, Điều 4 còn có quy định về đồng lõa với người thụ hưởng bảo hiểm theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 Nghị định số

118/2003/NĐ-CP là “hành vi cấu kết với người được thụ hưởng bảo hiểm giả mạo giấy tờ, cung cấp thông tin sai sự thật, dựng hiện trường giả hoặc những hành vi trái pháp luật khác trong quá trình yêu cầu giải quyết, giải quyết bồi thường bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm”.

Tuy nhiên, Thông tư 31 đã hết hiệu lực do Nghị định 118 cũng đã hết hiệu lực cùng với Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 do Luật này đã được sửa đổi bổ sung bởi Luật năm 2010. Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (gọi tắt là Nghị định 98) cũng như Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP không quy định về hành vi trục lợi khi tham gia bảo hiểm, mà chỉ có các quy định về Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật (điểm b, khoản 1 Điều 14 Nghị định 98) và hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm (khoản 3 Điều 14 Nghị định 98). Các quy định này sau đó đã được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 48, theo đó “Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác”.

Như vậy Nghị định 48 ngoài việc tăng số tiền phạt còn bổ sung trường hợp tự gây thiệt hại về tài sản để được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Hiện nay, thuật ngữ “trục lợi bảo hiểm” đã được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực bảo hiểm, nhưng lại không được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm. Điều này có thể dẫn tới khó khăn khi áp dụng các chế tài chống trục lợi bảo hiểm.

2.2.2. Nhóm các quy định điều chỉnh hành vi của các bên trong hợp đồng bảo hiểm

Luật kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh hành vi của các bên trong hợp đồng bảo hiểm tài sản thông qua hai nhóm quy định về hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm tài sản nói riêng.

2.2.1.1. Các quy định về hợp đồng bảo hiểm nói chung

Luật kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh hành vi của các bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm để tránh trục lợi bảo hiểm thông qua các quy định về cung cấp thông tin. Cụ thể, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó (khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010).

Cần lưu ý là nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin theo nguyên tắc thiện chí như đã được ghi nhận trong pháp luật dân sự, mà còn là nghĩa vụ tăng cường. Nghĩa vụ cung cấp thông tin tăng cường được thể hiện ở chỗ các bên phải cung cấp thông tin cho nhau một cách đầy đủ và trung thực không chỉ trước khi ký kết hợp đồng mà còn cả trong quá trình thực hiện hợp đồng. Cụ thể, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ: “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm; Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm; Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm” (khoản 2, Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010). Tương tự, doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ đơn thuần có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên mua bảo hiểm, mà còn có nghĩa vụ đảm bảo rằng bên mua biết về nội dung các thông tin mà mình cung cấp. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường” (điểm a và điểm d, khoản 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010).

Ngoài nghĩa vụ cung cấp thông tin, các bên trong hợp đồng bảo hiểm còn có nghĩa vụ hợp tác và hạn chế tổn thất. Cụ thể, theo điểm đ, khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ: “Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Để phòng, chống hiện tượng trục lợi, Luật kinh doanh bảo hiểm còn có các quy định về hợp đồng vô hiệu, theo đó hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi:

“Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm; Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại; Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm (khoản 1, Điều 22).

2.2.1.2. Các quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản

Bên cạnh các quy định chung cho mọi loại hợp đồng bảo hiểm như đã trình bày ở trên, Luật kinh doanh bảo hiểm còn có các quy định chuyên biệt cho hợp đồng bảo hiểm tài sản. Cụ thể, Điều 40 quy định: “Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Trong thực tiễn, các bên có thể ký kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị. Đây là loại hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị. Để phòng, chống trục lợi trong trường hợp này, Luật kinh doanh bảo hiểm quy định trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm (Điều 42).

Ngoài ra, như đã phân tích ở phần trên, cá nhân, tổ chức có thể trục lợi bằng cách ký kết nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản cụ thể. Người ta gọi đây là hợp đồng bảo hiểm trùng. Bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo

hiểm cho cùng một đối tượng với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm. Pháp luật không cấm bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm trùng cho tài sản bởi vì đây là quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản. Tức là, chủ tài sản được quyền mua bảo hiểm cho tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đối với tài sản. Tuy nhiên, trong quan hệ này, bên được bảo hiểm không được phép lợi dụng yếu tố phí bảo hiểm phải trả cho một tài sản là rất nhỏ so với giá trị tài sản để yêu cầu bảo hiểm nhiều lần cho tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau nhằm mục đích nhận được khoản tiền bảo hiểm lớn hơn nhiều lần so với giá trị của tài sản bảo hiểm. Để ngăn chặn mục đích trục lợi trong trường hợp này, khoản 2 Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.”. Quy định trên có thể được hiểu là, pháp luật không cấm bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm nhiều lần cho một tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm với cùng điều khoản và sự kiện bảo hiểm, nhưng khi mua thì phải có nghĩa vụ thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác biết về điều này. Trên cơ sở các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cùng chịu trách nhiệm trong phạm vi cam kết của mình trên tổng giá trị thiệt hại.

Do tài sản có rất nhiều dạng thức khác nhau và một số loại tài sản có tính chất chuyên biệt nên Luật kinh doanh bảo hiểm còn có quy định phòng, chống trục lợi bảo hiểm tài sản khi đối tượng của hợp đồng là một tài sản đặc biệt, thông qua các quy định về an toàn. Cụ thể, Điều 50 quy định rằng người được bảo hiểm phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh

lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế rủi ro. Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm khi được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm (Điều 51).

2.2.2. Nhóm các quy định về quản lý nhà nước về phòng, chống trục lợi bảo hiểm

Để phòng, chống trục lợi bảo hiểm thì không chỉ các bên trong hợp đồng phải có các quy định để kiểm soát lẫn nhau mà sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm Việt Nam đã có khá nhiều quy định và nhiều lần sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm và các Nghị định cũng như thông tư hướng dẫn thi hành. Văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất là Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh

doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 20164.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì Bộ Tài chính đóng vai trò then chốt. Cụ thể, theo Điều 110 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính có trách nhiệm: “Ban hành, phê chuẩn, hướng dẫn thực hiện quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm” (khoản 3); Giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Áp dụng các biện pháp cần thiết để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bảo đảm các yêu cầu về tài chính và thực hiện những cam kết với bên mua bảo hiểm (khoản 4) và “Thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm” (khoản 10). Ngoài Bộ Tài chính thì một số bộ, cơ quan ngang bộ, các ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng có trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, chính sự chồng chéo này khiến cho công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra gian lận trong bảo hiểm đạt hiệu quả không cao.

4 Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CPngày 27 tháng 3 năm 2007 của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật việt nam về phòng, chống trục lợi bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm tài sản (Trang 52 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)