1.2.2.1 Bán chịu hàng hóa, dịch vụ
Bán chịu là một phương thức giao dịch thương mại, theo đó, nhà xuất khẩu sau khi giao hàng xong sẽ ký phát hối phiếu đòi nợ trả chậm đòi tiền nhà nhập khẩu và yêu
cầu nhà nhập khẩu hoặc một người khác do nhà nhập khẩu chỉ định ký chấp nhận thanh toán hối phiếu đòi nợ đó. Đến lúc hối phiếu đòi nợ đáo hạn, nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ từ nhà nhập khẩu. (Nguyễn Thị Quy 2012, tr. 186)
Với việc bán chịu hàng hóa cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu đã tài trợ cho nhà nhập khẩu bằng hình thức “ vay hàng hóa”, kinh doanh tiêu thụ, trả sau. Nhà xuất khẩu đã tạo điều kiện về vốn cho nhà nhập khẩu trong điều kiện thiếu vốn để nhà nhập khẩu có thể mua được hàng hóa mà không phải vay vốn của ngân hàng. Đây cũng chính là một trong hai chế độ tín dụng cơ bản trong nền sản xuất hàng hóa – tín dụng, thương nghiệp giữa các nhà doanh nghiệp với nhau không có sự tham gia của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải nhà doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng dư thừa nhiều vốn để cho vay theo hình thức bán chịu hàng hóa. Rủi ro của hình thức tài trợ này phụ thuộc vào việc thanh toán của nhà nhập khẩu khi hối phiếu đòi nợ đáo hạn.
Để giảm thiểu rủi ro cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu phải yêu cầu ngân hàng phát hành thư bảo lãnh thanh toán hối phiếu đòi nợ trả chậm hoặc cam kết trả tiền hối phiếu đòi nợ bằng LC thương mại hoặc LC dự phòng.
1.2.2.2 Ứng trước tiền hàng
Ứng trước tiền hàng cho Nhà xuất khẩu là một phương thức thanh toán khi mà Nhà nhập khẩu ứng trước cho Nhà xuất khẩu một số tiền nhất định theo đơn đặt hàng của mình trước khi người bán thực hiện việc giao hàng. (Nguyễn Thị Quy 2012, tr. 187)
Ứng trước tiền hàng cho Nhà xuất khẩu không những là một phương thức thanh toán mà còn là một cách thức tài trợ thương mại quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với Nhà xuất khẩu. Trên cơ sở nhận được tiền ứng trước, Nhà xuất khẩu sẽ mua nguyên vật liệu, chuẩn bị hàng hóa để giao cho Nhà nhập khẩu. Với hình thức tài trợ này, Nhà nhập khẩu đã cùng với Nhà xuất khẩu tạo vốn, giúp nhà xuất khẩu có thể chuẩn bị hàng hóa giao kịp, giao đủ và đảm bảo chất lượng cho Nhà nhập khẩu.
Đối với Nhà nhập khẩu, cách tài trợ này có nhiều rủi ro, bởi vì có thể Nhà xuất khẩu không giao hàng hoặc giao hàng không đúng với quy định trong hợp đồng, cho nên cách thức này ít được sử dụng. Tuy nhiên, phương thức ứng trước tiền hàng này thường được sử dụng trong mua bán theo đơn đặt hàng gửi qua bưu điện của Nhà nhập khẩu và việc ứng tiền trước thường được thực hiện cùng với đơn đặt hàng.
Để hạn chế rủi ro của loại hình tài trợ này, người ta thường áp dụng tài trợ đan xen. Có nghĩa là Người thụ hưởng tiền ứng trước phải mở LG (Letter of Guarantee) tại ngân hàng của họ, cam kết hoàn trả số tiền ứng trước cho người ứng trước tiền thụ hưởng. Trong trường hợp người thụ hưởng ứng trước tiền không thực hiện nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, thì ngân hàng phát hành LC phải bồi thường cho người ứng trước tiền.
