Trong xuất khẩu hàng hóa, có 2 trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu phổ biến gồm: hàng hóa mậu dịch và hàng hóa phi mậu dịch.
Hàng mậu dịch có hợp đồng mua bán, số lương xuất nhập khẩu không giới hạn. Doanh nghiệp nhập về mục đích sản xuất kinh doanh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chất hàng hóa,giao dịch được xác nhận sẽ xuất hóa đơn, đóng các lại thuế. Hàng mậu dịch được công nhận là hàng xuất, nhập chính ngạch không phải đi “tiểu ngạch” – mua bán không xuất hóa đơn.
Hàng phi mậu dịch là hàng hóa không phải thanh toán có tính chất hàng hóa không phải dùng nhằm mục đích thương mại gồm:
- Quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
- Hàng hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên;
- Hàng viện trợ nhân đạo;
- Hàng hóa tạm nhập khẩu của những cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;
- Hàng mẫu không thanh toán;
- Dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc của người xuất nhập cảnh; - Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân;
- Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận tải đơn, hàng hóa mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế;
- Hàng phi mậu khác.
Với chi phí vận chuyển thấp và thủ tục thông quan đơn giản, dễ dàng nên đa số các tiểu thương, thương lái của Việt Nam đều chọn con đường xuất khẩu phi mậu dịch thông qua tiểu ngạch của hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc. Chỉ cần một tờ khai tiểu ngạch, chịu phí biên mậu là có thể xuất được hàng, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch. Nhưng,
xuất nhập khẩu tiểu ngạch thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ…Các mặt hàng thường buôn bán qua đường tiểu ngạch gồm: nông sản, các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, vải vóc,…
Luật pháp Việt Nam quy định, dù thương lái có tham gia vào xuất khẩu hàng hóa thông qua tiểu ngạch, các cá nhân vẫn phải đóng thuế và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn… bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan. Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng lợi dụng xuất nhập khẩu tiểu ngạch để tránh thuế. Họ có thể thuê mướn nhiều người dân ở vùng biên giới thực hiện việc mua bán để không phải nộp thuế nhiều. Tuy nhiên, hành vi này cũng có thể bị bắt và liệt vào trốn thuế.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản, hoa quả chiếm tỷ trọng lớn nhưng nhiều năm qua hoạt động giao thương chủ yếu diễn ra bằng loại hình giao dịch tự do, mua bán trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác của Việt Nam và Trung Quốc (mua bán trao đổi hàng hóa cư dân biên giới theo loại hình tiểu ngạch), chỉ có ít doanh nghiệp, tư thương ký kết Hợp đồng ngoại thương (HĐNT). Việc mua bán hàng hóa tự do, không có HĐNT, đã dẫn đến nhiều rủi ro, tiềm ẩn thiệt hại cho doanh nghiệp, tư thương trong quá trình xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới, đặc biệt là đối với người bán.
Thực tế cho thấy, do mua bán tiểu ngạch nên nhiều doanh nghiệp, tư thương Việt Nam đã gặp rủi ro trong giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa như: rủi ro trong thanh toán, chậm giao nhận hàng, bị ép giá sản phẩm; bị trừ tiền, trả lại hàng do mẫu mã, chất lượng không bảo đảm, không đáp ứng đúng yêu cầu…. Trong số các doanh nghiệp, tư thương xuất nhập khẩu nông sản, trái cây thì có tới 90% doanh nghiệp, tư thương có thói quen giao dịch tự do "thuận mua, vừa bán", tại chợ biên giới mà không thực hiện ký kết HĐNT với đối tác Trung Quốc.