Giải pháp nâng cao khả năng sinh lời

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua phân tích báo cáo tài chính của NH việt nam thịnh vượng khoá luận tốt nghiệp 151 (Trang 77 - 82)

Nâng cao khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng

Theo đánh giá từ kết quả phân tích BCTC, hoạt động tín dụng của VPBank phát triển tốt trong giai đoạn 2012-2014. Tuy nhiên hiện tại VPBank vẫn đang gặp phải một số tồn tại như:

+ Danh mục khách hàng đang tập trung vào 2 đối tượng chính là cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chưa có sự bứt phá trong việc tiếp cận các đối tượng và thị trường khác như khối thị trường trường tài chính, khối doanh nghiệp lon,...

+ Các sản phẩm tín dụng của VPBank chủ yếu là cho vay có tài sản đảm bảo, chưa đa dạng thể đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

+ Khối lượng nợ xấu còn gia tăng ảnh hưởng đến thu nhập và an toàn hoạt động của ngân hàng.

Do đó để phát triển tiềm năng hơn nữa so với những gì đạt được hiện tại VPBank cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, giải pháp tăng trưởng số lượng khách hàng

- Ngoài hai phân khúc khách hàng truyền thống là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng chiến lược mô hình ngân hàng bán lẻ, VPBank cần mở rộng sản phẩm đến khối khách hàng doanh nghiệp lớn, khối thị trường tài chính, khối quản lý đầu tư và dự án, khối tín dụng tiêu dùng.... Đây là phân khúc thị trường khách hàng đầy tiềm năng với những sản phẩm đặc thù và cơ hội bán chéo sản phẩm.

- Đa dạng đối tượng theo ngành nghề kinh doanh, cân đối cho vay đối với nhiều loại hình ngành nghề và lĩnh vực khác nhau để phân tán rủi ro, giảm thiểu nguy cơ phát sinh nợ xấu hàng loạt. Hiện tại VPBank đang tập trung các gói sản phẩm tín dụng cho các doanh nghiệp thương mại, sản xuất và chế biến. Mặc dù đây là nhóm khách hàng tiềm năng nhưng nên mở rộng sang các ngành nghề như nông lâm ngư nghiệp, giáo dục và xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khởi sắc như hiện nay, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

- Tiếp tục liên kết với các đại lý ô tô, dự án bất động sản để tăng trưởng dư nợ cho vay mua xe, mua nhà. Đồng thời VPBank nên tổ chức nhiều buổi hội thảo và hội nghị dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp SME nhằm nâng cao hơn nữa uy tín của một đơn vị luôn cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp SME.

Thứ hai, giải pháp về gói sản phẩm tín dụng

- VPBank cần đa dạng các gói sản phẩm tín dụng và tạo ra sự khác biệt về sản phẩm so với các ngân hàng khác với mức giá cạnh tranh bằng cách thiết kế các sản phẩm riêng cho từng nhóm đối tượng.

+ Đối với nhóm đối tượng khách hàng cá nhân: tiếp tục đặt trọng tâm chính vào các sản phẩm cho vay có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó triển khai phát triển các sản phẩm vay tín chấp đặc biệt là sản phẩm thẻ tín dụng.

+ Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ: tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thông qua các gói sản phẩm Cho vay có tài sản đảm bảo, cho vay mua ô tô và triển khai dòng sản phẩm cho vay tín chấp là sản phẩm Cho vay trả góp dành cho doanh nghiệp và sản phẩm thẻ tín dụng dành cho doanh nghiệp.

+ Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn: Tích cực cung cấp các giải pháp về quản lý tiền tệ cho doanh nghiệp lớn kết hợp với việc tập trung cho vay và tài trợ các dự án hiệu quả về cơ sở hạ tầng, các dự án bảo vệ môi trường. Đồng thời, phải đảm bảo các sản phẩm tín dụng hiện tại của ngân hàng phù hợp với nhu cầu của các khách hàng lớn như Carlsberg, Vietnam Airlines, Jestar, EVN,...

-Đối với mỗi gói sản phẩm cần xây dựng chính sách lãi suất hợp lý. Xây dựng một mức lãi suất cạnh tranh, linh hoạt với thị trường là điểm giữ chân các khách hàng bên cạnh việc nâng cao uy tín và tạo dựng niềm tin với khách hàng. Để xác định lãi suất cho vay hợp lý, ngân hàng cần quan tâm đến chỉ tiêu tổng lợi ích xét trên tổng hòa mối quan hệ với khách hàng, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa ngân hàng và khách hàng.

