Lịch sử hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại tại công ty cổ phần xi măng và xây dựng quảng ninh (Trang 51 - 54)

QNC tiền thân là Xí nghiệp Than Uông Bí thành lập theo quyết định số 460 ngày 24 tháng 7 năm 1987 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh; sau đó được thành lập lại theo Nghị định 388/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng kèm theo Quyết định số 157/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Ninh, ban hành ngày 20 tháng 01 năm 1993. Ngày đầu thành lập, xí nghiệp chỉ có gần 100 cán bộ công nhân. Từ một xí nghiệp chỉ khai thác và sản xuất than với sản lượng khai thác và kinh doanh thấp, ban giám đốc đã quyết định tập trung nội lực, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Uông Bí tại Xã Phương Nam, Thị Xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 22 tháng 01 năm 1997 UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 262 QĐ/ UB về việc “Sáp nhập Xí nghiệp Xây dựng Uông Bí vào Xí nghiệp Than Uông Bí thành Công ty xi măng và Xây dựng Uông Bí”, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất xi măng, sản xuất chế biến than, sản xuất đá xây dựng và vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông. Ngày đầu thành lập, Công ty có 03 đơn vị thành viên đó là Nhà máy Xi măng Uông Bí; Xí nghiệp Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; Xí nghiệp khai thác và chế biến than. Từ việc hình thành mô hình sản xuất kinh doanh mới, câu hỏi được đặt ra cho ban lãnh đạo QNC là phải làm gì để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển trong thời gian trước mắt cũng như những năm tiếp theo. Bằng những nỗ lực vượt bậc của ban lãnh đạo cùng sự đoàn kết đồng thuận của tập thể cán bộ công nhân viên, QNC không những đã đứng vững mà còn từng bước ổn định được tình hình, sản xuất kinh doanh phát triển và đạt hiệu quả. Quy mô phát triển của QNC ngày càng được mở rộng, đã thu hút và tạo được nhiều công ăn việc làm cho con em cán bộ công nhân viên cũng như nguồn lực lao động trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Gần một năm sau, trước kết quả sản xuất kinh doanh cùng với uy tín của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện kế hoạch sáp nhập để nhằm dùng QNC vực dậy những đơn vị gặp khó khăn do làm ăn thua lỗ trong ngành xây dựng, ngày 11 tháng 4 năm 1998 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định số: 1125/QĐ - UB, về việc sáp nhập các đơn vị và đổi tên Công ty xi măng và xây dựng Uông Bí, thành Công ty xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, gồm các đơn vị trực thuộc Công ty gồm Nhà máy Xi măng Lam Thạch, Nhà máy Xi măng Hà Tu, Xí nghiệp khai thác và chế biến Than Uông Bí, Xí nghiệp Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, đây là thời điểm vô cùng khó hhăn của các doanh nghiệp nhỏ được sáp nhập vào QNC bởi cung cách làm ăn manh mún như tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp Nhà nước ở vào thời điểm những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX.

Việc tiếp tục phải tìm ra lời giải mới cho mục tiêu sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành được đặt ra từ rất nhiều phương án, thuận lợi nhiều nhưng thử thách cũng vô cùng cam go. Nhưng một lần nữa bằng sự tự tin, giám nghĩ, giám làm của ban lãnh đạo QNC, qua những chuyến đi công tác học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình, quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn, cộng với khả năng nhạy bén, tiên lượng cung cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thời mở cửa. Hướng phát triển và kinh doanh đa ngành của QNC đã dần phát lộ, các mũi sản xuất như: xi măng, than, đá, xây lắp các công trình … đã bổ trợ cho nhau một cách uyển chuyển và hiệu quả. Điểm nhấn tiếp theo của chuỗi thành công này phải kể đến khi ban lãnh đạo QNC quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư dây truyền thiết bị hiện đại cho Nhà máy sản xuất xi măng Lam Thạch, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả, chỉ sau một thời gian mở rộng sản xuất, đặt tiêu chí và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, các sản phẩm của QNC làm ra đã đạt được uy tín và thương hiệu, được thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh tin dùng.

Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển không ngừng QNC đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh. Những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, QNC đã giành được sự tín nhiệm của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh không ngừng được mở rộng, đặc biệt QNC đã đầu tư chiều sâu

với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng mọi yêu cầu sản xuất kinh doanh trong thời kỳ đổi mới. Do vậy mà tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình đạt từ 30 - 40%. QNC đã trở thành một doanh nghiệp lớn gồm 17 đơn vị thành viên với hơn 3.000 cán bộ công nhân viên, là con chim đầu đàn của ngành xây dựng tỉnh Quảng Ninh, dẫn đầu khối doanh nghiệp địa phương toàn Tỉnh.

Đứng trước cơ hội Việt Nam ra nhập Tổ chức thương mại Thế giới WTO, Tháng 02 năm 2005 UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số: 497/QĐ-UB về việc “Phê duyệt Phương án Cổ phần hoá và chuyển Công ty Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thành Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh”. Bước chuyển đổi mang tính bước ngoặt đối với lịch sử hình thành và phát triển của QNC trong tư duy cũng như trong quan hệ sản xuất, đã quyết định tới việc tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh của QNC. Với phương trâm kinh doanh đa ngành nghề, luôn đi trước đón đầu, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, luôn giữ chữ tín với khách hàng và các đối tác, luôn lấy chất lượng sản phẩm làm mục tiêu phấn đấu và xây dựng văn hoá doanh nghiệp lành mạnh nên QNC đã gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Năm 2007 QNC đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xi măng công nghệ lò quay hiện đại mang thương hiệu “Xi măng Lam Thạch” với công suất 1.200.000 tấn/năm và chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu xi măng của thị trường. Tiếp tục không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ, thay thế các máy móc thiết bị lạc hậu bằng các thiết bị tiên tiến hiện đại, tiêu hao ít điện năng nhưng vẫn nâng cao được công suất và chất lượng sản phẩm.

Tuy vậy, bước sang đầu thập niên 10 của thế kỷ XXI, trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2008, QNC bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh với tổng tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng mất dần vị thế, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng kém hiệu quả, giá trị cổ phiếu sụt giảm rõ rệt từ mức cao nhất mà các nhà đầu tư săn đón là 52.000đồng/cổ phiếu, có thời điểm giảm xuống còn 1.600đồng/cổ phiếu (giảm 32,5 lần, bằng 1/6 giá trị cổ phiếu phát hành). Ba năm tiếp theo 2013, 2014, 2015 QNC dần rơi vào tình trạng

làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, phải giải thể, chuyển đổi mô hình hoạt động của gần hết các đơn vị thành viên, dần thoái hết vốn sản xuất kinh doanh tại các đơn vị cổ phần thành viên. Đến năm 2016, 2017 QNC liên tục thay đổi bộ máy lãnh đạo cấp cao (4lần thay đổi/năm) và chính thức công bố số lỗ khủng 253 tỷ đồng/năm 2017.

Đến nay tháng 11/2018, QNC chỉ còn duy nhất một đơn vị sản xuất kinh doanh chính là Nhà máy xi măng Lam Thạch công nghệ lò quay và một lĩnh vực dịch vụ là đầu tư kinh doanh sơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và khu dân cư với tổng số cán bộ công nhân viên là 625 người. Tuy vậy, để vận hành Nhà máy xi măng, Ban quản lý Khu công nghiệp và đầu tư hạ tầng hoạt động thông suốt, hiệu quả, QNC cần rất nhiều bạn hàng và đối tác tin cậy, hợp tác ký kết và thực hiện nhiều HĐTM để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Công ty.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại tại công ty cổ phần xi măng và xây dựng quảng ninh (Trang 51 - 54)