Để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân, qua nghiên cứu, học viên đề xuất các giải pháp như sau:
3.2.1.1. Kiến nghị bổ sung vào Bộ luật tố tụng dân sự quy định việc hòa giải tiền tố tụng đối với các tranh chấp về đất đai được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của các đương sự theo Luật Đất đai và việc hòa giải tiền tố tụng chỉ bắt buộc đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất, mốc giới giữa các hộ liền kề (chứ không mở rộng đối với tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất như hiện nay).
3.2.1.2. Kiến nghị bổ sung, hướng dẫn các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự còn nhiều bất cập, thiếu sót như sau:
Một là, quy định cụ thể hơn về thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải:
Khoản 2 Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp… Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì những cơ quan , tổ chức, cá nhân liên quan là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, họ cũng là đương sự trong vụ án dân sự, nên theo quy định của khoản 1 Điều 209, họ đương nhiên là thành phần tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Cho nên, để áp dụng khoản 2 Điều này thì cần có hướng dẫn cụ thể về “cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan”.
Khoản 3 Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Cần bổ sung nội dung: Số lần tối đa đương sự được vắng mặt có lý do chính đáng không quá 3 lần. Nếu vắng mặt
không có lý do chính đáng hoặc vắng mặt quá số lần quy định thì thẩm phán lập biên bản về việc hòa giải không thành và tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định.
Thời hạn lấy ý kiến các đương sự vắng mặt và ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự cần được quy định. “Nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp”, trường hợp này chỉ cần một bên đương sự có mặt yêu cầu hoãn thì Thẩm phán quyết định hoãn phiên hòa giải. Việc đề nghị hoãn phiên hòa giải tối đa không quá 3 lần.
Cần hướng dẫn tình tiết “không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt” là “đúng với ý chí, nguyện vọng của đương sự vắng mặt”
Khoản 3 Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự có áp dụng đối với việc vắng mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay không, cần được thống nhất hiểu là: nếu vắng mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Tòa án vẫn tiếp tục hòa giải nếu được sự đồng ý của bên đương sự nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Hai là, quy định về trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chưa rõ ràng, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự thì Thẩm phán phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trước, sau đó mới tiến hành hòa giải. Cần quy định rõ: Thẩm phán chưa được tiến hành hòa giải trước khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ. Quy định như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ biết, quy định thêm trong thời hạn 05 ngày, ngày kể từ khi mở phiên họp.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khi đương sự vắng mặt. Cần quy định thêm: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoãn phiên họp, Tòa án phải mở lại phiên họp. Việc hoãn phiên họp tối đa không quá 3 lần và phải đảm bảo tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Ba là, quy định về ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cấn đầy đủ, chặt chẽ hơn theo hướng:
Khi các đương sự thỏa thuận tự giải quyết một quan hệ tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết và hòa giải thành toàn bộ các yêu cầu khác và các vấn đề phải giải quyết trong vụ án ( án phí, chi phí tố tụng…) thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và ghi trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là các đương sự thỏa thuận, tự giải quyết, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khoản 3 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định trường hợp các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thỏa thuận này chỉ có giá trị và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản. Nếu trường hợp phải lấy ý kiến của đương sự vắng mặt trong thời hạn 05 ngày ngày, đương sự không thể hiện ý kiến bằng văn bản thì việc không có ý kiến có được hiểu là đồng ý để ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Thời hạn để Tòa án ra quyết định vấn thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Bốn là, cần quy định cụ thể về việc có hòa giải lại hay không sau khi giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm để giải quyết lại. Đối với bản án sơ thẩm bị hủy một phần hoặc toàn bộ để chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án cần tiến hành hòa giải lại đối với những những nội dung, những vấn đề mà cấp phúc thẩm đề cập yêu cầu cấp sơ thẩm phải giải quyết lại. Quy định như vậy để đảm bảo các nội dung giải quyết có sai sót của cấp sơ thẩm phải được giải quyết thận trọng, triệt để và đảm bảo nguyên tắc hòa giải và nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự
Năm là, cần quy định về nguyên tắc tiến hành hòa giải đầy đủ, toàn diện hơn. Khoản 2 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định hòa giải được tiến hành theo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự, nội dung thỏa thuận
không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Quy định này cần bổ sung thêm nguyên tắc bình đẳng và trung thực. Vì: Trong đời sống xã hội, thỏa thuận về giải quyết tranh chấp trong hòa giải, đặc biệt là trong hòa giải tranh chấp đất đai thì không phải lúc nào cũng được phân định một cách rõ ràng như luật định mà còn có sự nhường nhịn, bao dung, có lý, có tình. Do đó cần có sự bình đẳng.
Sáu là, quy định về thành phần phiên hòa giải cho đầy đủ, toàn diện hơn. Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp,tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, theo quy định tại Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bao gồm: thẩm phán, thư ký phiên tòa, các đương sự , người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cần sửa đổi khoản 3 Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền “tham dự việc hòa giải”, không quy định quyền tham gia phiên hòa giải, Bởi vì, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được tòa án chấp nhận để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Vai trò chủ yếu của họ trong tố tụng thể hiện ở sự hỗ trợ trong nhận thức pháp luật và góp phần giúp đỡ tòa án trong quá tình giải quyết vụ án dân sự.