Các công cụ phòng ngừa rủi ro danh mục cho vay

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý danh mục cho vay tại NHTMCP quân đội khoá luận tốt nghiệp 198 (Trang 29 - 31)

1.2.5.1. Bán các khoản cho vay

Theo dự thảo thông tư quy định về hoạt động mua bán nợ (2011) thì mua, bán nợ là việc chuyển nhượng một phần, hoặc toàn bộ khoản nợ trên cơ sở hợp đồng mua, bán nợ, trong đó bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ tương ứng cho bên mua nợ và nhận thanh toán từ bên mua nợ.

Với các khoản cho vay không nằm trong danh mục thiết kế ban đầu, ngân hàng thực hiện chuyển quyền đòi nợ cho các tổ chức khác. Hoặc khi ngân hàng có nhu cầu đa dạng hóa danh mục bán một phần các khoản vay cho ngân hàng khác - vì lý do tập trung tín dụng, rủi ro - họ bán một phần các khoản cho vay đó cho các ngân hàng có sự tương xứng về kỳ hạn giữa huy động và cho vay hơn.

Thông thường, ngân hàng bán các món vay cho tổ chức có tính chuyên môn hóa cao là công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC).

1.2.5.2. Chứng khoán hóa các khoản vay

Theo định nghĩa của các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đưa ra năm 1995: Chứng khoán hóa là việc phát hành các chứng khoán có tính khả mại được đảm bảo không phải bằng khả năng thanh toán của chủ thể phát hành, mà bằng các nguồn thu dự kiến có được từ các tài sản đặc biệt. Nhân tố quyết định chất lượng của chứng khoán phát hành là khả năng sinh lời của các tài sản dùng làm tài sản đảm bảo, chứ không phải là nhà phát hành. Kết quả của quá trình chứng khoán hóa là các tài sản có tính thanh khoản kém thành tài sản có tính thanh khoản cao.

Quyền sở hữu các khoản cho vay được chuyển nhượng một cách hợp pháp từ người khởi tạo giao dịch (ngân hàng thực hiện cho vay) sang cho một tổ chức chuyên môn hóa (còn gọi là tổ chức trung gian chuyên trách - The Special Purpose Vehicle, viết tắt là SPV). Sau đó tổ chức này phát hành các chứng khoán dựa trên tập hợp những khoản vay nợ, rồi phân phát cho các nhà đầu tư. Số tiền mà SPV thu được do bán chứng khoán cho nhà đầu tư được chuyển trả cho ngân hàng cho vay ban đầu [1].

Biểu đồ 1.4. Quy trình nghiệp vụ chứng khoán hóa

Do các khoản cho vay được chuyển ra khỏi bảng cân đối tài sản của ngân hàng cho vay ban đầu, nên sẽ làm giải phóng một lượng vốn của ngân hàng khởi tạo. Điều này cũng cho phép ngân hàng sử dụng nguồn quỹ mới được giải phóng để tài trợ cho những ngành nghề, khu vực kinh doanh có lợi nhuận cao, phát triển những dòng sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa danh mục. Hơn thế nữa rủi ro không hoàn trả của những khoản cho vay sẽ được chuyển sang cho các nhà đầu tư, từ đó giảm thiểu rủi ro tập trung trên danh mục cho vay của ngân hàng.

Tóm lại, sử dụng công cụ chứng khoán hóa các khoản nợ có ý nghĩa khác nhau đối với các loại hình định chế tài chính. Đối với ngân hàng khởi tạo, chứng khoán hóa sẽ đem đến cho ngân hàng một trong những lợi ích như: chuyển giao và phân tán rủi ro; khai thác được nguồn vốn mới, quay vòng vốn; giảm yêu cầu về vốn pháp lý; gia tăng nguồn quỹ; giảm thấp chi phí và cuối cùng là nâng cao các hệ số phản ánh năng lực tài chính của ngân hàng. Xét ở góc độ quản lý danh mục cho vay, chứng khoán hóa là biện pháp tái cấu trúc lại khoản nợ, giảm rủi ro tập trung trên danh mục cho vay của ngân hàng.

1.2.5.3. Phái sinh tín dụng

Phái sinh tín dụng là công cụ cung cấp cho những nhà kinh doanh hoặc bảo hiểm rủi ro tín dụng bằng việc cô lập rủi ro tín dụng từ những giao dịch cơ bản.

Hiệp định Basel quy định mức vốn an toàn tối thiểu để bù đắp rủi ro tín dụng nên ngân hàng cần một giải pháp bảo hiểm rủi ro tín dụng qua đó giảm thiểu nhu cầu vốn mà không phải bán các danh mục tài sản của mình. Phái sinh tín dụng chính là công cụ giúp ngân hàng mua, bán rủi ro tín dụng mà không cần chuyển giao danh mục tài sản. Trong số các loại phái sinh tín dụng, công cụ được sử dụng nhiều nhất trong quản lý danh mục cho vay là hoán đổi tín dụng (Credit Swaps) và quyền chọn tín dụng (Credit Options).

■ Hoán đổi tín dụng

Trong loại hình hoán đổi tín dụng, công cụ được sử dụng nhiếu nhất trong quản trị danh mục cho vay là hoán đổi rủi ro tín dụng. Hoán đổi rủi ro tín dụng có cơ chế hoạt động tương tự như bảo hiểm tín dụng trong đó một công ty bán bảo hiểm cam kết sẽ chi trả cho những người mua bảo hiểm (ngân hàng, công ty tài chính...) khi xảy ra biến cố rủi ro tín dụng đối với tài sản tham chiếu, với điều kiện người mua bảo hiểm phải chi trả các khoản phí cố định hay định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý.

Biểu đồ 1.5. Quy trình nghiệp vụ hoán đổi tín dụng

Nguồn: [5]

Khi sử dụng các công cụ hoán đổi rủi ro tín dụng, mặc dù dư nợ của khoản cho vay được bảo hiểm vẫn tồn tại trên danh mục cho vay của ngân hàng nhưng rủi ro vỡ nợ của nó đã được một tổ chức là đối tác trong giao dịch hoán đổi đảm trách. Công cụ này giúp ngân hàng trong việc quản lý danh mục cho vay chủ động, đa dạng hóa được danh mục cho vay và dễ dàng chuyển đổi danh mục.

■ Quyền chọn tín dụng

Hợp đồng quyền chọn tín dụng là công cụ bảo vệ ngân hàng trước những tổn thất trong giá trị tài sản tín dụng, giúp bù đắp mức vốn cao hơn khi chất lượng tín dụng của ngân hàng giảm sút. Ví dụ: ACB lo lắng về chất lượng tín dụng của một danh mục các khoản vay trị giá 1 triệu USD, ACB có thể ký hợp đồng quyền chọn với tổ chức kinh doanh quyền chọn. Hợp đồng này sẽ đồng ý thanh toán toàn bộ danh mục nếu như giá trị danh mục bị giảm đáng kể hoặc danh mục này không được thanh toán như dự tính. Còn nếu khách hàng vay vốn trả nợ như kế hoạch, ACB sẽ nhận được các khoản thanh toán như dự tính và hợp đồng quyền chọn không được sử dụng.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý danh mục cho vay tại NHTMCP quân đội khoá luận tốt nghiệp 198 (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w