Kinh nghiệm thực tiễn khi áp dụng mô hình hòa giải ở một số nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa án và thực tiễn thực hiện tại tỉnh quảng ninh (Trang 40 - 43)

6. Kết cấu của đề tài

2.1. Kinh nghiệm thực tiễn khi áp dụng mô hình hòa giải ở một số nước

Mô hình “Trung tâm Hòa giải bên cạnh Tòa án” là một trong những mô hình được nhiều nước áp dụng thành công, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế rất có hiệu quả. Các hòa giải viên được Tòa án tuyển chọn từ các nguồn khác nhau, như: thẩm phán, công tố viên, cảnh sát, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, luật sư, chuyên gia pháp luật, chuyên gia tâm lý và chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành khác. Kết quả hòa giải được Tòa án xem xét, công nhận khi đương sự có yêu cầu. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia, như: Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Canada và nhiều nước châu Âu...

Tại Canada, bang Ontario đã thành lập chương trình giải quyết tranh chấp thông qua trung gian hòa giải bắt buộc đối với tất cả các vụ kiện dân sự (trừ các vụ kiện hôn nhân gia đình) tại các Tòa án ở Toronto, Ottawa và Windsor. Các vụ việc được đưa ra trung gian hòa giải ở giai đoạn đầu trong quá trình tranh tụng và do các cá nhân (không phải là Thẩm phán) được các bên lựa chọn trực tiếp hòa giải. Thủ tục trung gian hòa giải được áp dụng linh hoạt và thời gian giải quyết không quá ba giờ. Trường hợp một bên không tuân thủ các điều khoản của giải pháp đạt được thông qua trung gian hòa giải, bên còn lại có quyền đề nghị Tòa án - theo một thủ tục đã được đơn giản hóa - ra phán quyết theo các điều khoản của thỏa thuận.

Tại Nga, từ năm 2011, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn áp dụng thủ tục hoà giải thông thường (do Thẩm phán thực hiện, không có sự tham gia của hòa giải viên) hoặc thủ tục hòa giải có sự tham gia của hòa giải viên. Đối với yêu cầu Tòa án áp dụng thủ tục hoà giải với sự tham gia của hòa giải viên, Toà án có quyền tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong thời gian không quá 60 ngày theo yêu cầu của các bên để thực hiện việc hòa giải. Kết thúc hòa giải, các bên ký kết thoả thuận hòa giải thể hiện ý chí của từng bên với sự giúp đỡ của hòa giải viên, Tòa án không phải ban hành bản án. Trường hợp các bên ký kết thỏa thuận áp dụng thủ tục hòa giải và

trong thời hạn tiến hành hòa giải theo quy định, các bên có nghĩa vụ không yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.11

Tại Ấn Độ hòa giải, thương lượng và trọng tài là hình thức được lựa chọn nhằm giải quyết sự tắc nghẽn tại Tòa án và tiếp cận công lý. Từ năm 1999, Quốc hội Ấn Độ ban hành Luật Sửa đổi BLTTDS, quy định việc chuyển các vụ việc Tòa án đang xem xét sang các kênh giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính ngoài tố tụng theo phương thức hòa giải. Từ đó, hòa giải bắt buộc thông qua tố tụng tại Tòa án đến nay đã trở thành một quy định pháp lý, ít được sử dụng; Trung tâm hòa giải và thương lượng gắn liền với Tòa án được thành lập ở nhiều Tòa án tại Ấn Độ và Tòa án bắt đầu chuyển nhiều vụ việc đến các trung tâm này.

Mô hình “Trung tâm Hòa giải gắn liền với Tòa án” được sử dụng nhiều ở Ấn Độ để giảm tải các công việc của Tòa án. Tại Tòa án cấp cao Delhi, thành lập Trung tâm hòa giải gắn liền với Tòa án từ năm 2009. Việc hòa giải các vụ, việc cụ thể do các hòa giải viên tiến hành; các Thẩm phán đương nhiệm không tham gia hòa giải. Các hòa giải viên được tuyển chọn từ đội ngũ Thẩm phán đã nghỉ hưu, đội ngũ luật sư, chuyên gia. Tiêu chuẩn tuyển chọn hòa giải viên được thực hiện theo Quy chế của Tòa án cấp cao Delhi. Tại Delhi và nhiều bang khác của Ấn Độ, mô hình Trung tâm Hòa giải gắn liền với Tòa án được mở rộng xuống tới các Tòa án cấp quận, huyện và hoạt động rất hiệu quả.

