2.3.1. Kết quả khảo sát ý kiến người dân về công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh trên địa bàn Quận 1
Để làm rõ hơn về thực trạng công tác QLNN đối với HKD trên địa bàn Quận 1, tác giả đã xây dựng nội dung phiếu khảo sát và tiến hành điều tra xã hội đối với 150 HKD bất kỳ, đang hoạt động trên địa bàn Quận 1. Nội dung điều tra, khảo sát tập trung vào các hoạt động hành chính, giải quyết các thủ tục đăng ký kinh doanh, kiểm tra, quản lý thuế và đặc biệt là khảo sát sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, đồng thời đánh giá năng lực, thái độ của cán bộ, công chức, người thực thi nhiệm vụ trực tiếp đối với HKD. Từ đó, làm cơ sở phân tích những hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan để đưa ra những giải pháp, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho UBND Quận 1 nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của HKD trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nói chung.
Tổng số phiếu phát ra 150 phiếu và thu về là 115 phiếu, kết quả ý kiến khảo sát về quản lý nhà nước của UBND Quận 1 đối với HKD:
- Về văn bản pháp luật quy định hoạt động của HKD có 23/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 20% ý kiến khảo sát đồng ý hệ thống văn bản pháp luật hiện hành được ban hành quy định đầy đủ về hoạt động của HKD; 65/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 56,52% ý kiến khảo sát đồng ý cần thiết ban hành Luật, Nghị định riêng về hoạt động của HKD; 94/115 phiếu chiếm tỷ lệ 81,74% ý kiến khảo sát
đồng ý về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đa dạng hình thức, dễ hiểu và thông qua hội nghị đối thoại, diễn đàn tạo điều kiện cho DN, HKD có thể trình bày được những khó khăn với cơ quan QLNN.
- Về thực thi những chính sách hỗ trợ đối với HKD có 95/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 82,61% ý kiến khảo sát đồng ý thủ tục ĐKKD được cải cách rút ngắn thời gian giải quyết; 80/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 69,56% ý kiến khảo sát đồng ý chính sách giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tour, tuyến, điểm du lịch, các CSKD uy tín, đặc trưng của Quận 1 trong thời gian qua; 100% ý kiến khảo sát đồng ý với chương trình kết nối ngân hàng với HKD, DN hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi mà UBND Quận 1 đã tổ chức và cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh cho HKD, DN. 65/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 56,52% ý kiến khảo sát đồng ý về hiệu quả, chất lượng dịch vụ công trực tuyến của UBND Quận 1, có tính bảo mật thông tin cao; 94/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 81,74% ý kiến khảo sát đồng ý tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh qua mạng.
- Về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh có: 89/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 77,39% ý kiến khảo sát đồng ý việc thực hiện kiểm tra sau đăng ký kinh doanh là cần thiết; 100% ý kiến khảo sát đồng ý việc kiểm tra, xử phạt phải thực hiện đúng quy định hiện hành nhưng cần tạo điều kiện trong khoảng thời hạn nhất định cho hộ kinh doanh khắc phục những thiếu sót, vi phạm lần đầu do vô ý. 13/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 11,30% ý kiến khảo sát đồng ý việc lập nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, lao động, an ninh trật tự, … có gây ảnh hưởng đến hoạt động của HKD và 16/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 11,30% ý kiến khảo sát đồng ý cho rằng vẫn còn tình trạng thành viên Đoàn/Tổ kiểm tra có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó dễ cho HKD trong quá trình kiểm tra.
- Về công tác quản lý, kiểm tra thuế có: 80/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 69,56% ý kiến khảo sát đồng ý cho HKD tự kê khai thu nhập thay vì cơ quan thuế tiến hành khảo sát thực tế và đưa ra mức thuế khoán áp dụng; 04/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 3,48% ý kiến khảo sát không đồng ý nội dung cho rằng công tác quản lý, kiểm tra của đội thuế hiện nay có ảnh hưởng đến hoạt động của hộ kinh doanh; 01/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 0,87% ý kiến khảo sát không đồng ý quan điểm thực hiện kê khai thuế qua mạng sẽ tiện lợi hơn thủ công truyền thống.
