2.1.1.1 Khái niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài
Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là một trong những hình thức cơ bản của hoạt động kinh tế quốc tế gắn liền với sự di chuyển dòng vốn từ nước này sang nước khác. ĐTNN xuất hiện trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền (CNTBĐQ), còn gọi là xuất khẩu tư bản và được coi là một trong những đặc điểm của CNTBĐQ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phát triển như hiện nay, giao lưu kinh tế quốc tế ngày càng phát triển, việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư giữa các nước ngày càng mạnh mẽ và đa dạng.
ĐTNN là sự di chuyển vốn đầu tư sang lãnh thổ của một nước do một nước khác sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp thực hiện dưới các hình thức như một công ty hay một doanh nghiệp; cổ phần cổ phiếu và hình thức góp vốn khác, trái phiếu, giấy ghi nợ, các quyển theo hợp đồng, tại sản hữu hình và tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ...
Theo tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD, 2015), đầu tư được hiểu là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra. Từ khái niệm này có thể thấy được các nguồn lực bỏ ra có thể là tiền tệ, nguồn tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động và công nghệ. Còn những kết quả thu được trong tương lai có thể là sự gia tăng về tài sản tài chính, vật
chất (nhà máy, đường xá, cơ sở hạ tầng…), tài sản trí tuệ (khoa học kỹ thuật, văn hóa…) [23].
Nguồn vốn đầu tư phát triển được chia thành hai loại: vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài lại chia thành vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).
FII là sự di chuyển vốn đầu tư giữa các quốc gia mà người sở hữu vốn không trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động sử dụng vốn, do đó người sở hữu vốn không chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả đầu tư. Họ chỉ hưởng lãi suất theo tỷ lệ đã được công bố trước hoặc không được công bố trước trên
số vốn mà họ đã đầu tư. Vốn đầu tư gián tiếp thường tồn tại dưới ba hình
thức: đầu tư vào chứng khoán, cho vay thương mại và viện trợ phát triển chính thức.
FII có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính trung gian như quỹ đầu tư, đầu tư danh mục trên thị trường chứng khoán nước sở tại.
FDI là loại hình di chuyển vốn giữa các nước trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn.
Về bản chất, FDI là loại hình đầu tư quốc tế mà chủ đầu tư bỏ vốn để xây dựng hoặc bỏ vốn để mua (toàn bộ hoặc một phần) các doanh nghiệp ở nước ngoài để trở thành người chủ sở hữu và trực tiếp quản lý và điều hành hoặc tham gia quản lý điều hành cơ sở kinh doanh đó. Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trực tiếp trước kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó (hoặc toàn bộ hoặc một phần tùy theo số vốn họ đóng góp).
Hiện nay, FDI có ba định nghĩa chính như sau: (1)
Thứ nhất, về khía cạnh lý thuyết, Graham và Krugman (1995) cho rằng FDI là hoạt động đầu tư vào nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, đất đai, và hàng tồn kho. Trong đó, vốn và hoạt động quản lý có liên quan chặt chẽ với nhau và nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn này [79].
Sonarajah (1994) định nghĩa FDI là hình thức chuyển giao tài sản từ quốc gia này sang quốc gia khác với mục đích tạo ra của cải dưới sự kiểm soát toàn bộ hoặc một phần nào đó của chủ sở hữu tài sản [102]. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) (1993), FDI là hoạt động đầu tư nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài của một doanh nghiệp tại nước sở tại nhưng đồng thời cũng tạo ra tính kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư [82].
Thứ hai, về khía cạnh thống kê, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, 2015) định nghĩa “FDI là hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm thiết lập các mối quan hệ kinh tế lâu dài với một doanh nghiệp đặc biệt là những khoản đầu tư mang lại khả năng tạo ảnh hưởng đối với việc quản lý doanh nghiệp nói trên bằng cách: (i) Thành lập hoặc mở rộng một doanh nghiệp hoặc một chi nhánh thuộc toàn quyền quản lý của chủ đầu tư; (ii) Mua lại toàn bộ doanh nghiệp đã có; (iii) Tham gia vào một doanh nghiệp mới; (iv) Cấp tín dụng dài hạn (> 5 năm); (v) Quyền kiểm soát: nắm từ 10% cổ phiếu thường hoặc quyền biểu quyết trở lên” [96]. Còn theo Tổng cục thống kê Việt Nam (2012), đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các nhà đầu tư nước ngoài mang nguồn vốn (có thể là tiền tệ hoặc tài sản) vào Việt Nam với mục đích tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam [45].
Thứ ba, về khía cạnh pháp lý, theo Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987: “FDI là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của luật này” [27].
Các văn bản Luật liên quan đến đầu tư gần đây của Việt Nam như: Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020 đều không đưa ra khái niệm về FDI mà chỉ đưa ra các khái niệm: đầu tư trực tiếp, đầu tư kinh doanh, đầu tư nước ngoài. Cụ thể, theo Luật Đầu tư năm 2005,
“Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư” [28] và “Đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư” [28]. Kết hợp hai khái niệm này, có thể hiểu: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài) đưa vốn bằng tiền hoặc bất cứ hình thức tài sản nào vào Việt Nam để tiến hành hoạt động đầu tư và có tham gia quản lý hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”. Còn Luật Đầu tư của Việt Nam năm 2014 chỉ đưa ra khái niệm về “đầu tư kinh doanh” và “nhà đầu tư nước ngoài”. Theo đó, “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” [29] và “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” [29]. Từ hai khái niệm này, có thể hiểu: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, các tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam”. Tiếp đến, Luật Đầu tư của Việt Nam năm 2020 chỉ đưa ra khái niệm về “đầu tư kinh doanh” và “nhà đầu tư nước ngoài”. Theo đó, “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh” [30] và “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” [30]. Từ hai khái niệm này có thể hiểu: “FDI là việc các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, các tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam”.
Qua các khái niệm trên có thể đưa ra khái niệm chung nhất về FDI như sau: FDI là hình thức đầu tư quốc tế mà nhà đầu của một nước (nước chủ đầu tư) đưa vốn và các tài sản hợp pháp khác của mình đủ lớn để tiến hành đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lãnh thổ của một quốc gia khác (nước nhận đầu tư) để tìm kiếm lợi nhuận, đồng thời họ tham gia trực tiếp điều hành đối tượng mà họ tự bỏ vốn đầu tư. FDI mang tính dài hạn và phản ánh mối quan tâm lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với hình thức FDI, nhà đầu tư có quyền quản lý đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư.
2.1.1.2 Khái niệm về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Luận án sử dụng cách hiểu về thu hút vốn FDI của tác giả Nguyễn Huy Thám (1999), theo đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là những hoạt động chính sách của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư nhằm quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện mục đích đầu tư phát triển. Thực chất thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là làm gia tăng sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài để từ đó chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương hoặc ngành [39].