1.2.2.3 Thương mại bù trừ
Thương mại bù trừ bao gồm các hoạt động trao đổi hàng hóa trong thương mại quốc tế, trong đó thay vì thanh toán bằng tiền hoặc một phần bằng tiền, người nhận hàng có trách nhiệm phải chuyển trả bằng hàng hóa.
Trong điều kiện toàn cầu hóa, tình trạng thiếu ngoại tệ và mất cân bằng cán cân thanh toán đang rất phổ biến trong các nước đang phát triển cũng như các nước gặp phải tình trạng khủng hoảng kinh tế. Các nước này không có đủ ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu đang có nhu cầu cao trong nước như lương thực thực phẩm, thuốc men. Một trong những biện pháp có thể áp dụng là vay nợ, hoặc mua chịu, trả chậm. Tuy nhiên, biện pháp này rất bất lợi về lâu dài vì hầu hết các nước phải chịu những điều kiện tín dụng nặng nề, phải trả lãi vay và thậm chí còn làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Mặc khác, những nước đang phát triển hay những nước đang trong vòng khủng hoảng thường có uy tín thấp trên trường quốc tế, nhất là khả năng trả nợ không đảm bảo, nên việc vay nợ thêm của họ là rất khó khăn. Chính vì thế, các nước này chủ yếu dựa vào phương thức thương mại bù trừ để
tăng cường xuất khẩu hàng hóa, đồng thời cũng nhập khẩu được các mặt hàng thiết yêu mà không phải chịu các rủi ro về thanh toán cũng như tín dụng.
Thương mại bù trừ mang lại một số lợi thế sau:
Tránh được các quy định ngặt nghèo về xin giấy phép để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường một nước.
Tránh được các quy định về quản lý ngoại hối chặt chẽ Tránh được các quy định cấm vận
Tránh được các quy định về giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế
Thương mại bù trừ đã có từ lâu, nhưng trong những năm gần đây, càng nhiều công ty đa quốc gia đã phải nhờ đến thương mại bù trừ để bán hàng ra nước ngoài, mua các sản phẩm nội địa để bù trừ các sản phẩm xuất khẩu của họ sang thị trường đó. Vì hoạt động thương mại bù trừ chủ yếu dựa theo việc thanh toán bằng hàng hóa nên thời điểm cung ứng hàng hóa và thanh toán (trả bằng hàng) thường không trùng nhau, một khi một bên cung ứng trước thì sẽ phải gánh chịu rủi ro do bên kia không thực hiện cung ứng bù trừ và như vậy họ đã thực hiện cung ứng hàng dựa trên cơ sở tín chấp hay nói cách khác là họ đã tài trợ ứng trước cho bên kia trên cơ sở tín chấp.
1.2.2.4 Thanh toán theo tài khoản ghi sổ (Open Account)
Tài trợ thương mại quốc tế theo phương thức thanh toán ghi sổ có nghĩa là Nhà xuất khẩu thỏa thuận giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ cho Nhà nhập khẩu và mở sổ ghi nơ, đến từng kỳ nhất định do hai bên thỏa thuận, Nhà nhập khẩu sẽ chuyển tiền để thanh toán cho Nhà xuất khẩu. Thực chất của phương thức thanh toán này là Nhà xuất khẩu đã tài trợ tín dụng cho Nhà nhập khẩu. (Nguyễn Thị Quy 2012, tr. 189)
Hình thức tài trợ này có một số đặc điểm như sau:
-Đây là phương thức tài trợ mà các công ty tự liên hệ với nhau, không có sự tham gia của các ngân hàng với tư cách là người mở tài khoản và thu tiền cho người ghi sổ.
-Nhà xuất khẩu (người ghi sổ) mở sổ ghi nợ theo dõi thì sổ đó không có giá trị thanh quyết toàn giữa hai bên
-Giá cả hàng hóa hay dịch vụ trong hợp đồng cơ sở tài trợ theo phương thức này thường cao hơn giá cả trong các hợp đồng thanh toán trả ngày bởi vì thực chất của tài trợ theo phương thức thanh toán ghi sổ là Người ghi sổ cấp tín dụng cho người bị ghi sổ.
