Đầu tư và Phát triển Việt Nam
3.3.1 Kiến nghị Chính phủ
Chính phủ cần kết hợp với NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng, ban hành Nghị định về thị trường mua bán nợ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội; sửa đổi Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; khung pháp lý (kể cả cơ chế quản lý thử nghiệm - Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech, ngân hàng số, cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền di động (mobile money), hợp tác ngân hàng - Fintech và Big Tech, chia sẻ dữ liệu... tạo điều kiện cho các NHTM triển khai ngân hàng số thành công. Đề nghị Chính phủ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động kinh tế, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội; chú trọng đầu tư đồng bộ, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong các giải pháp ngân hàng.
Tăng vốn là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn cũng như gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài việc sớm xem xét cấp vốn điều lệ (thông qua trực tiếp, trả cổ tức bằng cổ phiếu), cấp có thẩm quyền cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các TCTD, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu cho CBNV (ESOP)...
Chính phủ và NHNN cũng cần có những biện pháp kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, chính sách giá cả giúp ổn định kinh tế vĩ mô và
giá trị đồng tiền tạo điều kiện thuận lợi cho NHTM hoạt động, gây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư, khách hàng để góp phần phát triển bền vững, tránh những tác động xấu.
Về thị trường chứng khoán, hiện nay, vốn hóa thị trường này đạt 81% GDP (quý III/2019), nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Về thị trường trái phiếu chính phủ giai đoạn 2015 - 2019 khối lượng phát hành đạt trên 230 nghìn tỷ tăng 55% so với bình quân giai đoạn 2009 - 2014 (93% khối lượng phát hành là trái phiếu dài hạn). Những thị trường này nên cần được tiếp tục phát triển mạnh, đảm bảo là kênh dẫn vốn dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, giảm áp lực và rủi ro cho hệ thống NHTM.
Chính phủ cần cơ chế để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc xem xét, có định hướng và lộ trình cụ thể để tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng. Cần yêu cầu khối doanh nghiệp FDI sử dụng các dịch vụ ngân hàng nội địa tương ứng với ưu đãi được hưởng. BIDV hiện nay hoàn toàn đáp ứng được, thậm chí có thể đáp ứng tương đương với những dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài.