Thị trường chứng khoán những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc như vậy một phần là dựa các yếu tốt vĩ mô tương đối tốt, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, và đặc biệt là các Hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã kí kết với các quốc gia
trong khu vực và trên thế giới. Hội nhập quốc tế có thể đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia như mở rộng thị trường thương mại và đầu tư, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển nội lực của các doanh nghiệp và điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong nước theo hướng hiệu quả hơn trong môi trường cạnh tranh, tăng cường vị thế chính trị, nắm bắt thông tin và cập nhật chiều hướng phát triển của thế giới để định hướng và điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, tận dụng được các chương trình hỗ trợ phát triển song phương và đa phương.
Từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng bước phát triển, trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam . Phải mất 2 năm sau giai đoạn bóng bóng chứng khoán tại Việt Nam, thị trường chứng khoán mới chính thức ổn định và nhờ các chính sách tự do hoá thương mại khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi quan trọng hơn trong việc hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất lao động, sản lượng lao động, tăng hạn ngạch xuất khẩu và tạo tiền đền để phát triển kinh tế. Quá trình hội nhập quốc tế của một nền kinh tế không chỉ đơn thuần trên một lĩnh vực mà cần được giao lưu trên nhiều lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực đóng vai trò nòng cốt như: Thương mại, dịch vụ và tài chính, ngân hàng,… giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới với nhau. Việt Nam mong muốn đóng góp và giao lưu cùng các nước phát triển trên thế giới nhằm đưa các doanh nghiệp của Việt Nam tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, trao đổi hàng hoá tự do trên thị trường, học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, chuyển giao kĩ thuật sản xuất để phát triển cho chính doanh nghiệp của mình. Và như vậy hội nhập kinh tế quốc tế rõ ràng là một tiến trình mà thị trường chứng khoán Việt Nam nhất định sẽ tham gia vào. Thị trường chứng khoán Việt Nam chính là đại diện cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán, gián tiếp đại diện cho doanh nghiệp và phản ánh một phần nền kinh tế của đất nước, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thu hút vốn từ các quỹ khác nhau ở các nước thuộc WTO. Qua nhiều năm trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đúng lộ trình cam kết trong lĩnh vực tài chính nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán nói riêng.
Sau WTO, việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kỳ vọng giúp đẩy mạnh sự phát triển và hội nhập của thị trường dịch vụ tài chính, thông qua các cam kết mở cửa thị trường ở mức cao đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ các Hiệp định này, việc giao thương buôn bán và miễn trừ thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu sang các nước khác.
Với các FTA, cơ chế bảo hộ đầu tư cũng được thiết lập từ các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà nước, nhà đầu tư với Nhà nước, nguyên tắc đối xử tối thiểu… được quy định một cách cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, môi trường cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Đáng lưu ý là cam kết về cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới sẽ giúp các công ty quản lý quỹ huy động thêm vốn từ các đối tác nước ngoài, mặt khác thúc đẩy các công ty quản lý quỹ trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ quản lý tài sản.
Bên cạnh đó, cam kết cho phép cung cấp qua biên giới một số dịch vụ chứng khoán cũng giúp tăng chuẩn mực về quản trị công ty, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Nhìn chung, tham gia vào FTA sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phân bổ lại nguồn lực trong nước theo hướng hiệu quả hơn, hỗ trợ cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế của doanh nghiệp và đổi mới chính sách hoạt động và tăng trưởng.
Mới đây nhất Việt Nam đã kí Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) vào tháng 3 năm 2018 tại Chile, đây được xem là một phiên bản mới của TPP và điều đáng chú là không có Mỹ tham gia trong số 11 nước kí kết hiệp định. Việc CPTPP được kí kết thiếu đi Mỹ đã làm cho các lợi ích từ Việt Nam nhận được giảm đi đáng kể, tuy nhiên là Việt Nam vẫn đạt được những lợi ích
nhất định. Việt Nam được đánh giá là nước có nền kinh tế phát triển yếu nhất trong 11 nước kí kết Hiệp định song với việc kí kết hiệp định này Việt Nam sẽ được hưởng một vài lợi ích như: GDP tăng them 1,32%xuất khẩu tăng thêm 4%.
Thời gian qua đã có hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển đã được thực hiện như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng cao năng lực quản lý giám sát, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thiện và phát triển thị trường thị trường trái phiếu... cũng được Chính phủ cam kết thực hiện. Các giải pháp này thể hiện rõ mục tiêu mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới, đó là hội nhập quốc tế, thực hiện nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp thị trường chứng khoán tiếp cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tự do hóa là động lực cho thị trường chứng khoán phát triển, tăng hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và tính thanh khoản cho thị trường, khơi thông dòng chảy của luồng vốn đầu tư gián tiếp, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong nước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên mới nổi, đây sẽ là một bước thay đổi rất quan trọng về “chất” và vị thế thị trường Việt Nam. Mục tiêu đặt ra đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020 là quy mô thị trường cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 60% GDP. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khẳng định vững chắc hơn vai trò huy động, phân bổ vốn trong nền kinh tế bên cạnh kênh ngân hang, mặt khác sẽ là một công cụ để đầu tư, tích lũy tài sản của người dân.
Cùng với các nội dung và giải pháp đồng bộ thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam trên 4 trụ cột: hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường thì việc chúng ta kiên trì, quyết liệt thực hiện minh bạch hóa thị trường chứng khoán sẽ là nhân tố mang tính quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển lành mạnh, bền vững. Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được khẳng định vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Với hơn 2% dân số có tài khoản chứng khoán, đây được cho là con số rất khiêm tốn trên thị trường chứng khoán, trong tương lai tới khi thị trường chứng Việt Nam được nâng hạng con số này có thể tăng lên đáng kể, thị trường chứng khoán sẽ được gia tăng lượng vốn hoá, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn từ các nhà đầu tư
Một trong những cơ hội đến với thị trường chứng khoán nói chung và với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đấy chính là các dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam trong những năm gần đây dưới dạng các quỹ đầu tư nước ngoài. Với quyết định nới room sở hữu doanh nghiệp trong những năm gần đây đã đáp ứng được sự mong mỏi của các nhà đầu tư và sẽ kích thích dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam. Trong những năm trước, Việt Nam chưa có các sửa đổi liên quan đến việc nới room ngoại cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trong những năm gần đây, bằng chính sách mở cửa nới room ngoại, Chính phủ Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu cần thiết đối với thị trường chứng khoán, qua đó thúc đẩy cho thị trường chứng khoán tăng mạnh. Những nhà đầu tư trong nước tích cực mua vào với hi vọng sẽ bán ra khi làn sóng mua vào của khối ngoại ấp đến. Chỉ số VNINDEX đã trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Đông Nam Á và đứng top các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng được xem như các tín hiệu tích cực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến các quỹ ngoại đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc,…
Tính riêng năm 2017, khoảng 1,2 tỷ USD là giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết. Năm 2017, chứng kiến hoạt động giao dịch mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, với việc mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng). Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007 cho thấy thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tăng bền, tăng vững chắc khác xa với giai đoạn chứng khoán
Việt Nam 2007-2008. Tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016. Với số lượng vốn lớn như vậy của quỹ ngoại mang vào cho thị trường chứng khoán, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn này vào hoạt động kinh doanh, sản xuất và cũng là dấu hiệu tích cực từ cách nhìn của các quỹ ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.