Tại Nhật Bản, việc bảo vệ sự hòa thuận xã hội là mục tiêu tối thượng của hệ thống tư pháp. Vì vậy, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, được áp dụng rộng rãi và đạt được hiệu quả rất cao. Ở đây, người ta phân biệt giữa điều đình hòa giải tư pháp và điều đình, hòa giải ngoài tư pháp (ví dụ hòa giải lao động, nếu không thành thì các bên có quyền khởi kiện và không có quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án). Chế định điều đình hòa giải ngoài tư pháp của Nhật Bản cũng có nét tương đồng với mô hình thí điểm hòa giải đối thoại tại Tòa án. Luật Điều đình Dân sự (Luật số 222, 09/6/1951) của Nhật Bản gồm 03

11 Nguyễn Hòa Bình, 2019, Xây dựng một thiết chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án phù hợp

chương (Chương 1: quy định về quy tắc chung và các điều đình viên; Chương 2: các quy định đặc biệt bao gồm điều đình về bất động sản, điều đình nông nghiệp, điều đình thương mại, điều đình ô nhiễm khai thác mỏ, điều đình tai nạn giao thông, điều đình ô nhiễm; chương 3: quy định về hình sự). Đối với hòa giải ngoài Tòa án quy định trong Luật điều đình dân sự, nội dung thỏa thuận sẽ được xác lập ngắn gọn dưới hình thức một hợp đồng hoặc bằng văn bản có chữ ký của các bên, được công nhận về mặt pháp lý, nếu một bên không thực hiện thì bên kia có quyền khởi kiện ra Tòa án. Hiệu lực pháp lý của thỏa thuận hòa giải là tạo ra một quan hệ pháp lý mới giữa các bên. Cho dù nếu chứng cứ mới xuất hiện sau khi quá trình hòa giải đã kết thúc, thỏa thuận hòa giải vẫn không bị hủy bỏ. Có thể nói, chế định điều đình dân sự, gia sự, hòa giải trước khởi kiện, hòa giải trong tố tụng của Nhật Bản đến nay đã hình thành được gần 100 năm. Các chế định này đã góp phần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp. Tỷ lệ giải quyết điều đình trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình của Nhật là khoảng 60%, tỷ lệ hòa giải thành trong tố tụng của Nhật là khoảng 40% (Tòa án địa phương). Mặc dù, ngân sách nhà nước phải chi trả một khoản nhất định (Tại Nhật Bản, mỗi vụ việc được chi trả lương ngày (7.000 yên đến 15.000 yên), chiếm khoảng 10 tỷ yên ngân sách chi trả hàng năm. Phí đăng ký thu được từ các đương sự là chỉ trong khoảng 300 đến 500 triệu yên mỗi năm) nhưng chế định về hòa giải góp phần đáng kể trong việc giảm tải công việc của Tòa án.12 Chế độ điều đình của Nhật Bản với cơ chế đặc biệt được thực thi bởi sự hợp tác giữa Điều đình viên của khu vực tư nhân (cá nhân hoặc đa số) và Thẩm phán có nét tương đồng với chế độ điều đình tiền tố tụng của Trung Quốc, chế độ hòa giải tư pháp của Hàn Quốc.

Ở Pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự dành một số lượng lớn các điều khoản để quy định chi tiết về thủ tục hòa giải. Đối với phương thức hòa giải bên cạnh tòa án, pháp luật quy định, sau khi nhận được yêu cầu của đương sự, Tòa án chỉ định hòa giải

12 Hoàng Thị Thúy Vinh, Phan Thị Thu Hà, 2018, Hòa giải tại Tòa án, điều đình và hòa

giải trước khởi kiện tại Tòa án của Nhật Bản, Tạp chí Tòa án, số 23 (kỳ I tháng 12/2018), tr 43 -

viên tiến hành hòa giải. Thời gian hòa giải là 03 tháng; có thể gia hạn thêm 03 tháng. Người được chỉ định hòa giải phải đáp ứng nhiều điều kiện của luật, trong đó có điều kiện “đã được cấp chứng chỉ Hòa giải viên”. Quyết định áp dụng thủ tục hòa giải do Tòa án ban hành, có các nội dung chủ yếu sau: sự đồng ý của các bên về việc áp dụng hòa giải và hòa giải viên được chỉ định; thời hạn thực hiện hòa giải; phí trả thù lao cho hòa giải viên. Kết thúc hòa giải, nếu các bên thỏa thuận được việc giải quyết tranh chấp, đồng thời theo yêu cầu của các bên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành; nếu hòa giải không thành thì tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tòa án quyết định việc trả thù lao cho hòa giải viên. Quyết định hòa giải thành không bị kháng cáo, kháng nghị.13

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để giải quyết tình trạng quá tải trong giải quyết các vụ án dân sự, nhiều nước đã lựa chọn giải pháp cải cách mạnh mẽ thiết chế hòa giải, xây dựng mô hình “Trung tâm hòa giải bên cạnh tòa án”, với phương châm “Hai bên cùng thắng” và đã mang lại những kết quả rất quan trọng. Đây là kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, tham khảo để đề xuất những giải pháp căn cơ, đột phá cho công tác giải quyết các vụ án dân sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa án và thực tiễn thực hiện tại tỉnh quảng ninh (Trang 40 - 43)