-Lãi suất theo hình thức tài trợ này được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Thông thường mức lãi suất tài trợ bằng mức giảm giá xuất khẩu so với thanh toán ngay.
-Thời hạn tài trợ mà Nhà xuất khẩu dành cho Nhà nhập khẩu là thời hạn thanh toán quy định trong Open Account, thường là ngắn hạn.
-Trị giá tài trợ bằng trị giá hóa đơn giao hàng
-Nguồn vốn tài trợ tối đa bằng vốn lưu động của Nhà xuất khẩu. Trong thực tế, vốn lưu động của Nhà xuất khẩu là nguồn vốn vay ngắn hạn của Ngân hàng và từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nói thực chất đây là hình thức tái tài trợ và chỉ có hạn chế về quy mô tài trợ cũng như về thời hạn tài trợ.
Phương thức tài trợ này có nhiều rủi ro, do vậy nó chỉ được áp dụng khi Nhà xuất khẩu tin tưởng vào khả năng thanh toán của Nhà nhập khẩu. Sự tin tưởng này chỉ có thể là giữa họ có chung một lợi ích thuộc hợp đồng mà hai bên đã kí kết, có mối quan hệ mua bán lâu đời hoặc quan hệ của họ với nhau là quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, giữa công ty chính và công ty chi nhánh đóng ở nước ngoài, hoặc Nhà nhập khẩu phải có những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình như: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc hoặc có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán,v.v.
1.2.3 Tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp của Nhà nước 1.2.2.1 Chính sách thuế, phí và lệ phí
Chế độ thuế, phí và lệ phí của một quốc gia thường bao gồm 3 thành tố, đó là chế độ thu thuế, phí và lệ phí, chế độ miễn giảm thuế, phí và lệ phí và các biểu thuế suất phí và lệ phí áp dụng trong nền kinh tế quốc dân trong một thời kỳ nhất định.
Trong các yếu tố cầu thành chế độ thuế, phí và lệ phí, thì chế độ miễn giảm thuế, phí và lệ phí được coi như là một hình thức tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế.
Nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi thành viên trong xã hội. Nộp phí và lệ phí là trách nhiệm của bất cứ ai sử dụng và hưởng thụ các công trình phúc lợi công cộng của xã hội. Nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí là những nguồn thu chủ yếu củ ngân sách nhà nước. Để khuyến khích các hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, Nhà nước coi chế độ miễn hoặc giảm đóng thuế, phí và lệ phí cho các tổ chức và cá nhân như là một công cụ tài trợ, tức là Nhà nước đã gián tiếp tài trợ cho họ những khoản tiền mà đáng lý ra họ phải nộp vào Ngân sách nhà nước
1.2.2.2 Chính sách tỷ giá hối đoái
Chính sách tỷ giá hối đoái là chính sách mà trong đó Nhà nước sử dụng tỷ giá hối đoái như là một công cụ để điều chỉnh quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế và tài chính nhất định phục vụ nhiệm vụ chiến lược của nền kinh tế quốc dân.
Công cụ tỷ giá điều chỉnh quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường được tổ hợp thành những cơ chế và biện pháp tỷ giá như cơ chế đơn tỷ giá và đa tỷ giá, cơ chế tỷ giá cố định và thả nổi và các biện pháp khác như nâng giá và phá giá tiền tệ.
Nhà nước có thể quy định tỷ giá thấp để khuyến khích nhập khẩu hàng hóa vốn, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài hoặc quy định tỷ giá cao để khuyến khích xuất khẩu, thu hút du lịch, kiều hối và thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Các biện pháp để Nhà nước điều chỉnh tỷ giá thấp hoặc cao gồm có phá giá tiền tệ và nâng giá tiền tệ, trong đó biện pháp phá giá tiền tệ được sử dụng phổ biến hơn cả.
