nhân dân huyện Định Hóa.
Tòa án nhân dân huyện Định Hóa là đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Là một trong những đơn vị được thành lập theo Sắc lệnh số 13 ngày 21/01/1946 của Chủ tịch Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa có bề dày truyền thống và thành tích, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa có 10 cán bộ, công chức và người lao động. Về cơ cấu tổ chức, đơn vị có 01 Chánh án, 02 Phó Chánh án, 04 Thư ký, 01 lái xe, 01 tạp vụ, 01 bảo vệ. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của 07 công chức nghiệp vụ, 02 cán bộ có trình độ Thạc sỹ Luật, 05 cán bộ có trình độ Cử nhân Luật. Về ngạch thẩm phán, đơn vị có 02 Thẩm phán trung cấp, 01 Thẩm phán sơ cấp (cả 03 thẩm phán của đơn vị đều giữ chức vụ lãnh đạo là Chánh án và Phó Chánh án). Về ngạch thư ký, có 04 cán bộ nhưng có 01 cán bộ phải kiêm nhiệm công văn thư của đơn vị, 01 cán bộ phải kiêm nhiệm công tác kế toán, 02 cán bộ thực hiện nhiệm vụ hành chính, văn phòng của đơn vị. Cán bộ nghiệp vụ của Tòa án nhân dân huyện Định Hóa hầu hết là người sinh sống và làm việc tại địa phương (trừ Chánh án là người địa phương khác), trong đó, có 03 cán bộ người dân tộc thiểu số, nên khá thuận lợi cho công tác, nhất là việc giải quyết các vụ án dân sự. Về điều kiện cơ sở vật chất, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa được giao trụ sở làm việc với 02 phòng xét xử, 01 phòng hội trường và 07 phòng làm việc, 04 phòng công vụ, 01 xe ô-tô và nhiều thiết bị công tác khác. Trong điều kiện công tác có nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân huyện Định Hóa không ngừng nỗ lực trong công tác, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong những năm qua, tình hình tội phạm có chiều hướng tăng nhẹ, tranh chấp trong nhân dân không có chiều hướng gia tăng. Số vụ việc Tòa án thụ lý không gia tăng đột biến ảnh hưởng đến bộ máy hoạt động của Tòa án.
Bảng 2.1. Tổng số các vụ việc Tòa án nhân dân huyện Định Hóa phải giải quyết qua 10 năm
2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Hình Hình sự 74 72 79 75 81 60 68 58 54 57 Dân sự 55 51 48 52 56 54 56 90 81 67 HNGD 111 128 137 130 124 118 162 251 192 176 Hành chính, KDTM 02 01 02 04 05 03 00 00 00 00 Lao Động 0 0 0 01 02 01 01 00 00 00 Biện pháp hành chính 0 0 0 0 0 15 30 31 21 25 Tổng cộng các vụ, việc 242 252 266 262 268 251 317 430 348 325
Số liệu trên phản ánh số vụ việc Tòa án phải giải quyết trong 01 năm, bao gồm số vụ án chưa giải quyết xong của năm trước chuyển sang và số vụ việc Tòa án mới thụ lý trong năm đó. Tỷ lệ giải quyết án của Tòa án nhân dân huyện Định Hóa về cơ bản đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các vụ án tồn chuyển sang năm tiếp theo chủ yếu là các tranh chấp dân sự, còn các lĩnh vực khác, Tòa án cơ bản giải quyết nhanh gọn. Các tranh chấp dân sự Tòa án phải chuyển sang năm tiếp theo chủ yếu là các tranh chấp đất đai phức tạp.
Bảng 2.2. Số liệu giải quyết tranh chấp đất đai Tòa án phải giải quyết qua các năm 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Tổng số vụ phải giải quyết 07 05 10 08 09 14 18 34 25 18 Đã giải quyết xong 05 02 06 03 03 04 02 15 10 02 Đình chỉ 02 02 02 01 0 02 01 11 04 01 Công nhận sự thỏa thuận 0 0 02 01 01 0 01 02 0 01 Xét xử sơ thẩm xong 03 0 02 01 02 02 0 02 06 0 Tồn đến cuối kỳ 02 03 04 05 06 10 16 19 15 16
Trong 10 năm qua, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa đã giải quyết xong: 52 vụ. Trong đó, đình chỉ: 26 vụ; Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: 08 vụ; Xét xử sơ thẩm xong: 18 vụ.
Xem xét bảng trên cho thấy, số vụ tranh chấp đất đai Tòa án thụ lý mới hàng năm không nhiều, chủ yếu phải giải quyết những vụ án đã thụ lý trong năm trước hoặc các năm trước đó. Các tranh chấp đất đai có tính chất phức tạp xuất hiện nhiều. Tòa án đã tích cực thực hiện các hoạt động thụ lý giải quyết, chú ý đến việc hòa giải tranh chấp đất đai theo đúng tinh thần của Luật Đất đai, Bộ luật Tố tụng dân sự và Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 03/10/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao... Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết xong các vụ án tranh chấp đất đai là chưa cao, nhiều vụ phải kéo dài phức tạp.
Điển hình là vụ tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn Nguyễn Ngọc Dũng, Sinh năm 1969, địa chỉ tại xóm Vũ Quý, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và bị đơn Trinh Đức Cảnh, sinh năm 1943, địa chỉ tại xóm Trung Tâm, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa thụ lý từ ngày 28/3/2013 nhưng do nhiều tình tiết phức tạp nên đến năm 2019 mới xét xử xong.
Vụ tranh chấp đai giữa nguyên đơn Lộc Văn Ngoan, Sinh năm 1938 và bị đơn Lộc Văn Mai, Sinh 1961, cùng trú tại: xóm Đồng Uẩn 1, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa thụ lý ngày 18/3/2014 nhưng do có nhiều tình tiết phức tạp, qua nhiều lần giải quyết đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa luôn kiên trì, thận trọng và cố gắng trong hòa giải giữa các đương sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Trong quá trình tiến hành hòa giải các tranh chấp đất đai, Tòa án nhân dân huyện Định Hóa đã thực hiện đúng các trình tự và thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự quy định và hướng dẫn tại Chỉ thị Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 03/10/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao. Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện tranh chấp đất đai, lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện giao cho các Thẩm phán giải quyết theo quy định. Thẩm phán được giao nhiệm vụ luôn xem xét kỹ đơn khởi kiện, thận trọng trong nghiên cứu hồ sơ và thu thập chứng cứ, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc để tiến hành hòa giải. Các thẩm phán và thư ký của Tòa án nhân dân dân huyện (hầu hết là người địa phương) biết phát huy những điều kiện thuận lợi, những thế mạnh về hiểu biết thực tế về địa phương như lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý chung của cộng đồng để sử dụng vào việc hòa giải. Thẩm phán đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị nơi đương sự đang sinh sống, làm việc để tìm hiểu, xác minh nhân thân của đương sự, các tình tiết của vụ án, cũng như ý kiến của những người có liên quan đến vụ tranh chấp trong quá trình chuẩn bị hòa giải.
Sau khi có đủ các thông tin và tài liệu, chứng cứ liên quan, Tòa án nhân dân huyện ra quyết định mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng
cứ và hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tại các buổi hòa giải trên thực tế, Thẩm phán đã trực tiếp gặp gỡ các đương sự, giải thích cho họ hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hòa giải, hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc, không có trường hợp nào Thẩm phán giao cho thư ký trực tiếp tiến hành hòa giải các tranh chấp đất đai. Trong suốt quá trình hòa giải, Thẩm phán Tòa đã dành thời gian phù hợp cho các bên đương sự trình bày rõ quan điểm của mình, giải thích vụ việc tranh chấp một cách có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật. Thẩm phán phụ trách vụ án phân tích tranh chấp đất đai vừa dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, vừa sử dụng những hiểu biết, những trải nghiệm thực tế của bản thân họ tại địa phương về lối sống, về văn hóa, ngôn ngữ... để đặt vấn đề cho các bên đương sự suy nghĩ, tự thương lượng, thỏa thuận với nhau.