Thứ ba, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng

- Ngân hàng cần tập trung cho hoạt động thẩm định khách hàng bởi đây được coi là khâu quyết định đến lợi nhuận cũng như rủi ro của ngân hàng. Để đánh gía chính xác một khách hàng cần phải xem xét trên 4 nội dung sau:

+ Một là, đánh giá về năng lực pháp lý của khách hàng: nhằm ràng buộc trách nhiệm của khách hàng trước pháp luật và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ngân hàng. Xác định năng lực pháp lý của khách hàng là cơ sở để ký kết và thực hiện các hợp đồng tín dụng.

+ Hai là, đánh giá khả năng lãnh đạo, bộ máy quản lý của doanh nghiệp: bởi vì đây là cơ quan đầu não điều hành trong doanh nghiệp, có vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.

+ Ba là, đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp nhằm giúp ngân hàng nắm được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xác định chính xác thực trạng và triển vọng về khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Đối với việc phân tích BCTC của doanh nghiệp cần thận trọng trước các xảo thuật kế toán và các báo cáo này cần có xác nhận của kiểm toán hoặc cơ quan thuế để tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin.

+ Bốn là, thẩm định phương án, dự án đầu tư của doanh nghiệp trên cả các yếu tố tài chính và phi tài chính nhằm đánh giá về tính hiệu quả và khả năng trả nợ của phương án, dự án đó. Đặc biệt cán bộ tín dụng cần phải áp dụng nhiều phương pháp

phân tích tình huống, phân tích độ nhạy để tìm ra bản chất của các thông tin ẩn đằng sau số liệu các doanh nghiệp cung cấp..

- Nâng cao hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Nâng cao tính thực tiễn và khả năng đánh giá chính xác hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, thực hiện xếp hạng tín dụng theo định kỳ và duy trì một cách liên tục để làm cơ sở trong xây dựng chính sách khách hàng về giới hạn tín dụng, áp dụng hình thức đảm bảo tiền vay thích hợp, các định hướng tín dụng đối với từng khách hàng.

- Kiểm soát chặt chẽ giai đoạn trong và sau khi cho vay. Thường xuyên phải theo dõi tình hình sử dụng nguồn vốn của khách hàng, tổ chức theo dõi chặt chẽ tiến độ hoàn thành từng hạng mục của dự án đầu tư thông qua các báo cáo định kỳ, biên bản làm việc của doanh nghiệp với các đối tác. Sau khi hoàn thành dự án vay, cán bộ tín dụng cần phải theo dõi diễn biến về tình hình kinh doanh, nguồn tiền về, thu nhập của người vay để đốc thúc trả nợ đúng hạn. Đối với khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn tại ngân hàng, ngân hàng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, tạo cơ hội cho khách hàng khắc phục khó khăn bằng cách đưa ra các phương án gia hạn, cơ cấu nợ cho khách hàng.

Nâng cao khả năng sinh lời từ hoạt động đầu tư

- Các chính sách đầu tư của ngân hàng nên được quản lý phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng. Đồng thời, các chính sách đầu tư của ngân hàng phải đủ độ linh hoạt để cho phép nó thay đổi mục tiêu đầu tư phù hợp với những thay đổi về điều kiện kinh tế ở thời điểm đó. Do đó ngân hàng phải tăng cường khả năng nghiên cứu và phân tích kinh tế để có cái nhìn tổng quát về triển vọng của nền kinh tế; kết hợp với viêc xây dựng các báo cáo phân tích thương xuyên các công cụ đầu tư, sẽ giúp các nhà quản trị đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp, giảm thiểu rủi ro bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng.

- Đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng. Trong giai đoạn 2012 -2104 hoạt động này liên tiếp bị thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng. Vì hoạt động đầu tư này chịu tác động của rất nhiều yếu tố bao gồm những biến động về tình hình kinh tế xã hội trong nước, ngoài nước và các quy định của Chính phủ, của NHNN về hoạt động này. Do đó, VPBank cần xây dựng một bộ phận có chuyên môn cao để phân tích đánh giá tình hình thị trường từ đó đưa ra những kịch bản giúp cho việc đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất nhưng lại giảm rủi ro về mức thấp nhất.

