Lý luận và thực tiễn đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ rằng, các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ đất đai không tồn tại độc lập, tách rời nhau mà chúng luôn luôn tồn tại đan xen, hòa quyện với nhau. Vì lẽ đó, khi một quan hệ pháp luật đất đai nói chung và quan hệ tranh chấp đất đai nói riêng phát sinh, chúng có thể là sự liên quan và hệ lụy tới nhiều hành vi và nhiều nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật của một ngành luật, thậm chí của nhiều ngành luật chuyên ngành. Ví dụ, khi tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chúng có thể là đối tượng nghiên cứu và điều chỉnh của nhiều văn bản thuộc nhiều ngành luật khác nhau, đơn cử như các quy định về hợp đồng và hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng không chỉ quy định trong Luật Đất đai mà còn được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng... Vì vậy, khi tranh chấp đất đai xảy ra, việc thực hiện hòa giải tranh chấp để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi, đúng pháp luật thì đòi hỏi quan trọng và trước hết là giữa các quy định trong một văn bản và giữa các văn bản pháp luật có liên quan thuộc phạm vi một ngành luật hoặc nhiều ngành luật phải thống nhất với nhau ở nhiều phương diện như: Thống nhất về hiệu lực, thống nhất về mục tiêu điều chỉnh; thống nhất về quan hệ thứ bậc. Những mâu thuẫn, chồng chéo của các văn bản pháp luật hiện hành đều có tác động và ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, hạn chế và là rào cản tới hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai nói chung và hòa giải tranh chấp đất đai nói riêng.