ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TÍNDỤNG CỦA NHNo&PTNT CH

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh huyện lạc thủy tỉnh hòa bình khoá luận tốt nghiệp 403 (Trang 54 - 60)

NHÁNH HUYỆN LẠC THỦY, TỈNH HÒA BÌNH

2.3.1. Ket quả đạt được

Trong những năm vừa qua, hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT chi nhánh huyện Lạc Thủy đã đạt được một số thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHNo&PTNT tỉnh Hòa Bình nói chung và của chi nhánh nói riêng.

Thứ nhất, hoạt động tín dụng chi nhánh đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát quy chế của ngành và các văn bản chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Lạc Thủy.

Thứ hai, quy mô tín dụng của chi nhánh lớn, dư nợ tín dụng tăng trưởng ổn định, tạo điều kiện nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của chi nhánh so với các TCTD khác tại địa phương.

Thứ ba, nhìn chung các khoản cho vay của chi nhánh có chất lượng đảm bảo. Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức thấp, giảm dần qua các năm, nằm trong kế hoạch mà NHNo&PTNT tỉnh Hoà Bình giao. Tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD giảm dần, chứng tỏ các khoản nợ của chi nhánh an toàn hơn, giảm dần các khoản nợ yếu kém bị tổn thất. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần có xu hướng tăng, góp phần nâng cao khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh.

Thứ tư, chi nhánh đã tăng cường cho vay để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, đồng thời đẩy mạnh công tác cho vay qua tổ nhóm bằng việc phối kết hợp với hội nông dân, hội phụ nữ... và hoạt động của điểm giao dịch lưu động. Công tác cho vay qua tổ nhóm góp phần giảm thiểu áp lực đối với cán bộ tín dụng, đồng thời giúp chi nhánh nắm bắt thông tin, nhu cầu từ khách hàng, tạo điều kiện trong công tác điều hành. Nhìn chung, các tổ vay vốn đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong việc vận động, tuyên truyền, đôn đốc các tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Thứ năm, công tác kiểm tra, kiểm soát khoản vay đã được chi nhánh chú

trong và sau khi cho vay, kiểm tra quy trình giải ngân, thu nợ nhằm giảm thiểu rủi ro và phát hiện, xử lý kịp thời các sai sót.

Ket quả trên đạt được là do sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của tập thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của chi nhánh. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của NHNo&PTNT tỉnh Hòa Bình, các cấp Đảng ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện.

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân 2.3.2.1. Hạn chế

Bên cạnh những thành tích tốt, hoạt động tín dụng của chi nhánh vẫn còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, dư nợ tín dụng tăng trưởng vẫn còn thấp, nhất là năm 2019 với dư nợ cho vay chỉ tăng 1,3% so với năm 2018.

Thứ hai, dư nợ cho vay tập trung hầu hết vào lĩnh vực nông nghiệp. Chi nhánh rất dễ gặp phải rủi ro khi hoạt động tín dụng tập trung hầu hết vào một lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, dễ gặp nhiều rủi ro khách quan như thiên tai, dịch bệnh... làm tổn thất hoặc giảm hiệu quả sử dụng vốn vay, ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng của chi nhánh.

Thứ ba, tỷ lệ nợ quá hạn tăng dần. Tuy tỷ lệ nợ quá hạn vẫn nằm trong mức an toàn nhưng lại cho thấy hoạt động tín dụng của chi nhánh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khả năng tăng nợ, ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh doanh của chi nhánh.

Thứ tư, một số cán bộ tín dụng còn gặp nhiều sai sót trong quy trình nghiệp vụ, ảnh hưởng không tốt tới công tác tín dụng của chi nhánh.

Thứ năm, quy trình, thủ tục cho vay vẫn chưa phù hợp với trình độ của một bộ phận người dân địa phương, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới tài sản bảo đảm là đất đai. Ngoài ra, chi nhánh chủ yếu nhận tài sản đảm bảo là đất đai nên cũng hạn chế khả năng vay vốn của khách hàng.

Thứ sáu, việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tín dụng vẫn chưa được khách hàng và cán bộ ngân hàng đánh giá tốt. Hệ thống khi hoạt động vẫn chưa được trơn tru, còn hay gặp lỗi. Khách hàng muốn chi nhánh đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến hơn nữa để thuận tiện hơn trong giao dịch.