- Về đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ: 64/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 55,65% ý kiến là bình thường đối với nội dung lãnh đạo các cấp giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của HKD; 109/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 94,78% ý kiến khảo sát đồng ý với thái độ làm việc của cán bộ, công chức thân thiện và chuyên nghiệp; 51/115 phiếu, chiếm tỷ lệ 44,35% ý kiến khảo sát đồng ý việc giải quyết thủ tục hành chính đúng niêm yết, không gây phiền hà, nhũng nhiễu.
2.3.2. Đánh giá chung
Từ những phân tích thực tiễn QLNN đối với HKD tại Quận 1 trong giai đoạn 2015 – 2019 và kết quả khảo sát của 115 HKD tại Quận 1 nêu trên, tác giả đưa ra đánh giá chung về hiệu quả của hoạt động QLNN đối với HKD như sau:
Thứ nhất, hiệu lực QLNN được thể hiện thông qua mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của HKD. Mặc dù phần lớn HKD chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh nhưng trong thực tiễn vẫn có hiện tượng kinh doanh không lành mạnh diễn ra khá phổ biến và phức tạp thông qua các hành vi như: kê khai không đúng doanh thu để trốn nghĩa vụ thuế, không đăng ký giấy phép kinh doanh, không tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, không niêm yết giá, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm,
nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm của một số HKD không đạt yêu cầu,… làm giảm uy tín, sự tin tưởng của khách hàng về HKD cũng như công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Thứ hai, mức độ thực hiện quyền lực nhà nước của các chủ thể quản lý từ trung ương đến địa phương trong việc ban hành các quy định, chính sách pháp luật về công tác QLNN đối với HKD.
Nhằm định hướng phát triển, chiến lược tổng thể cho hoạt động của HKD nói riêng và DN nhỏ và vừa nói chung, ngày 16 tháng 5 năm 2016 Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, mà cụ thể là xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích HKD cá thể chuyển đổi và đăng ký theo Luật DN. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực kinh tế; phát triển HKD chuyển đổi sang hình thức DN theo lộ trình phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nền kinh tế.
Các quy định pháp luật được ban hành khá đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện pháp lý cho phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần của Việt Nam, hướng dẫn các đối tượng liên quan thực hiện. Qua đó, khuôn khổ chính sách đã dần hoàn thiện theo hướng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời để tạo điều kiện pháp lý cho phát triển hoạt động của HKD. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số bất cập trong các quy định của Nhà nước, hệ thống pháp luật có tính đồng bộ, tính thống nhất và tính thực tiễn chưa cao. Cụ thể là: việc đăng ký kinh doanh được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau mà chưa có Luật về đăng ký kinh doanh thống nhất, Luật Thương mại được ban hành nhưng trên thực tế không thể áp dụng được vì có nhiều nội dung không phù
hợp và bất cập với thực tiễn hoạt động kinh doanh của các HKD nói riêng và DN nói chung, các quy định của pháp luật về hợp đồng có sự “vênh nhau” khá lớn trong việc áp dụng, nhiều HKD tỏ ra lúng túng không biết áp dụng theo pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Luật Thương mại hay Luật Dân sự trong các giao dịch kinh doanh sản xuất của mình.
Mức độ điều tiết, can thiệp của Nhà nước, can thiệp quá mức hay thiếu sự điều tiết phù hợp trong quá trình cung cấp dịch vụ: Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã quy định thẩm quyền QLNN về đăng ký DN mà trong đó có HKD thì: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, biểu mẫu, chế độ báo cáo phục vụ công tác đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử”; “Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kết nối giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế nhằm cung cấp mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mã số địa điểm kinh doanh và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.” [12, tr.10]
Mức độ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát: Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng tích cực thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của HKD trên nhiều lĩnh vực: lao động, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, thuế, …. Công tác hậu kiểm đối với hoạt động của HKD mang ý nghĩa thúc đẩy HKD hoạt động theo quy định pháp luật.
Thứ ba, sự phù hợp về nội dung, phương thức, hình thức, kiểm tra sau đăng ký kinh doanh được thực hiện thống nhất giữa Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân phường. Khi kiểm tra các đơn vị đã thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định và phải đảm bảo tính
khách quan, chính xác, thống nhất, không trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung kiểm tra trong cùng thời gian nhằm giảm thiểu đến mức tối đa sự phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của các cơ sở kinh doanh và thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.
