Đánh giá thực hiện công việc là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của quản trị nhân lực. Có thể hiểu đó là sự đánh giá có hệ thống và chính thức tình hình thực hiện công việc của người lao động trong quan hệ so sánh với các tiêu chuẩn đã được xây dựng và thảo luận về sự đánh giá đó với người lao động.
Như vậy khái quát lên ta có thể hiểu rằng Đánh giá thực hiện công việc là căn cứ vào những tiêu chuẩn, tiêu chí mà công ty đã đề ra để đi đánh giá xem mức độ thực hiện công việc của người lao động là tới mức nào.
Đánh giá thực hiện công việc có ý nghĩa vô cùng to lớn. Qua đánh giá ta sẽ biết rõ được năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động đang ở mức nào. Từ đó giúp cho các nhà quản lý có được những quyết định nhân sự đúng đắn như quyết định về thăng chức, quyết định về tiền lương. Đồng thời nó cùng giúp người lao động nhận biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu cuả mình, từ đó tạo động lực lao động. Do đó mà mỗi tổ chức cần thực hiện tốt công tác đánh giá thực hiện công việc tại doanh nghiệp mình. Muốn vậy thì phải thực hiện tốt những công việc sau:
- Lựa chọn và thiết kế phương pháp đánh giá. Việc này phụ thuộc trực tiếp vào mục đích của việc đánh giá, vào mục tiêu của hoạt động quản lý tại công ty.
- Lựa chọn nguời đánh giá. Thông thường đó sẽ là người lãnh đạo trực tiếp. Tuy nhiên cũng có thể lưạ chọn thêm một số người khác như bạn cùng làm việc, người dưới quyền người được đánh giá, khách hàng.
- Xác định chu kỳ đánh giá. Thông thường chu kỳ đánh giá thường là 6 tháng hoặc 1 năm hoặc tùy vào đợt hoàn thành công việc.
- Đào tạo người đánh giá. Đây là một việc quan trọng vì nó tác động tới hiệu quả của việc đánh giá. Đó phải là những người có hiểu biết về hệ thống đánh giá, vào mục đích của đánh giá, hiểu rõ được cách đánh giá.
Cuối cùng là cuộc nói chuyện chính thức giữa người lãnh đạo trực tiếp và nhân viên để xem xét lại toàn bộ quá trình thực hiện công việc của người nhân viên đó.
Từ đó đưa ra được những quyết định cuối cùng về kết qủa thực hiện công việc của người lao động.