2.3.2.2. Nguyên nhân chủ quan

a) Nguyên nhân từ phía ngân hàng

Thứ nhất, từ phía đội ngũ tín dụng của chi nhánh. Trình độ chuyên môn của đội ngũ tín dụng ngày càng được nâng cao, song vẫn còn những hạn chế. Đội ngũ cán bộ tín dụng của chi nhánh còn thiếu, lại thêm công việc quá tải nên khó tránh khỏi những sai sót trong quá trình làm việc.

Bên cạnh những cán bộ công tác lâu năm, dày dạn kinh nghiệm thì đội ngũ tín dụng của chi nhánh còn có những cán bộ trẻ. Các cán bộ trẻ này có ưu điểm là năng động, nhiệt tình với công việc. Tuy nhiên, họ vẫn còn thiếu những kinh nghiệm làm việc thực tế, những điều mà không sách vở nào trên trường học dạy.

Một số cán bộ tín dụng đôi khi vẫn chỉ tập trung vào giá trị khoản vay hay giá trị tài sản bảo đảm mà không chú ý đến các yếu tố khác. Thấy giá trị khoản vay lớn hay giá trị tài sản bảo đảm lớn là đã có thể đề xuất cho vay mà không xem xét kỹ lưỡng phương án sử dụng vốn của khách hàng có hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, cũng có một số cán bộ có tư tưởng tự mãn với thành tích của bản thân hay sợ khó ngại khổ, sợ bị quy chụp trách nhiệm mà không đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, về việc phân tích tín dụng. Cán bộ tín dụng của chi nhánh hiện vẫn đang tập trung nhiều vào việc phân tích tài chính mà vẫn chưa chú trọng nhiều vào việc phân tích phi tài chính. Các yếu tố phi tài chính như tính cách, uy tín của khách hàng, năng lực kinh doanh... không dễ dàng để xác định, phân tích và đánh giá. Còn về việc phân tích tài chính, hiện tại mới chỉ đơn thuần tính toán các chỉ tiêu, hệ số, so sánh sự thay đổi qua các kỳ chứ chưa có cơ sở để so sánh, đối chiếu như số liệu từ các khách hàng khác có cùng loại hình hoạt động hay hệ thống chỉ tiêu trung bình của các ngành nghề kinh doanh trên địa bàn huyện.

Thứ ba, công tác kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay tuy đã được chú trọng và tăng cường nhưng với một khối lượng công việc lớn, kiểm soát viên sẽ khó có thể thực hiện công việc một cách hoàn hảo được.

Thứ tư, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ tín dụng tại chi nhánh mới chỉ là triển khai, nghiên cứu các văn bản, quy định của ngành, đào tạo kiến thức chuyên môn mà vẫn chưa thật sự chú trọng vào việc chia sẻ các kinh nghiệm, bí kíp làm việc,

những tình huống tín dụng thực tế xảy ra tại chi nhánh hoặc các ngân hàng khác để từ đó các cán bộ rút ra bài học cho chính mình, tránh gặp phải những sai sót trong tương lai.

Thứ năm, hệ thống công nghệ ngân hàng của hệ thống NHNo&PTNT Việt

Nam vẫn còn hạn chế. Tuy là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc phát triển công nghệ ngân hàng, song ở thời điểm hiện tại, khi so sánh với các NHTM khác thì NHNo&PTNT Việt Nam vẫn còn có những khoảng cách nhất định.

b) Nguyên nhân từ phía khách hàng

Thứ nhất, quy mô sản xuất kinh doanh, chi tiêu của người dân địa phương nhỏ, năng lực tài chính không đồng đều dẫn đến khả năng đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn tín dụng còn thấp.

Thứ hai, trình độ dân trí không đồng đều, khả năng tự quản lý nguồn vốn và hạch toán kinh doanh, sản xuất của một bộ phận khách hàng vay vốn còn yếu kém. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế trong kinh doanh.

Thứ ba, các thông tin khách hàng cung cấp cho chi nhánh vẫn chưa đầy đủ, trung thực. Các số liệu trong báo cáo tài chính, sổ sách ghi chép thu nhập - chi phí chưa phản ánh chính xác khả năng tài chính của khách hàng. Nhiều phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng xây dựng chưa bám sát thực tế, chưa lường hết những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình hoạt động, ảnh hưởng xấu tới việc hoàn thành kế hoạch của khách hàng và khả năng trả nợ cho ngân hàng.

