Kinh tế thị trường chi phối mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, là xu thế chung của thời đại trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế dựa trên cơ sở sự hợp tác của các bên tham gia và cùng có lợi.
Do trước đây, cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp, chính sách quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm chủ yếu do nhà nước thực hiện chức năng quản lý, đầu tư và phát triển (Nghị định số 100/1966/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm - Hết hiệu lực năm 2002). Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó nền kinh tế đất nước chuyển sang thể chế kinh tế thị trường, sự vận hành của nền kinh tế chịu tác động đáng kể của những quy luật thị trường. Vì thế, đặt ra yêu cầu việc hoạch định các chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm phải phù hợp các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, xây dựng và hoàn thiện các chức năng quản lý nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã đề ra, phù hợp thể chế chính trị và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta trong tiến trình hội nhập, ngăn chặn sự xâm nhập và bài trừ những sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại góp phần thúc đẩy phát triển đất nước toàn diện.