Số liệu phục vụ phân tích thực trạng hoạt động mua lại cổ phiếu ở Việt Nam được dựa trên số liệu mua lại cổ phiếu đến cuối năm 2016 của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Số liệu được cung cấp bởi công ty Cổ phần Thông tin Tài chính StoxPlus. Nếu số lượng cổ phiếu được mua lại quá nhỏ, các ảnh hưởng của hoạt động này sẽ không rõ ràng trong ngắn hạn. Do vậy, để đảm bảo theo dõi được ảnh hưởng của hoạt động mua lại cổ phiếu một cách rõ rệt, tác giả sẽ chỉ xem xét những trường hợp mà số lượng cổ phiếu được mua lại không nhỏ hơn 0,05% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Hoạt động mua lại cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam từ 2011 đến 2016 có một số đặc điểm sau:
- Trong các thông báo mua lại cổ phiếu được theo dõi năm 2016 thì tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Mã chứng khoán: PLX) có số lượng cổ phiếu mua lại nhiều nhất là 155 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 74% số lượng cổ phiếu được thông báo mua lại trong năm 2016. Đây là một con số khá lớn và cũng gây ra các ảnh hướng ngắn hạn rõ rệt lên giá cổ phiếu của công ty ngay sau đó.
- So sánh với số lượng cổ phiếu của năm 2015 thì năm 2016 số lượng cổ phiếu được đăng kí mua lại đã tăng 25%.
- Tuy số lượng cổ phiếu đăng kí mua lại đã tăng đáng kể so với các năm trước song trong năm 2016, số công ty đăng kí mua lại cổ phiếu lại là ít nhất trong giai đoạn kể từ năm 2011, chỉ có 21 công ty mua lại cổ phiếu.
Tổng số lượng cổ phiếu được mua lại trên cả 2 sàn HNX và HoSE trong năm 2016 là 208,8 triệu cổ phiếu, số lượng cổ phiếu này đăng kí mua là lớn nhất trong giai đoạn 2011-2016, tuy nhiên số lượng công ty mua thì lại ít nhất. So với năm 2014, số lượng cổ phiếu được mua lại chỉ là 49,4 triệu cổ phiếu thì năm 2016 đã đánh dấu một bước đột phá về số lượng cổ phiếu được mua lại, trong đó phải kể đến số lượng cổ phiếu PLX được giao dịch mua lại đã chiếm đến 74%.
Xét riêng sàn HNX, sàn HNX số lượng cổ phiếu giao dịch mua lại cũng thấp hơn so với sàn HoSE. Tính đến năm 2016, tính riêng trên sàn HNX chỉ có 7,6 triệu cổ phiếu được mua lại, số lượng cổ phiếu được mua lại thấp thứ 2 chỉ sau năm 2012 với lượng giao dịch đăng kí mua lại 6,4 triệu cổ phiếu. Với số lượng cổ phiếu mua lại của năm 2016 là 7,6 triệu cổ, lượng mua lại này đã giảm đến 60% so với lượng cổ phiếu được mua lại của năm 2015. So với lượng cổ phiếu trung bình được mua lại ở trong giai đoạn 2011-2016 thì số lượng cổ phiếu được mua lại của năm 2016 chỉ chiếm 45%, con số quá thấp so với mức trung bình chung.
Ngược lại với số lượng cổ phiếu giao dịch ảm đạm trên sàn HNX, sàn HoSE lại vượt trội hơn khi mà các năm sau số lượng cổ phiếu mua lại thường có xu hướng cao hơn so với các năm trước. Xét riêng cho năm 2016, số lượng cổ phiếu được mua lại tăng 36% so với năm 2015, đây cũng là năm số lượng cổ phiếu được mua lại cao nhất trong giai đoạn 2011-2016, với số lượng được mua lại là 201,2 triệu cổ phiếu
Hình 2.1 Số lƣợng cổ phiếu đƣợc mua lại và số lƣợng cổ phiếu thông báo mua lại giai đoạn 2011-2016
Nếu như năm 2014 đánh dấu việc sàn HNX có số lượng cổ phiếu được mua lại nhiều nhất thì trên sàn HoSE số lượng cổ phiếu lại được mua lại ít nhất trong giai đoạn 2011-2016. Tuy vậy, so sánh chung cho giai đoạn 2011-2016 thì sàn HoSE vẫn có số lượng cổ phiếu giao dịch vượt trội hơn so với sàn HNX. Điều này cũng dễ dàng được giải thích khi mà số lượng công ty được niêm yết trên sàn HoSE nhiều hơn hẳn so với sàn HNX, và xét trên tổng thể về quy mô, độ uy tín, tốc độ phát triển, lợi nhuận,...của các công ty niêm yết trên sàn HoSE về tổng thể vẫn được đánh giá cao hơn so với sàn HNX. Chưa kể xu hướng hiện nay các doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt thường sẽ nhu cầu chuyển từ sàn HNX sang sàn HoSE, dẫn đến số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE ngày càng nhiều hơn, trong khi các doanh nghiệp trên sàn HNX ngày càng ít đi.