Một số trường hợp thẩm phán đã làm cho các đương sự hiểu được các quy định của pháp luật cùng bản chất của vụ việc tranh chấp đất đai, biết được những lợi ích của hoạt động giải, nên đã chấp nhận việc hòa giải không cần Tòa án phải xét xử. Điển hình là vụ tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn Ma Thị Lượng, sinh năm 1956, địa chỉ tại xóm Mẩu, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và bị đơn là Ma Thị Gia, sinh năm 1973, địa chỉ tại xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên mà Tòa án nhân dân huyện Định Hóa đã thụ lý ngày 20/3/2014. Thẩm phán đã sử dụng ưu điểm của mình, biết về phong tục tập quán, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong giao tiếp, tạo sự tin tưởng giữa 02 bên đương sự, sau đó đã phân tích, giải thích pháp luật, khiến đương sự hiểu. Qua hơn 01 năm kiên trì giải quyết, nguyên đơn đã rút toàn bộ đơn khởi kiện, Tòa án đã hóa giải thành công mâu thuẫn giữa 02 chị em, giúp họ trở lại đoàn kết, yêu quý nhau, hàn gắn lại những rạn nứt do tranh chấp đất đai.
Các quy trình thực hiện công tác hòa giải ở Tòa án nhân dân huyện Định Hóa luôn tuân thủ đúng các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự và được áp dụng thống nhất trong toàn bộ đội ngũ Thẩm phán tại đơn vị. Trong quá trình hòa giải, đội ngũ Thẩm phán phụ trách vụ án đã thể hiện sự gần gũi, tôn trọng sự tự nguyện của các bên đương sự, luôn tôn trọng ý kiến của các bên tranh chấp và những người tham
gia, lắng nghe họ trình bày rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư nguyện vọng, hỏi từng bên xem họ có tự nguyện giải quyết mâu thuẫn hay không. Tùy theo tính chất của từng vụ tranh chấp đất đai, quá trình hòa giải được Tòa án nhân dân huyện tiến hành kịp thời, chủ động, nhằm tạo điều kiện cho các đương sự hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tranh chấp, đồng thời kiên trì trong quá trình hòa giải nhiều lần trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Chính vì vậy, trong 10 năm qua, không có quyết định công nhận sự thỏa thuận về sự thỏa thuận của các đương sự bị kháng nghị giám đốc thẩm, không có trường hợp nào đương sự khiếu nại, tố cáo, không có trường hợp nào Viện kiểm sát cùng cấp kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án.
Khi tiến hành các thủ tục để chuẩn bị hòa giải, thẩm phán luôn quán triệt tinh thần hòa giải của Luật Đất đai, đã lưu ý nghiên cứu, tìm hiểu hoạt động hòa giải ở cơ sở, ở Ủy ban nhân dân xã để sử dụng cho việc giải quyết vụ án. Điển hình là việc giải quyết vụ tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn Triệu Đình Khì, sinh 1957, địa chỉ tại xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa và bị đơn là Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1968, trú tại xóm Nà Chính, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tranh chấp thửa đất trong đó có chuyển giao đất liên quan đến chính sách người Hoa năm 1979 giữa gia đình hai bên đương sự. Qua nghiên cứu hồ sơ hòa giải của Ủy ban nhân dân xã Bảo Cường, thẩm phán thấy trong biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Cường còn thiếu thành phần đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại địa phương biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó, qua xác minh thấy tại địa phương có một số người biết về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất nhưng không được mời đến tham gia hòa giải. Thẩm phán đã giải thích cho các bên đương sự về mục đích ý nghĩa của hoạt động hòa giải, về thành phần tham gia hòa giải theo tinh thần của Điều 202 Luật đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Sau đó, nguyên đơn đã quyết định rút đơn khởi kiện để về địa phương tiến hành hòa giải lại cho đảm bảo đúng quy định. Sau khi rút đơn và tiến hành hòa giải, những người biết về nguồn gốc và quá trình sử dụng thửa đất đã đưa ra những ý kiến xác đáng nên các bên tranh chấp đã hòa giải thành công.