Nên thu phí cho hoạt động hòa giải tại Tòa án

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa án và thực tiễn thực hiện tại tỉnh quảng ninh (Trang 78 - 79)

6. Kết cấu của đề tài

3.2.7. Nên thu phí cho hoạt động hòa giải tại Tòa án

Trong quá trình thí điểm mô hình hòa giải đối thoại tại 16 tỉnh thành trong cả nước trong đó có Quảng Ninh thì mô hình thí điểm này là mô hình không thu phí. Rõ ràng đây là cơ chế rất có lợi cho các đương sự, thể hiện tính nhân văn rất cao của pháp luật Việt nam. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thực tiễn thí điểm cho thấy việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.23 Tuy nhiên, lại sẽ có vấn đề về lâu dài đối với chế định hòa giải đối thoại tại tòa vì các lẽ sau: Việc không thu phí sẽ khó thu hút được các hòa giải viên giỏi tâm huyết tham gia và sẽ dẫn đến không có nhân lực chất lượng cao, không tạo động lực trong công việc. Từ thực tiễn thí điểm ở Quảng Ninh thì thấy số lượng các hòa giải viên là những người cao tuổi đã nghỉ hưu chưa thu hút được những hòa giải viên trẻ có trình độ.

Việc không thu phí cũng sẽ dẫn đến việc tăng thêm gánh nặng ngân sách khi toàn bộ các thù lao/phụ cấp cho hòa giải viên đều do ngân sách chi trả. Mặt khác cũng sẽ giảm đáng kể nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước nhất là đối với các án về kinh doanh thương mại (Theo Nghị quyết 326 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì mức thu án phí về kinh doanh thương mại là khá cao). Bên cạnh đó, việc không thu phí cũng tạo ra sự bất hợp lý đối với các Trung tâm hòa giải khác như Hòa giải thương mại.

Chính vì vậy, dự thảo Luật hòa giải đối thoại tại tòa án nên theo cơ chế thu phí vì xác định theo nguyên tắc tối thượng trong hòa giải là tự nguyện thì việc thu phí thù lao cho hòa giải viên cũng như hoạt động hòa giải, đối thoại là cần thiết, vừa giảm tải ngân sách quốc gia, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, thu hút nhân tài tham gia công tác hòa giải, cũng như đảm bảo sự công bằng địa vị pháp lý giữa các trung tâm hòa giải ngoài tòa với trung tâm hòa giải tại tòa. Đảm bảo sự tự do lựa chọn trung tâm hòa giải của các đương sự theo đúng ý chí nguyện vọng và tự nguyện đúng với tôn chỉ của hoạt động hòa giải trong các tranh chấp giữa các đương sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa án và thực tiễn thực hiện tại tỉnh quảng ninh (Trang 78 - 79)