II. ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH GIÁ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.
1. Thực hiện tự do hoá thị trường và giá cả
Đây là quan điểm mang tính tiền đề . Bởi vì, có thực hiện phát triển sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường thì nền sản xuất hàng hoá mới phát triển thực sự theo đúng nghĩa của nó, đảm bảo sự hoạt động khách quan của các qui luật vốn có của nó. Không tự do hoá thị trường thì không làm bộc lộ đầy đủ những mâu thuẫn vốn có, những hạn chế nội tại của kinh tế thị trường mà chính sách và cơ chế quản lý giá của Nhà nước lại phải hướng vào giải quyết những vấn đề đó.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường, tạo lập đồng bộ và vận hành thống suất các loại thị trường, để các giao dịch thị trường diễn ra phù hợp với các nguyên tắc của thị trường. Phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh tự do hoá thương mại và đầu tư phù hợp với các cam kết song phương, đa phương của nước ta và theo thông lệ quốc tế, tạo sự phát triển mới, nhanh toàn diện thị trường dịch vụ; thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; tôn trọng quyền định giá và cạnh tranh về giá cả của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, thực hiện quản lý Nhà nước về giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền phù hợp với cơ chế thị trường và nguyên tắc của hội nhập quốc tế”.
Để thực hiện phát triển sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường, đòi hỏi phải thể chế hoá mọi điều kiện, đảm bảo cho sự hoạt động khách quan của nền kinh tế thị trường. Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo luật pháp. Đồng thời, cũng phải thấy được vai trò của Nhà nước trong việc quản lý thị trường và giá cả. Nhà nước không can thiệp trực tiếp, can thiệp sâu vào công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,
nhưng nhà nước có định hướng (có ngành nghề phải yêu cầu bắt buộc) và chỉ dẫn các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cũng như quyết định mức giá để đảm bảo lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, đều phải bình đẳng với nhau về các mặt như; Vay vốn ngân hàng, định giá sản phẩm, chính sách thuế ... không phân biệt doanh nghiệp đó thuộc loại hình sở hữu nào. Có như vậy khi tham gia vào thị trường mới đảm bảo công bằng theo đúng luật và buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.