2. NGỮ NGHĨA HỌC TỪ VỰNG
2.2. Nghĩa của từ ngữ
2.2.8. Hiện tượng trái nghĩa
- Từ trái nghĩa là một trong những biện pháp tổ chức từ vựng theo sự đối lập. Có thể định nghĩa từ trái nghĩa là những từ khác nhau về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa, biểu hiện các khái niệm tương phản về logic, nhưng tương liên lẫn nhau.
- Hiện tượng trái nghĩa là mối quan hệ giữa hai từ có một nét nghĩa nào đó đối lập nhau. Có bốn kiểu trái nghĩa quan trọng:
+ Trái nghĩa lưỡng phân là quan hệ giữa những cặp từ ngữ trái nghĩa tạo thành hai cực mâu thuẫn nhau, phủ định cực này tất phải chấp nhận cực kia. (thường là tính từ)
VD: Chẵn – lẻ là cặp từ trái nghĩa lưỡng phân: khi nói “ Đây không phải là số chẵn.”, thì điều đó có nghĩa là “Đây là số lẻ”.
+ Trái nghĩa thang độ là quan hệ giữa những từ ngữ trái nghĩa tạo thành hai cực có điểm trung gian, thành thử phủ định cực này chưa hẳn đã tất yếu phải chấp nhận cực kia.
VD: Nói “Trời không nóng”, thì không chắc chắn gì có thể suy ra “Trời lạnh”, vì giữa hai cực nóng – lạnh còn có các trạng thái ấm, mát. Như thế, nóng – lạnh là cặp từ trái nghĩa thang độ.
+ Trái nghĩa nghịch đảo là quan hệ giữa những từ ngữ trái nghĩa tạo thành hai cực giả định lẫn nhau (thường là danh từ, sự việc).
+ Nhưng không phải cặp từ ngữ trái nghĩa nghịch đảo nào cũng có hai cực giả định.
VD: “Ông và cháu”: ông của ai thì người đó là cháu, nhưng cháu của ai thì người đó có thể là bà, cô, dì, bác, cậu,… chứ không nhất thiết phải là ông.
+ Trái nghĩa phương hướng là quan hệ giữa những từ ngữ chỉ các hướng đối lập nhau.
VD: trước – sau, trái – phải, trên – dưới, cao – thấp, lên – xuống, tới – lui.
Tuy nhiên, phương hướng ở đây không chỉ về không gian, mà rộng ra, cả thời gian nữa.
VD: hôm qua – ngày mai, quá khứ – tương lai, trẻ – già, buộc – cởi, bắt đầu – kết thúc, ngủ – thức,…
+ Cần lưu ý là những từ ngữ trái nghĩa tuy đối lập nhưng cùng chung một phạm trù, do đó có thể cho những từ trái nghĩa mặc nhiên phải có phần nào đồng nghĩa.
VD: nóng – lạnh cùng thuộc phạm trù nhiệt độ.
Mặt khác, một từ có thể gia nhập vào nhiều nhóm trái nghĩa khác nhau. Một cặp từ có thể thuộc loại trái nghĩa này, mà cũng có thể thuộc loại trái nghĩa kia. Chẳng hạn thắng – thua thuộc loại nghịch đảo, mà cũng có thể thuộc loại thang độ vì ta có “thắng – hòa – thua”.