Nhà nước tiền hành phá giá tiền tệ nhằm đạt được hai mục tiêu. Một là thực hiện chính sách tiền tệ nhằm hạn chế sự thiếu hụt và xúc tiến sự cân bằng của cán cân vãng lai. Hai là thực hiện chính sách tài trợ nhằm tạo ra điều kiện tài chính và cơ hội có lợi cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại quốc tế tăng thu lợi nhuận.
Là mục tiêu của chính sách tiền tệ, phá giá tiền tệ có tác dụng chủ yếu là đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, do đó có tác dụng khôi phục lại sự cân bằng của cán cân thương mại, nhờ đó hạn chế sự thiếu hụt của cán cân vãng lai. Ngoài ra, phá giá tiền tệ cũng có tác dụng khuyến khích thu hút vốn đầu tư, kiều hối, du lịch vào trong nước và hạn chế những dòng vốn trong nước chảy ra bên ngoài với mục đích du lịch, chuyển kiều hối và đầu tư, nhờ đó cũng góp phần hạn chế sự thiếu hụt của cán cân vãng lai.
Là mục tiêu của chính sách tài trợ thương mại quốc tế, phá giá tiền tệ đã tạo ra các cơ hội kinh doanh có lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế có các điều kiện tài chính để tăng thu lợi nhuận.
1.2.2.3 Chính sách lãi suất
Chính sách lãi suất là một chính sách trong đó Nhà nước sử dụng lãi suất như là một công cụ để điều chỉnh khối lượng cung ứng cho nền kinh tế theo các mục tiêu của chiến lược phát triển nền kinh tế quốc dân.
Hầu như 100% vốn lưu động và một phần vốn cố định của các doanh nghiệp đều phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định, khi đáo hạn phải hoàn trả lại vốn và lãi cho các tổ chức tín dụng. Lãi suất vay vốn là lãi suất thị trường và được thỏa thuận trọng hợp đồng tín dụng.
Nhà nước muốn tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, Nhà nước sử dụng cơ chế chênh lệch giữa lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay trên thị trường. Phần chênh lệch lãi suất cho vay đó là lượng giá trị tài trợ gián tiếp của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
Nội dung của cơ chế lãi suất cho vay ưu đãi thường bao gồm những thành tố sau đây:
+Ngân hàng Nhà nước là người thay mặt Chính phủ thực hiện chính sách lãi suất nhằm tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các chương trình mục tiêu của Nhà nước.
+Người được tài trợ là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo các chương trình mục tiêu của Nhà nước. Ví dụ, để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu các khoản vay ưu đãi từ 100.000 USD trở lên sẽ được hưởng lãi suất cho vay cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm kí hợp đồng tín dụng.
+Ngân hàng Nhà nước quy định loại tiền tệ, mức lãi suất vay ưu đãi và thời hạn vay tương ứng: vay nội tệ hoặc vay ngoại tệ hoặc cả hai hoặc theo tỷ lệ.
+Nguồn tài chính tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế có thể huy động trực tiếp từ ngân sách nhà nước hoặc có thể gián tiếp từ các nguồn sau đây:
– Áp dụng mức lãi suất tái chiết khấu thấp đối với các hối phiếu đòi nợ (International Bill of Exchange) của các Ngân hàng thương mại. Trên cơ sở huy động vốn thông qua nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu tại Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất thấp, các Ngân hàng thương mại mới có điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại quốc tế vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
– Áp dụng mức lãi suất tái cấp vốn thấp cho các ngân hàng thương mại với điều kiện các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quốc tế vay lại với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
– Miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nào có tới trên 50% dư nợ tín dụng cấp cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế với điều kiện lãi suất của các khoản dư nợ phải thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường.
– Áp dụng cơ chế bù lãi suất 50% so với mức lãi suất cho vay trên thị trường. Ví dụ, lãi suất cho vay trên thị trường là 10%/năm, thì Ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại quốc tế vay để đầu tư vào sản xuất hay gia công hàng xuất khẩu chỉ với mức lãi suất là 5%/năm. Ngân hàng nhà nước sẽ bù cho Ngân hàng thương mại phần chênh lệch đó là 5%/năm.