Không thể phủ nhận vai trò của Ngân hàng trong việc tài trợ thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu vì các sản phẩm mà ngân hàng cung cấp như thư tín dụng, nhờ thu, chiết khấu,…nhận được sự tin dùng của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam. Mỗi ngày có hàng ngàn, hàng triệu giao dịch được thực hiện, được hoàn thành nhờ các phương thức thanh toán của ngân hàng. Hoạt động TTTM giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng về các dịch vụ tài chính có liên quan tới TTTM. Trên cơ sở đó giúp ngân hàng tăng doanh thu, nâng cao uy tín cho ngân hàng và tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Điều đó không chỉ giúp ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động mà còn là một ưu thế tạo nên sức cạnh tranh của ngân hàng trong cơ chế thị trường. Hoạt động TTTM không chỉ là một hoạt động đơn thuần mà còn là hoạt động hỗ trợ bổ sung cho các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng. Hoạt động TTTM được thực hiện tốt sẽ mở rộng cho hoạt động tín dụng XNK, phát triển hoạt động kinh doanh ngoại tệ, bảo lãnh ngân hàng trong ngoại thương, tài trợ thương mại quốc tế và các hoạt động ngân hàng quốc tế khác.
Tuy nhiên, đó là những phương thức truyền thống và đang dần bị thay đổi vì tính phức tạp, chi phí lớn. Đối với quốc tế, càng ngày hình thức thư tín dụng càng ít được quan tâm. Các ngân hàng đang dần phải nới lỏng quan điểm kiểm tra chứng từ của mình để khách hàng sử dụng dịch vụ thư tín dụng nhiều hơn. Đó là một sự thật mà các ngân hàng đang phải đối mặt hiện nay. Càng ngày các phương thức tài trợ thương mại quốc tế của các doanh nghiệp ngày càng lên ngôi như cho phép bán chịu hàng hóa, dịch vụ, ứng trước tiền hàng, thương mại bù trừ, thanh toán theo tài khoản ghi sổ.
Để nâng cao vai trò của Ngành ngân hàng trong tài trợ thương mại quốc tế, chính phủ cần có những biện pháp để gắn vai trò của ngân hàng vào các phương thức tài trợ thương mại quốc tế của mình. Cụ thể là yêu cầu nếu doanh nghiệp xuất khẩu muốn vay vốn lưu động để sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu thì phải có bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh vay vốn hoặc bảo đảm vay vốn lưu động… Việc bảo lãnh vay vốn của VDB mới chỉ dừng lại ở việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp tại Việt Nam vay vốn
tại các NHTM Việt Nam, chưa tồn tại hình thức bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài vay vốn để nhập hàng hóa Việt, gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam cần được xem xét. Bởi vì đây là một hình thức tài trợ mới, có thể mang lại rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các tổ chức của chính phủ khi thực hiện tài trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp nước ngoài.
Sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cũng là một cách nhằm đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng của các nhà xuất khẩu. Việc này vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho ngành ngân hàng và cho chính phủ. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể đảm bảo khả năng trả nợ của mình cho các ngân hàng, vừa có thể đảm bảo nguồn tiền bán hàng của mình có thể được thu hồi một cách nhanh chóng, ngân hàng có thể giảm được tỷ lệ nợ xấu, còn chính phủ sẽ đạt được mục tiêu bảo vệ xuất khẩu, cải thiện cân bằng cán cân thương mại quốc tế.
Bên cạnh các quy định yêu cầu tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hoặc bảo lãnh vay vốn trong giao dịch vay vốn của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại, Chính phủ cần xem xét bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp và thi hành án liên quan đến các hình thức tài trợ thương mại quốc tế của chính phủ. Các doanh nghiệp khi tham gia vào hình thức tài trợ mới luôn lo lắng về cơ chế pháp lý của các hình thức này nên dù có yêu cầu bổ sung bảo hiểm tín dụng hay bảo lãnh vay vốn khi vay tín dụng tại các ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp cảm thấy các hình thức này chưa có hệ thống pháp lý rõ ràng thì họ cũng không làm.
Quá trình giải quyết tranh chấp, xử lý thi hành án chậm chạp, chưa minh bạch, gây khó khăn trong việc thu hồi các khoản nợ. Hệ thống dịch vụ kiểm toán chưa đủ tin cậy, việc thực thi chuyên môn chưa đáp ứng chuẩn mực kiểm toán quốc tế nên thông tin tài chính về doanh nghiệp có thể sai lệch. Thiếu hệ thống các công ty thu hồi nợ và hoạt động thu hồi nợ kém hiệu quả. Thiếu nguồn nhân lực có khả năng điều hành và kinh nghiệm chuyên môn. Đó chính là các rào cản trong việc phát triển các hình thức tài trợ thương mại quốc tế của chính phủ.
Vì thế, Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý và kinh doanh trên nguyên tắc WTO song song với nghiên cứu hoàn thiện mô hình của tổ chức cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh vay vốn, hay bất kì một hình thức tài trợ thương mại quốc tế nào của mình.