- Linh hoạt trong việc mua bán các GTCG để tăng lợi nhuận vừa đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân hàng. Năm 2014, VPBank đã thành công trong việc trúng thầu các đợt chào bán trái phiếu chính phủ và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên mức lợi nhuận này còn khiêm tốn nhưng có khả năng tăng trưởng hơn nữa nếu có chiến lược đầu tư hợp lý vào các giấy tờ khác như trái phiếu của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phát hành. Để có quyết định đầu tư đúng đắn, tránh rủi ro vỡ nợ ngân hàng cần phân tích đánh giá tình hình tài chính và xếp hạng nhà phát hành. Bởi vì tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị chứng khoán của doanh nghiệp đó trên thị trường, nghiên cứu kỹ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu được rủi ro phát sinh trong việc đầu tư chứng khoán. Tương tự, khi cho vay các TCTD khác cũng cần xem xét đến tình hình hoạt động của TCTD đó, tránh phát sinh nợ xấu.

Tăng nguồn thu nhập hoạt động dịch vụ

- Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, trong đó chú trọng vào dịch vụ thanh toán, đại lý bảo hiểm và dịch vụ tư vấn. Hoàn thiện định hướng phát triển và chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ thanh toán và tiện ích của từng sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu thị trường. Triển khai rộng rãi các dịch vụ thanh toán điện tử, đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu ứng dụng rộng rãi các công cụ thanh toán mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung đẩy mạnh dịch vụ tài khoản, trước hết là các tài khoản cá nhân với các thủ tục thuận lợi, an toàn và các tiện ích đa dạng kèm theo để tạo sự phát triển cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Để làm được điều này cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng, tạo sự quản lý linh hoạt mang lại tiện ích cao nhất cho khách hàng.

- Phát triển dịch vụ thẻ: Năm 2014 VPBank mới ghi nhận hoạt động triển khai chạy thử thẻ tín dụng cho thị trường đại chúng ở quy mô nhỏ. Do đó, ngân hàng cần phải tích cực hơn nữa trong các công tác phát triển sản phẩm thẻ vì tiềm năng phát triển của thị trường thẻ là rất lớn.

+ Mở rộng thêm mạng lưới các đối tác chấp nhận thẻ bằng cách liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng hóa tiêu dùng để đảm bảo cho các chủ thẻ có thể thanh toán ở các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại,...

+ Tạo ra sự khác biệt về sản phẩm thẻ tín dụng để cạnh tranh với các ngân hàng khác như ưu đãi về lãi suất khi sử dụng thẻ; gia hạn thêm thời hạn miễn lãi, phát triển thêm các tiện ích thẻ và mở các loại thẻ phù hợp riêng với từng phân khúc khách hàng. Khi đó ngân hàng cần nên phân loại trước từng đối tượng khách hàng rồi thiết kế các sản phẩm tương ứng về mục đích thanh toán và hạn mức chi tiêu như sản phẩm thẻ ghi nợ quốc tế cho những khách hàng hay có nhu cầu xuất ngoại, thẻ dùng cho các đối tượng có liên kết với các đơn vị tàu xe, sân bay, khách sạn nhà hàng, trung tâm mua sắm,...; thẻ thanh toán gia đình; thẻ thanh toán cho sinh viên không tính phí hay giảm phí; thẻ tiền lương cho các khách hàng đã về hưu,.

+ Tư vấn, quảng cáo, tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức về lợi ích của kênh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc sử dụng thẻ. Đồng thời thành lập trung tâm thẻ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng nhằm giải quyết những thắc mắc của khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng.

Giải pháp giảm thiểu chi phí

Giảm chi phí là một phần quan trọng của việc tăng lợi nhuận ngân hàng . Tuy nhiên, trong thời gian qua, chi phí hoạt động của ngân hàng ở mức cao, một phần là do tình hình khó khăn chung của cả nền kinh tế, một phần là do ngân hàng chưa tìm được các giải pháp để quản lý chi phí hiệu quả hơn.

- Giảm chi tiền gửi và lãi vay: đây là 2 khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí. Để giảm những khoản chi này ngân hàng cần phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi tại chỗ, nhất là nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức, giảm vay vốn của ngân hàng cấp trên từ đó giảm tỷ lệ lãi suất đầu vào, dẫn đến giảm chi phí sử dụng.

- Tăng cường quản lý, giám sát chi phí, đảm bảo tính thực tiễn và trung thực trong mỗi khoản chi, tổ chức kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các khoản chi sai chế độ, vượt định mức.Ngoài ra cần hạn chế tối đa các khoản chi nội bộ, cần cắt giảm những khoản chi không cần thiết.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua phân tích báo cáo tài chính của NH việt nam thịnh vượng khoá luận tốt nghiệp 151 (Trang 77 - 82)