Đối với ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 036 (Trang 67 - 71)

a, Tăng vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu có tác động thuận chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng, do đó để gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng cần phải có giải pháp tăng vốn phù hợp với tình hình của ngân hàng và bối cảnh kinh tế. Trong đó, một số giải pháp tăng vốn khả thi có thể áp dụng đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay như:

Chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: đây là một phương án hữu hiệu để các ngân hàng thương mại gia tăng tiềm lực tài chính một cách hiệu

quả vì nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Ngoài ra, những kinh nghiệm quản lý và tập quán kinh doanh hiện đại, các nhà đầu tư nước ngoài còn đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng: nâng cao chất lượng tài sản, giảm áp lực tăng vốn, tăng tích lũy lợi nhuận, giúp vốn chủ sở hữu tăng thêm, mở rộng quy mô ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng sẽ tự hoàn thiện mình để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Phát hành trái phiếu chuyển đổi: phương thức này có thể tạo ra một nguồn vốn bổ sung đáng kể và nhanh chóng cho ngân hàng. Đồng thời, đây là nguồn vốn có thể sử dụng lâu dài mà không làm thay đổi quyền sở hữu của cổ đông trong thời gian chưa chuyển đổi, phần trả lãi được tính vào chi phí trước thuế nên làm giảm số thuế phải nộp.

Hợp nhất, sáp nhập: đối với các ngân hàng nhỏ, không có khả năng tăng vốn bằng cách phát hành chứng khoán thì sáp nhập với một ngân hàng lớn hơn là một phương án hiệu quả. Việc hợp nhất sẽ tạo ra các ngân hàng mạnh với tiềm lực tài chính lớn để mở rộng hoạt động tăng cường cạnh tranh để phát triển.

Tăng lợi nhuận giữ lại: việc tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại có vai trò rất lớn đối với các ngân hàng thương mại. Đây là phương thức tăng vốn có chi phí thấp, không làm loãng quyền kiểm soát của cổ đông và không phụ thuộc vào thị trường vốn. Muốn như vậy, các ngân hàng cần nâng cao hiệu quả hoạt động để tăng nguồn lợi nhuận giữ lại cho ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng có tên tuổi trên thị trường và có tiềm lực tài chính có thể nghĩ đến việc phát hành trái phiếu để tăng vốn trên thị trường quốc tế.

b, Quản trị rủi ro tín dụng

Vì chi phí dự phòng tín dụng được trích lập theo các khoản nợ xấu hay mức độ rủi ro của các khoản tín dụng theo quy định của các văn bản ban hành bởi NHNN, do đó, các ngân hàng thương mại không thể cắt giảm các tỷ lệ quy định để giảm chi phí dự phòng tín dụng. Thay vào đó, ngân hàng nên tập trung vào việc xử lý và ngăn chặn nợ xấu thông qua các hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng.

Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ: hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được ngân hàng xây dựng với những chỉ tiêu chấm điểm được xác định trước, để phục vụ việc chấm điểm, xếp hạng khách hàng doanh nghiệp để ngân hàng tiến hành cấp tín dụng. Kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ là căn cứ để ngân hàng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN, từ đó giúp ngân hàng và quản lý chất lượng tín dụng, ngăn ngừa nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Củng cố và hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng: thông tin khách hàng là nguồn quan trọng để các ngân hàng có thể tiến hành xếp hạng tín dụng. Thông tin, dữ liệu thu thập được phải có độ tin cậy cao, có chất lượng để đảm bảo kết quả xếp hạng tín dụng của khách hàng. Do đó, các ngân hàng cần quan tâm hơn đến chất lượng của nguồn thông tin của khách hàng. Ngân hàng cần đẩy mạnh việc thu thập thông tin khách hàng từ nhiều nguồn đáng tin cậy, tiến hành sàng lọc, lựa chọn thông tin và hoàn thiện thông tin đưa vào lưu trữ để làm cơ sở dữ liệu, phục vụ cho các việc xếp hạng trong tương lai. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải thường xuyên cập nhật thông tin khách hàng để giám sát biến động của khách hàng, có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời khi rủi ro xảy ra.

Quan tâm đến công tác quản trị nội bộ: để quản trị nội bộ tốt, các cấp quản trị trong ngân hàng phải xây dựng được cơ chế kiểm soát nhằm ngăn chặn các giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phù hợp với quy định, song hành với việc đổi mới công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Cán bộ thẩm định phải bố trí sao cho hợp lý, tránh sự chồng chéo, đảm bảo sắp xếp cán bộ có đủ trình độ, năng lực, chuyên môn và trách nhiệm. Phân công cán bộ thẩm định cũng phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm, thế mạnh của từng người.

Nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên tín dụng: các

ngân hàng cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp để có thể phát huy năng lực, nâng cao và giữ gìn phẩm chất đạo đức của cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thể xây dựng các chương trình quản lý để đánh giá nhân viên, tổ chức các đợt thi nghiệp vụ nhằm khuyến khích trau dồi nghiệp vụ, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao trách nhiệm và đạo đức

nghề nghiệp của nhân viên. Đối với cán bộ tín dụng, cần gắn kết trách nhiệm với chất lượng khoản vay một cách rõ ràng và chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ vô trách nhiệm đạo đức kém để nâng cao trách nhiệm, ý thức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.

c, Cắt giảm chi phí hoạt động

Chi phí hoạt động làm giảm lợi nhuận ngân hàng, do đó, cắt giảm chi phí hoạt động là một giải pháp góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Trong chi phí hoạt động của ngân hàng thì chi phí tiền lương và chi phí quản lý chiếm tỷ trọng cao nhất. Do đó, để kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả, ngân hàng cần phải:

Xây dựng chính sách tiền lương hợp lý: tiền lương là một khoản chi phí của ngân hàng nhưng lại là thu nhập của nhân viên, do đó, việc xây dựng chính sách tiền lương cần phải hợp lý, xem xét đến năng suất lao động và năng lực của từng nhân viên. Do đó, ngân hàng cần đánh giá chức năng, nhiệm vụ của nhân viên làm cơ sở để xây dựng chính sách tiền lương hợp lý và khai thác tối đa năng suất làm việc của nhân viên.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức: các ngân hàng nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hệ thống quy tắc chuẩn về chức danh các công việc ngân hàng, tiêu chuẩn nghề nghiệp ngân hàng. Các tiêu chuẩn nghề nghiệp ứng với mỗi chức vụ, mỗi vị trí sẽ làm cơ sở hướng đến việc tiêu chuẩn hóa cán bộ theo các cấp độ đào tạo khác nhau, xây dựng cơ cấu nhân sự hợp lý, tránh trùng lắp và dư thừa.

Chính sách tuyển dụng phù hợp: ngân hàng cần tuyển dụng đội ngũ nhân sự phù hợp với vị trí công việc, thường xuyên tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các chương trình đào tạo hữu ích, đào tạo bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp của ngành ngân hàng với áp lực cạnh tranh ngày càng cao, nâng cao trách nhiệm, thái độ nghề nghiệp cho nhân viên. Các ngân hàng thương mại cũng không ngừng tìm kiếm và thu hút nhân tài để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên của mình.

Xây dựng mạng lưới gọn nhẹ, hiệu quả, có trọng điểm: để kiểm soát chi phí quản lý, ngân hàng không nên duy trì mạng lưới hoạt động quá rộng mà cần tập

trung vào hiệu quả, tạo sự tiện lợi tối đa cho khách hàng thông qua giao dịch điện tử. Việc xây dựng hệ thống gọn nhẹ cũng là một cách cắt giảm chi phí hiệu quả.

d, Mở rộng quy mô ngân hàng

So với các ngân hàng quy mô nhỏ, các ngân hàng quy mô lớn có nhiều lợi thế hơn, hiệu quả kinh tế trong phạm vi cho vay nhiều hơn và mức độ đa dạng hóa sản phẩm cao hơn, nâng cao uy tín của ngân hàng đối với khách hàng và nhà đầu tư... Vì vậy, các ngân hàng nên cân nhắc có biện pháp để mở rộng quy mô như tái cơ cấu hoặc theo xu hướng sáp nhập, phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu, tìm kiếm thêm nhà đầu tư để đạt được những thuận lợi của hiệu quả kinh tế từ quy mô.

e, Theo dõi và dự đoán lạm phát

Biến lạm phát trong mô hình tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi ngân hàng có khả năng dự đoán tỷ lệ lạm phát tương lai của nền kinh tế để điều chỉnh mức lãi suất cho vay phù hợp. Nếu không, ngân hàng có khả năng bị lỗ do không thể bù đắp được lãi suất nguồn vốn huy động. Khuyến nghị cụ thể như sau:

Các ngân hàng theo dõi, nắm bắt chính xác và thực thi đúng các quy định của NHNN trong từng thời kỳ như: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế các năm để điều chỉnh lãi suất phù hợp với tình hình thực tế ngân hàng.

Tiếp tục cải thiện và nâng cao năng lực quản trị. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khả năng phán đoán rủi ro thị trường, quản trị rủi ro lãi suất trước ảnh hưởng của lạm phát.

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 036 (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(114 trang)
w