2.3.2.3. Nguyên nhân khách quan

Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt đạt mức 6,81%, 7,08% và 7,02%, luôn vượt mục tiêu đề ra của Quốc hội. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và của huyện Lạc Thủy nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa thật sự phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế của địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ chiếm 28,6% cơ cấu nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Thời tiết có những lúc không thuận lợi, dịch bệnh hoành hành phức tạp đã ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, sản lượng hàng hoá. Giá cả hàng hóa như cam, bưởi... hay thịt lợn đã rớt giá, làm thu nhập của người nông dân, ảnh hưởng tới khả

năng trả nợ cũng như ý định vay vốn để tái sản xuất của nhiều hộ. Ngoài ra, nạn lô đề cờ bạc, tín dụng đen, hoạt động của các loại hình đa cấp biến đổi tinh vi, phức tạp, diễn biến khó lường cũng tác động xấu tới tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như hoạt động kinh doanh của chi nhánh.

Việc thu thập thông tin tín dụng từ các nguồn như từ chính quyền địa phương nơi khách hàng sinh sống, làm ăn, từ bà con hàng xóm láng giềng, bạn hàng của khách hàng... vẫn còn gặp nhiều khó khăn do họ chưa có nhiều hiểu biết về khách hàng cũng như vẫn còn tâm lý e dè, ngần ngại khi chia sẻ thông tin với cán bộ ngân hàng.

Tham gia vào việc cấp tín dụng trên địa bàn huyện Lạc Thủy còn có nhiều TCTD khác, dẫn đến thị phần của NHNo&PTNT chi nhánh huyện Lạc Thủy cũng bị ảnh hưởng.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hòa Bình cũng như việc phân tách, sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của huyện Lạc Thủy ảnh hưởng tới việc thực hiện các thủ tục hồ sơ giấy tờ trong giai đoạn lập hồ sơ vay vốn của khách hàng và xử lý tài sản thế chấp của chi nhánh. Công tác xử lý nợ xấu tuy đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp thị trấn / xã, thôn song vẫn còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là các khoản vay có tài sản thế chấp nằm ngoài địa phận địa lý huyện Lạc Thủy do chính quyền địa phương không nhiệt tình ủng hộ, các thủ tục có liên quan còn phiền hà, tốn kém thời gian và chi phí, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ.

Nhiều thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế ngành, vùng, quy hoạch xây dựng hạ tầng. có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và hoạt động sản xuất của khách hàng. Tuy nhiên, những thông tin này thường không được công bố chi tiết, do vậy ngân hàng và khách hàng khó dự đoán chính xác được ảnh hưởng của các sự kiện đối với hoạt động của khách hàng.

TÓM TẮT CHƯƠNG II

Với mục tiêu làm rõ thực trạng vấn đề nghiên cứu của khóa luận, chương II đã đi sâu vào những nội dung sau:

Thứ nhất: Giới thiệu về NHNo&PTNT chi nhánh huyện Lạc Thủy, về quá trình hình thành và phát triển của chi nhánh, về cơ cấu tổ chức hoạt động của chi nhánh. Bên cạnh đó, chương II còn khái quát về kết quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh trong ba năm gần nhất là 2017, 2018 và 2019 ở cả ba mảng huy động vốn, tín dụng và hoạt động dịch vụ khác.

Thứ hai: Tập trung vào làm rõ thực trạng chất lượng tín dụng của chi nhánh trong giai đoạn 2017 - 2019 thông qua các chỉ tiêu định tính và định lượng.

Thứ ba: Đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng của chi nhánh. Chi nhánh đã đạt được những thành tích đáng khen ngợi trong công tác tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng của chi nhánh vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế và đã đi vào lý giải nguyên nhân của những hạn chế đó.

Từ những vấn đề đã được nêu ra ở chương II, em xin trình bày những giải pháp và kiến nghị để nâng cao chất lượng tín dụng của NHNo&PTNT chi nhánh huyện Lạc Thủy ở chương cuối cùng của khóa luận.

CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NHNo&PTNT CHI NHÁNH HUYỆN LẠC THỦY, TỈNH HÒA BÌNH

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh huyện lạc thủy tỉnh hòa bình khoá luận tốt nghiệp 403 (Trang 54 - 60)