Pháp luật hiện hành chưa dự liệu được hết các tình huống phát sinh trong thực tế các trường hợp đề nghị hoãn CHHP tù. Mặc dù BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Luật THAHS 2019 đã có hiệu lực thi hành
xong đến nay chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành về hoãn CHHP tù dẫn đến việc áp dụng điều kiện, trình tự, thủ tục hoãn CHHP tù còn chưa thống nhất, cụ thể như:
+ Việc quy định điều kiện chung “Sau khi bị xử phạt tù không có hành
vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng” để xem xét hoãn CHHP tù theo Nghị
quyết 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn BLHS 1999 mà chưa có nghị quyết mới hướng dẫn thi hành BLHS 2015 gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.
Việc quy định NBKA sau khi xử phạt tù có “hành vi vi phạm pháp luật
nghiêm trọng” sẽ không được hoãn CHHP tù nhưng không có hướng dẫn,
giải thích thế nào là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người bị kết án để đến mức không được hoãn CHHP tù, gây khó khăn cho các Tòa án khi áp dụng.
+ Không quy định cụ thể thế nào là kết luận của bệnh viện dẫn đến thực tế NBKA hoặc cơ quan có thẩm quyền chỉ chuyển cho Tòa án bản sao Bệnh án thể hiện NBKA bị bệnh nặng như suy tim độ 3, suy thận độ 4...thì có được coi là NBKA bị bệnh nặng mà nếu chấp hành án sẽ nguy hiểm đến tính mạng không.
Ví dụ: Hồ sơ đề nghị hoãn CHHP tù của NBKA Trương Thị T chỉ có Bản sao Bệnh án của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương thể hiện Trương Thị T bị xơ gan cổ chướng. Tình trạng ra viện ngày 10/2/2017: Đỡ, giảm. TAND huyện T1 ra Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù số 03 ngày 27/2/2017 đối với Trương Thị T với lý do: NBKA bị xơ gan cổ chướng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương; thời hạn hoãn 12 tháng.
Như vậy, không có căn cứ xác định về việc NBKA nếu phải đi chấp hành án có nguy hiểm đến tính mạng hay không để làm căn cứ hoãn CHHP tù, gây khó khăn cho việc xét hoãn CHHP tù đối với NBKA cũng như công tác kiểm tra nghiệp vụ của TAND cấp tỉnh.
+ Những trường hợp người bị kết án đang điều trị bệnh tại bệnh viện tuy không phải là bệnh nặng nhưng không thể không điều trị như gãy xương, phải nằm một chỗ, hoặc NBKA bị bệnh HIV chuyển giai đoạn AIDS, sức khỏe yếu nhưng không đi viện nên không có căn cứ để xác định tình trạng bệnh của NBKA để xét hoãn CHHP tù nhưng Cơ quan THAHS cũng không thể đưa NBKA đi chấp hành án được....
+ Có trường hợp NBKA có vai trò thứ yếu trong vụ án, bị xử phạt 03 - 04 năm tù nhưng lại thuộc loại tội rất nghiêm trọng nên không thể được hoãn CHHP tù với lý do lao động duy nhất mặc dù hoàn cảnh gia đình họ thật sự khó khăn và nếu đi chấp hành án thì không ai nuôi con của họ còn nhỏ, không có khả năng lao động và không tự chăm sóc được bản thân hoặc người thân của họ không có nguồn thu nhập nào khác mà không có khả năng lao động, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
+ NBKA đã từng được hoãn CHHP tù 12 tháng với lý do là lao động duy nhất trong gia đình sau đó tiếp tục được hoãn CHHP vì lý do có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, sau khi con đủ 36 tháng tuổi nhưng con thường xuyên ốm đau, bệnh tật không có người chăm sóc nhưng NBKA không thể được tiếp tục hoãn vì đã được hoãn hết thời gian tối đa với lý do là lao động duy nhất trong gia đình.
+ Không quy định về bổ sung tài liệu hoặc Tòa án có thẩm quyền xác minh điều kiện hoãn chấp hành hình phạt tù, thời hạn bổ sung tài liệu, thời hạn xem xét đơn xin hoãn CHHP tù trong trường hợp người bị kết án cần giám định sức khỏe... trong Luật thi hành án hình sự; không có văn bản dưới luật hướng dẫn Luật THAHS 2019 về nội dung trên dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NBKA và thân nhân NBKA.
Các cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện chưa đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Tòa án yêu cầu cơ quan giám định kết luận rõ NBKA nếu phải chấp hành án có nguy hiểm đến tính mạng không nhưng Cơ quan giám định y khoa chỉ kết luận loại bệnh mà NBKA mắc phải và tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu phần trăm, khó khăn cho Tòa án trong việc quyết định hoãn hay không chấp nhận hoãn chấp hành hình phạt tù. Thời gian thực hiện giám định kéo dài của cơ quan giám định cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết yêu cầu hoãn chấp hành hình phạt tù của Tòa án.
Sự phối hợp giữa các cơ quan tham gia vào công tác hoãn chấp hành hình phạt tù có lúc còn chưa kịp thời: Cơ quan THAHS, VKSND có thẩm quyền không đề nghị hoãn CHHP tù đối với NBKA đủ điều kiện hoãn CHHP tù; UBND cấp xã hoặc bệnh viện chậm cung cấp tài liệu làm căn cứ xét hoãn chấp hành hình phạt tù như UBND cấp xã chậm xác nhận NBKA đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc NBKA là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành án thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt; Bệnh viện chậm cung cấp bản sao bệnh án của NBKA hoặc bệnh viện cung cấp Phiếu siêu âm có thai nhưng không có căn cứ xác định người được siêu âm thai chính là NBKA.
NBKA và thân nhân của họ chưa hiểu hết được quyền và nghĩa vụ của mình trong thi hành hoãn chấp hành hình phạt tù dẫn đến có trường hợp thuộc diện được hoãn chấp hành hình phạt tù như đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… nhưng không có đơn đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù; chậm cung cấp tài liệu hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù.
Cán bộ làm công tác tham mưu giúp Chánh án trong công tác thi hành án hình sự làm kiêm nhiệm, còn chưa có nhiều kinh nghiệm, đa số cán bộ không được đào tạo nghiệp vụ thi hành án hình sự; ít được tập huấn nghiệp vụ thi hành án, chậm học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của các đơn vị bạn…
Tiểu kết chương 2
Trong chương này, tác giả đã phân tích tình hình thực tế có liên quan đến hoãn chấp hành hình phạt tù tại tỉnh Hải Dương như về đặc điểm người đang chấp hành hình phạt tù, đặc điểm người được Tòa án quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù và việc chấp hành pháp luật của họ trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù. Mặt khác, qua việc thu thập số liệu thống kê về số người bị xử phạt tù tại tỉnh Hải Dương, số người bị Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù và số người được hoãn chấp hành hình phạt tù, nghiên cứu các vụ việc hoãn chấp hành hình phạt tù trên thực tế, tác giả đã đưa ra những nhận xét, đánh giá về việc áp dụng pháp luật hoãn chấp hành hình phạt tù trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Qua đó, có thể thấy được những bất cập, hạn chế về quy định pháp luật, về chủ thể quyết định áp dụng pháp luật hoãn chấp hành hình phạt tù và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, tìm ra nguyên nhân của những bất cập, hạn chế để từ đó đề xuất được những giải pháp phù hợp nhằm hoãn thiện pháp luật về hoãn chấp hành hình phạt tù và nâng cao chất lượng áp dụng quy định hoãn chấp hành hình phạt tù.
CHƯƠNG 3.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOÃN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ TẠI TỈNH
HẢI DƯƠNG