Về cơ bản, các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội trong giai đoạn 2015 - 2019 của Quận 1 đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu mà trong đó vai trò của HKD là rất lớn. Đồng thời, qua kết quả khảo sát ngẫu nhiên của 115 HKD trên địa bàn Quận 1, tác giả nhận định công tác quản lý nhà nước đối với HKD tại Quận 1 có những hiệu quả nhất định, thông qua ý kiến hài lòng cao của chính HKD đối với chính quyền về: thái độ làm việc của cán bộ, công chức, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chương trình kết nối DN với ngân hàng, thí điểm xây dựng Khu ẩm thực kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường có vỉa hè rộng và xây dựng tuyến đường chuyên doanh. Mặt khác, một số vấn đề còn tồn tại mà HKD chưa hài lòng với cơ quan quản lý nhà nước như: giải quyết thủ tục hành chính còn phiền hà, nhũng nhiễu, chưa giải quyết kịp thời kiến nghị, phản ánh của HKD, dịch vụ công trực tuyến chưa phát huy hết hiệu quả, tình trạng thành viên Đoàn/ Tổ kiểm tra có biểu hiện gây khó dễ cho HKD…
2.3.3. Hạn chế
Từ những phân tích đánh giá nêu trên, cho thấy công tác quản lý nhà nước của UBND Quận 1, UBND phường đối với HKD trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn của quận và chính quyền phường. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong thực tiễn chưa đạt được mục tiêu của Quận 1 đề ra, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động và sự phát triển của HKD trong giai đoạn 2015 – 2019, cụ thể:
Thứ nhất, quy định pháp luật còn chồng chéo lẫn nhau giữa các chuyên ngành hoặc chưa có quy định rõ ràng, gây khó khăn trong công tác QLNN đối
với HKD. Ví dụ: việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm “hoạt động kinh doanh dưới hình thức HKD mà không có Giấy chứng nhận đăng ký HKD theo quy định”, nhưng căn cứ 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại có mức phạt tiền khác nhau, cụ thể:
- Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
- Điểm e Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Thứ hai, việc tiếp cận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ví dụ như chương trình kết nối Ngân hàng – DN. Tuy được duy trì tổ chức hằng năm, đã giúp nhiều cơ sở kinh doanh được vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng còn hạn chế đối tượng tham gia nên nhiều DN, HKD chưa được tiếp cận chương trình này hoặc biết thông tin nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại (không có tài sản thế chấp, vay hình thức tín chấp) để hạn chế rủi ro. Các HKD vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận đất đai bởi chi phí thuê, mướn mặt bằng tại quận trung tâm khá cao. Bên cạnh đó, đa phần các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo được tổ chức dành cho các DN là chủ yếu, HKD chỉ được tiếp cận thông tin thông qua công tác tuyên truyền về pháp luật.
Thứ ba, công tác QLNN đối với HKD trong lĩnh vực thuế còn phụ thuộc chủ yếu vào mức độ trung thực của HKD kê khai doanh thu làm cơ sở tính mức thuế khoán. Tình trạng sử dụng hóa đơn bán lẻ vẫn tồn tại song song nên cơ quan quản lý thuế khó có thể kiểm soát được chính xác doanh thu của HKD. Việc kê khai không trung thực cũng không có quy định chế tài cụ thể. Đây cũng là vấn đề cần phải quan tâm nhiều, nó có thể dẫn đến hiện tượng nhũng nhiễu, móc nối giữa cán bộ thuế với HKD để đưa ra mức thuế khoán thấp so với thực tế hoạt động của HKD.
Thứ tư, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa đạt yêu cầu đề ra, còn hiện tượng kinh doanh hàng gian, hàng giả tại các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại và địa bàn dân cư. Chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn cụ thể đối với việc nhận diện thương hiệu nổi tiếng, trong khi đó kỹ thuật làm giả hiện nay ngày càng tinh vi khó có thể nhận biết được. Phần lớn chỉ có thể xử lý theo hướng không có chứng từ xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa.
Thứ năm, công tác hậu kiểm đối với hộ kinh doanh còn nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, HKD phải chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan như UBND quận, phường, công an, thuế, quản lý thị trường,… với nhiều nội dung lĩnh vực khác nhau nên đã dẫn đến tình trạng chồng chéo về nội dung và thời gian. Theo kết quả khảo sát có 11,3% ý kiến của đại diện HKD đồng ý với nội dung này. Mặt khác, công tác hậu kiểm dựa vào khả năng vận dụng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành của các địa phương là chủ yếu. Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra sau đăng ký kinh doanh được thực